Hàng Việt vẫn khó vào EU

12/10/2014 15:52

Những quy định nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là rào cản lớn cho hàng hóa Việt Nam, nhất là những mặt hàng nông sản khi XK sang thị trường EU.

DN Việt Nam phải tận dụng mọi cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật để tạo dựng được thương hiệu riêng. Ảnh minh họa
DN Việt Nam phải tận dụng mọi cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật để tạo dựng được thương hiệu riêng. Ảnh minh họa

Khó từ bao bì, đóng gói

Là một DN đã từng có kinh nghiệm XK chè sang thị trường EU nhưng ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty Liên kết sinh thái Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng, XK sang thị trường này không hề dễ dàng. Bằng chứng là XK chè của Việt Nam sang EU liên tục suy giảm trong những năm gần đây, từ chỗ chiếm 20% thị phần tại thị trường EU (năm 2007) đã giảm xuống còn dưới 7% (năm 2013). Nguyên nhân của việc suy giảm này là do DN chè Việt Nam thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc, dư lượng hóa chất (MRL) quá mức cho phép, thiếu chứng nhận đặc biệt liên quan đến trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, chất lượng không ổn định.

Có lẽ, yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng là khó khăn chung mà khi XK sang thị trường EU các DN Việt Nam đều gặp phải. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng phòng XNK, Công ty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, khi XK các sản phẩm sứ sang EU, khó khăn lớn nhất mà công ty ông gặp phải là yêu cầu kỹ thuật về bao bì, đóng gói… Hơn nữa, nếu đáp ứng tất cả các tiêu chí của EU đưa ra thì chi phí sản xuất sẽ rất cao và kém tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho hay, EU là thị trường khó tính với chất lượng dịch vụ hàng hóa ngày càng yêu cầu cao. Đặc biệt, người tiêu dùng EU không chấp nhận hàng hóa có chất lượng trung bình hoặc thấp. “Đây là một đặc điểm mà DN Việt Nam phải cố gắng rất nhiều vì tập quán sản xuất của Việt Nam vẫn là lấy số lượng để lấn át chất lượng”, ông Dũng nói. Riêng với những sản phẩm nông sản, EU muốn nhập nông sản Việt Nam một mặt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, một mặt để chế biến rồi XK nội khối. Tuy nhiên, xu hướng NK để chế biến đang được EU ưu tiên bởi họ muốn có giá trị gia tăng trong việc chế biến nguyên liệu thô của Việt Nam. Trong khi đó, định hướng XK của Việt Nam là từng bước nâng cao giá trị XK bằng việc đẩy mạnh XK hàng hóa đã qua chế biến để nâng cao thu nhập cho người dân. “Đây là sự mâu thuẫn tương đối lớn trong thương mại và là bài toán khó mà Việt Nam cần tìm ra những cách giải quyết phù hợp nhất”, ông Dũng cho hay.

Tạo dựng uy tín

Cơ hội XK sang thị trường EU được giới chuyên gia cũng như các bộ, ngành đánh giá là rất lớn do châu Âu có đông người Việt sinh sống, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm Việt ở châu Âu đang ngày càng lớn. Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU được ký kết thì cơ hội để hàng hóa Việt Nam XK sang EU còn được nhân lên gấp nhiều lần. Theo con số bà Maylis Labayle, Giám đốc chính sách thương mại của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) đưa ra, XK của Việt Nam sang EU có thể tăng 30-40% với những sản phẩm chính là gạo, cà phê, chè, thủy sản, mật ong, dệt may, da giày…

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, ngay cả khi FTA chưa được ký kết thì nông sản của Việt Nam sang EU vẫn có lợi thế hơn các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, do Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của EU, trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN khác đã bị loại bỏ. Trung Quốc cũng có lợi thế về hàng nông sản nhưng hàng hoá nước này bị hạn chế về khối lượng NK.

Còn theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), EU hiện đang là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, một thị trường phát triển ở trình độ cao nên các hệ thống kiểm soát về quy chuẩn và tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường này rất phức tạp. Hiện chỉ có khoảng 42% mặt hàng của Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Tuy nhiên, nếu ký thành công FTA với EU, sẽ có ít nhất 90% mặt hàng Việt Nam được hưởng mức thuế 0%. Do vậy, ngay từ bây giờ DN Việt Nam phải tận dụng mọi cơ hội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, hướng đến mở rộng các cơ hội thâm nhập vào thị trường này. Vị đại diện của Bộ NN&PTNT thì cho rằng, mỗi DN phải tìm hiểu kỹ, đồng thời đề ra được chiến lược phát triển XK để đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo dựng được thương hiệu cho cả DN và sản phẩm để nâng tính cạnh tranh. “Nếu không tạo dựng được uy tín, thương hiệu thì DN rất khó đi vào thị trường EU”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo HQ Online

Mới nhất
x
Hàng Việt vẫn khó vào EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO