Hàng nghìn người Iraq biểu tình chống chính quyền
Người biểu tình chống Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki ở các thành phố có đa số người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống ngày 26/12 đã phong tỏa tuyến đường chính chạy tới Syria và Jordan, trong khi một người đại diện kêu gọi cầm vũ khí chống chính phủ.
Hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình ở Ramadi và Samarra - các thủphủ của hai tỉnh có người Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở miền Trung và Tây Iraq,để phản đối điều mà họ cho là giới chức và lực lượng an ninh của chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo đang nhằm vào cộng đồng của họ.
(Nguồn: Reuters)
Phát biểu tại cuộc biểu tình ở Ramadi, một người biểu tình nói: "Chúng tôi sẽkhông thương lượng, không rời đi. Nếu các yêu cầu của chúng tôi không được đápứng, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầm vũ khí chống chính phủ."
Một trong những yêu cầu nói trên có liên quan đến luật chống khủng bố liên bang, mà diễn giả nói trên cho là nhằm vào người Sunni, phải được hủy bỏ.
Bộ trưởng Tài chính Iraq Rafa al-Essawi cũng tham dự cuộc biểu tình ở Ramadi và cam kết đại diện cho những người biểu tình để "đàm phán với chính quyền Baghdad."
Trước đó, ông al-Essawi ngày 20/12 cũng đã yêu cầu Thủ tướng Maliki từ chức với cáo buộc một đơn vị của lực lượng an ninh tấn công Bộ Tài chính và bắt giữ các nhân viên bảo vệ tại bộ này cùng ngày.
Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình cũng tụ tập ở thủ phủ Samarra của tỉnh Salaheddin, phía Bắc Baghdad, hô vang khẩu hiệu miệt thị ông Maliki là "kẻ hèn nhát" và "tay sai của Iran."
Khối Người Iraq và một số thành viên trong chính phủ chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, Sunni và người Cuốc ở Iraq cáo buộc Thủ tướng Maliki trong năm quađã thâu tóm quyền lực và liên tục yêu cầu ông từ chức.
Hồi đầu năm nay, những người phản đối Thủ tướng Maliki đã tìm cách tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông, song thất bại vì Tổng thống Jalal Talabani, một người Kurd, không ủng hộ cuộc bỏ phiếu này, đồng thời những người chống đối ông Maliki không có được sự đồng thuận.
Tình trạng căng thẳng giữa các giáo phái hiện vẫn tồn tại dai dẳng tại Iraq khiến nước này nhiều năm qua chìm trong các vụ bạo lực đẫm máu, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và buộc rất nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.
Theo (TTXVN) - ĐT