Hàng trăm sổ đỏ của dân thất lạc: Bài học trong quản lý đất đai

22/08/2014 10:22

TIN LIÊN QUAN

(Baonghean) - Việc người dân xóm 6, 7, xã Diễn Thắng hơn 17 năm qua "thất lạc" Giấy chứng nhận QSDĐ là có thật và nếu như không có chủ trương cấp đổi mới sổ đỏ, thì sự việc cũng chưa “vỡ lở”. Vậy nguyên nhân do đâu và ai đã làm thất lạc, cần được làm rõ. Chúng tôi thấy rằng, đây là một bài học trong công tác quản lý đất đai…

Để tìm ra nguyên nhân "thất lạc" hàng trăm Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân hai xóm 6, 7, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, trước tiên, cần nhìn lại quãng thời gian từ năm 1994 đến năm 1997 ở địa phương này. Thời kỳ đó, xã Diễn Thắng được gọi là “điểm nóng” của tỉnh về đơn thư khiếu nại, tố cáo. Sau đó, thanh tra liên ngành do tỉnh thành lập đã làm rõ ra hàng loạt sai phạm, nổi cộm là các sai phạm liên quan đến đất đai. Đó là những sai phạm như: thu thuế nhà đất của dân cao hơn mức thuế Nhà nước quy định; cấp, bán đất ở cho dân không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Đất đai với diện tích 53.623m2; diện tích một số lô đất đem bán thực tế có sự chênh lệch so với sổ sách địa chính xã.

Ví dụ, hộ ông Tạ Hòa, xóm 7 - nguyên là cán bộ địa chính xã, mua đất năm 1994, diện tích được Hội đồng xét duyệt đất ở xã Diễn Thắng xét duyệt là 210m2, diện tích đo đạc thực tế là 220m2, chêch lệch so với hồ sơ được duyệt là 10m2; hộ ông Lê Lân, nguyên ủy viên ủy ban, phụ trách văn hóa xã là thành viên trong ban đo đất năm 1994, diện tích theo sổ sách địa chính là 280m2, diện tích đo đạc thực tế là 297,5m2, chêch lệch so với sổ sách địa chính là 17,5m2 (tại thời điểm kiểm tra các ông này đã làm nhà trên đất)… Bên cạnh đó, UBND xã Diễn Thắng còn thiếu tinh thần trách nhiệm, tùy tiện trong việc thực hiện Nghị định 64/CP như tự ý lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND huyện đưa một số diện tích đất bán thiếu thẩm quyền vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến nhiều sai sót; việc quản lý hồ sơ địa chính; quản lý đất đai thiếu chặt chẽ. Cụ thể, khi giao đất không cắm mốc giới hạn cho từng hộ; không có biên bản giao đất kèm trích lục bản đồ…

Tại Thông báo về giải quyết đơn thư khiếu nại số 324/TB/UB.KT của UBND tỉnh ngày 12/11/2001, ngoài nêu chi tiết những sai phạm đã khẳng định “trách nhiệm thuộc về Đảng ủy, HĐND, UBND xã, Ban quản lý HTX Diễn Thắng và phòng địa chính huyện Diễn Châu vì đã buông lỏng quản lý về đất đai, tùy tiện bán đất, thiếu tinh thần trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là Đảng ủy; HĐND xã đã đưa nội dung bán đất cho dân vào Nghị quyết Đảng bộ và Nghị quyết HĐND xã khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt và quy hoạch đất ở”.

Vì "dính" vào sai phạm, năm 2002, hàng loạt cán bộ cấp ủy, chính quyền xã Diễn Thắng thời điểm đó đã bị kỷ luật, cách chức; bộ máy cấp ủy, chính quyền gần như được thay mới. Cho đến thời điểm này, ngoài những vấn đề đã được thanh tra liên ngành làm rõ, người dân còn phản ánh thêm những sai phạm liên quan như việc xã bán đất trái thẩm quyền, thu tiền của dân không nộp ngân sách, không có biên lai giấy tờ... Chính vì những sai phạm đó, bà Chu Thị Tròn ở xóm 6, chị Nguyễn Thị Chi ở xóm 7... đã "tố" với chúng tôi rằng, mặc dù xã đã "thu 3 lần tiền” để làm bìa, nhưng nhiều hộ dân Diễn Thắng mua đất dọc QL7 từ những năm 1994 đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Qua kiểm tra Giấy chứng nhận QSDĐ được cấp trong khoảng năm 1997 mà một số người dân giữ lại thể hiện rõ sự cẩu thả, tắc trách của chính quyền cấp xã dẫn đến những sai sót không thể chấp nhận. Và những sai sót về họ tên, không đề thời gian, số quyết định, thông tin số liệu sai lệch... khiến Giấy chứng nhận QSDĐ phát ra cho dân không có giá trị. Việc thu hồi lại để chỉnh sửa rõ ràng là cần thiết, "xã có chủ trương, chỉ đạo xóm thu hồi lại" là hoàn toàn có cơ sở. Dù sự việc đã trôi qua 17 năm, việc giao nhận không rõ ràng, nhưng trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về lãnh đạo xã thời kỳ đó.

Nói về công tác quản lý đất đai, việc cấp phát, thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ dẫn đến "thất lạc" dù không phải do lỗi của cấp ủy, chính quyền hiện tại, nhưng trong suốt bao nhiêu năm qua, rõ ràng cán bộ xã Diễn Thắng thời kỳ này biết (mọi giao dịch liên quan đến bìa đất để vay vốn ngân hàng phải viết giấy và xã ký, đóng dấu xác nhận) nhưng vẫn không tìm cách giải quyết cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Không thể lấy lý do chuyện xảy ra từ “thời kỳ trước” để bao biện cho sự tắc trách, lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai của mình.

Ở đây cũng cần phải đề cập đến vai trò trách nhiệm quản lý đất đai của chính quyền huyện Diễn Châu. Phó phòng TN&MT huyện Diễn Châu, ông Ngô Đình Tiu đã thanh minh: “Anh em trong phòng cũng hay luân chuyển, lâu nay từ họp xóm đến họp chi bộ, có thấy dân ý kiến gì đâu...”, “Câu chuyện cấp bìa đất theo Nghị định 64, xóm kê khai, xã cấp đồng loạt nên để sai sót và thu về cấp lại nhiều lắm. Diễn Thắng là đất nghèo, người dân không giao dịch vay mượn ngân hàng nhiều, người ta không quan tâm đến bìa mấy. Đến bây giờ thực hiện đo bản đồ số cho Diễn Thắng để thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phát sinh ra chuyện này…”. Tuy nhiên, từ bao năm nay, huyện Diễn Châu vẫn có cán bộ phòng TN&MT phụ trách địa bàn, các cụm xã (ở xã Diễn Thắng hiện nay cũng đang có cán bộ phụ trách). Vậy nhưng việc "thất lạc" hàng trăm bìa đỏ của dân kéo dài 17 năm lại không hề hay biết??? Chỉ đến khi công tác cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ gặp khó khăn, dẫn tới không thể hoàn thành theo kế hoạch (tháng 6/2014) thì phòng TN&MT mới hay chuyện và "... đã chỉ đạo xã thành lập tổ công tác để làm rõ".

Sự lỏng lẻo của chính quyền các cấp trong công tác quản lý đất đai qua các thời kỳ là rõ ràng nhưng trong sự việc này cũng có một phần lỗi của người dân. Hơn 17 năm qua, Giấy chứng nhận QSDĐ chưa được hoàn trả, muốn vay vốn ngân hàng họ phải viết giấy xin xác nhận của chính quyền địa phương, mỗi năm được vay một lần với mức vay chỉ khoảng 10 triệu đồng, thế nhưng người dân vẫn không quan tâm, thắc mắc. Chỉ đến khi yêu cầu nộp Giấy chứng nhận QSDĐ để cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ mới thì mới “tá hỏa” kiếm tìm, thắc mắc không biết bìa của mình hiện đang ở đâu. Cá biệt có trường hợp đem Giấy chứng nhận QSDĐ đi thế chấp ngân hàng nhưng không nhớ, vẫn làm giấy báo mất, đến khi xã đề nghị ngân hàng phô tô bìa đất gửi về để làm căn cứ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới thấy rằng "bị quên".

Xuyên suốt vụ việc này cho thấy công tác quản lý hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai; việc thực hiện luật và các chính sách liên quan đến đất đai ở cơ sở đang còn quá nhiều bất cập. Đây đang là một rào cản lớn cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Cụ thể ở đây, hậu quả để lại là việc thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn xã Diễn Thắng đang đi vào bế tắc. Bà Nguyễn Thị Hoàn - cán bộ địa chính xã Diễn Thắng cũng xác nhận có tới 90% các hộ dân ở 2 xóm 6, 7 bị thất lạc bìa, nhiều hộ đã gửi đơn báo mất lên xã. Còn ông Trần Văn Minh (cũng cán bộ địa chính xã) thì phàn nàn: Do lịch sử để lại nên không giải quyết được hết việc cấp bìa đỏ cho dân… Hiện tại, đối với những hộ có bìa đất cắm ở ngân hàng mà đã trả cả gốc lẫn lãi thì viết giấy chính quyền xác nhận để rút về; trường hợp các hộ có bìa đất cắm ngân hàng mà chưa trả hết thì đề nghị ngân hàng phô tô gửi về cho xã làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mới. Còn những trường hợp Giấy chứng nhận QSDĐ thất lạc thì hiện nay chưa biết sẽ giải quyết như thế nào...!!!”.

Hàng trăm Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân xóm 6, 7, xã Diễn Thắng đang "thất lạc" ở đâu? Ai là người chịu trách nhiệm trong sự việc này? Để làm rõ, chính quyền huyện Diễn Châu, xã Diễn Thắng cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, sớm có hướng giải quyết việc cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ cho nhân dân để ổn định tình hình cơ sở.

Nhóm P.V

Mới nhất
x
Hàng trăm sổ đỏ của dân thất lạc: Bài học trong quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO