Hạnh phúc khi thấy nụ cười bệnh nhi
Là nơi tiếp nhận và chăm sóc các bệnh nhi dưới 30 ngày tuổi, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong hành trình đầu đời của những em bé cần sự chăm sóc đặc biệt về y tế. Thấu hiểu điều đó, trong hơn 20 năm công tác tại đây, chị Lê Thị Lý (SN 1980) - Điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh luôn tận tụy với công việc. Với chị, phần thưởng lớn nhất là được nhìn thấy nụ cười của sản phụ và bệnh nhi khi những thiên thần nhỏ phục hồi, khỏe mạnh.
Tận tụy, điềm tĩnh
Đầu giờ sáng, bên trong phòng bệnh khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, không khí yên lặng, mọi người nhẹ nhàng hết mức có thể để không làm phiền giấc ngủ mong manh của các bé. Nhưng ở ngoài hành lang, không khí dần náo động, sự căng thẳng như được đẩy lên cao với những câu hỏi dồn dập: "Bác sĩ ơi, cháu tôi có tiến triển tốt không?", "Khi nào bé có thể bú mẹ lại bình thường?", "Lồng ấp có cần đắp thêm khăn không ạ?"...

Trước những lo lắng ấy, điều dưỡng Lý vẫn điềm tĩnh, từng bước kiểm tra tình hình từng bé, hướng dẫn điều dưỡng viên thực hiện các quy trình chăm sóc và nhẹ nhàng trấn an người nhà bệnh nhi. Chính sự ân cần ấy đã giúp nhiều gia đình yên tâm hơn trong hành trình đồng hành cùng con vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Tại phòng Kangaroo, nơi chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân, anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1984, trú huyện Nam Đàn) đang kiên nhẫn cho con nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mình với hy vọng con sẽ ổn lên theo lộ trình điều trị. Nhìn con nhỏ bé, đỏ hỏn, anh không giấu nổi sự lo lắng.

Anh Tuấn cho biết, lần này vợ sinh đôi nên từ khi con lọt lòng, anh được vợ giao nhiệm vụ “phụ trách” riêng một bé. Dù đây không phải lần đầu làm cha, nhưng việc con sinh ra bị nhẹ cân vẫn khiến anh bất an và có đôi lúc lóng ngóng. Vậy nhưng, được sự hướng dẫn tận tình của chị Lê Thị Lý, anh dần quen với việc chăm sóc bé bằng phương pháp Kangaroo - một phương pháp giúp ổn định nhịp thở, tăng cường liên kết giữa cha mẹ và con, hỗ trợ bé phát triển não bộ và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sơ sinh.
Ngơi tay sau những giờ phút căng thẳng, chị Lý cho biết, chị sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nghĩa Đàn. Năm 2001, chị tốt nghiệp khoa Điều dưỡng - Trường Đại học Y khoa Vinh và bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ban đầu, chị công tác tại khoa Ngoại, sau đó chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu. Cho tới năm 2005, khoa Sơ sinh được thành lập và chị gắn bó với khoa cho đến nay.

Khoa Sơ Sinh hiện có 10 buồng bệnh, trong đó có buồng bệnh cấp cứu, buồng kangaroo, buồng chiếu đèn, buồng viêm phổi, buồng nhiễm trùng…
Năm 2024, Khoa đã tiếp nhận và điều trị hơn 4.000 bệnh nhi. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nhân viên y tế phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, từ chăm sóc, theo dõi sức khỏe bệnh nhi đến thực hiện các kỹ thuật chuyên môn.
Trong guồng quay công việc ấy, vai trò của điều dưỡng trưởng khoa càng trở nên quan trọng khi không chỉ trực tiếp tham gia chăm sóc bệnh nhi mà còn chịu trách nhiệm điều phối công việc, hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo quy trình chăm sóc diễn ra chính xác và hiệu quả.

Nhiều năm qua, cử nhân điều dưỡng Lê Thị Lý luôn thể hiện sự tỉ mỉ, chu đáo và chủ động trong chăm sóc bệnh nhi cũng như thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, từ khi được bổ nhiệm làm điều dưỡng khoa vào năm 2014, chị không chỉ làm tốt vai trò của mình mà còn tích cực hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện các quy trình kỹ thuật mới một cách chính xác, hiệu quả.
Nhờ những nỗ lực đó, chị đã có 9 năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2012 đạt giải Nhất cuộc thi Điều dưỡng giỏi do bệnh viện tổ chức. Năm 2020, 2022, chị đã hướng dẫn cho điều dưỡng viên trong khoa kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để tham gia cuộc thi và cũng đã dành được các giải thưởng cao nhất. Điều này thể hiện được chuyên môn vững vàng và tinh thần tận tụy với nghề của chị.
BSCKII Đoàn Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Sơ sinh
Lương y như từ mẫu
Không chỉ tận tâm trong chuyên môn, chị Lý còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhiều gia đình khó khăn. Có những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cha mẹ nghèo khó, thậm chí có người tính đưa con về vì không đủ tiền điều trị. Mỗi lần như vậy, chị lại trăn trở, tìm cách kêu gọi sự giúp đỡ.
Một trong những trường hợp chị không thể quên là bệnh nhi H.B.L ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Bởi gia đình bệnh nhi quá nghèo, không đủ tiền trang trải viện phí, người thân buộc lòng quyết định xin đưa bé về nhà. Nắm được thông tin, chị Lý lập tức báo cáo lãnh đạo khoa, sau đó cùng các đồng nghiệp vận động, kêu gọi sự giúp đỡ từ nhiều phía. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời ấy, gia đình bệnh nhi có thêm điểm tựa về tinh thần và vật chất để hoàn thành quá trình điều trị cho bé tới lúc phục hồi khỏe mạnh.

Trước đó không lâu, khoa Sơ sinh cũng đã cứu sống thành công trẻ sinh non, suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng. Đây là trường hợp trẻ sinh non đặc biệt ở tuần 32, chỉ nặng 1,1kg của gia đình trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sau 27 ngày điều trị, dưới sự chăm sóc của các bác sĩ trong khoa và điều dưỡng Lê Thị Lý, cân nặng bé đã được 1,9 kg. Bé tự thở, phản xạ bú và ăn được sữa mẹ.
Sau khi bé hồi phục, biết được hoàn cảnh gia đình bé vô cùng éo le khi bố bé bị câm điếc bẩm sinh, chị D. - mẹ bé mang thai và bị đái tháo đường Type 2 đã hai lần nhập viện điều trị, chị Lê Thị Lý cùng mọi người trong khoa Sơ sinh và các khoa, phòng khác của bệnh viện đã đứng ra quyên góp, kêu gọi sự giúp đỡ để gia đình bệnh nhi có thêm điểm tựa vượt qua khó khăn.

Những câu chuyện ấy quả thực không hiếm trong hành trình gắn bó với nghề y của chị Lý. Sau nhiều nỗ lực, chị đã được đón nhận nhiều giải thưởng quan trọng như Kỷ niệm chương vì Sức khỏe nhân dân của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vào các năm 2016, 2019. Năm nay, chị vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu được trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú năm 2025”.
Hơn hai thập kỷ gắn bó với công việc, với những tiếng khóc, tiếng cười của các thiên thần nhỏ, điều dưỡng Lê Thị Lý vẫn miệt mài với những ca trực, những đêm trắng. Nhưng với chị, tất cả những vất vả ấy đều trở nên xứng đáng khi thấy một em bé khỏe mạnh trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đó chính là niềm hạnh phúc giản dị nhưng vô giá của một người làm nghề y.