Hạnh phúc mỉm cười...

16/10/2014 15:12

(Baonghean) - Ngôi nhà ẩn giữa bạt ngàn rừng quế. Một người phụ nữ ngồi lặng lẽ với những đau đáu thẳm sâu của cuộc đời mình. Một giấc mơ nghệ sỹ dở dang với bao ước vọng ánh đèn sân khấu. Chị đã gánh những truân chuyên đoạn trường đến thế, kiên gan bước qua bên kia dốc cuộc đời, để giờ đây cuối cùng, cũng nhận được nụ cười của số phận...

Chị Vi Thị Loan (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) trẻ hơn nhiều so với tuổi ngoại lục tuần của mình. Quen biết chị đã lâu, nhiều dịp ghé vội qua xã trong những chuyến công tác ngắn ngủi, không đến thăm chị được, chị vẫn trách. Thân thiết đến thế, nên dẫu xét về tuổi tác, nhẽ ra phải gọi bằng “bà”, nhưng chị vẫn hóm hỉnh “xin” cứ mãi là “chị Loan”. Ngay cả nỗi sợ hãi tuổi già, niềm hoài nhớ tuổi trẻ rất phụ nữ ấy của chị cũng đáng yêu vô ngần! Thì vốn chị Loan là một người đáng yêu đúng nghĩa. Chị đẹp. Vẻ đẹp rạng rỡ, mặn mà bất chấp những nghiệt ngã của thời gian. Vẻ đẹp không cần đến điểm tô son phấn, vẫn toát ra chất đàn bà căng tràn trong từng hơi thở khẽ, từng ánh nhìn của đôi mắt biết cười, của bờ vai mỏng manh sau lần áo cũ sờn. Tôi đã hàng bao lần ngồi tựa vào bờ vai ấy, bờ vai bình yên đến lạ kỳ trong những buổi hoàng hôn sơn cước, và tự hỏi, biết bao giông bão cuộc đời, chị đã giấu vào đâu? Câu chuyện cuộc đời chị lắm trường đoạn như một bộ phim bi, mà mỗi lần nhớ lại, chị đều rơm rớm nước mắt...

Chị Vi Thị Loan bóc vỏ quế.
Chị Vi Thị Loan bóc vỏ quế.

Chị vốn gốc gác sinh ra và lớn lên ở xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Trong cái nôi nghệ thuật dân gian ấy, như một lẽ tự nhiên, chị Loan trở thành con chim sơn ca của bản. Chị hát hay, và hay hát, thích hát. Thứ âm nhạc trong veo và thánh thiện đã tắm đẫm tâm hồn chị từ thuở bé thơ, đến khi thành thiếu nữ. Không có đêm hội chơi trăng nào thiếu tiếng hát của chị, đến cả những hội diễn ở xã, ở huyện, chị đều có mặt đầy đủ. Niềm đam mê ấy được chắp cánh bay xa vào thời điểm tháng 2/1968, bấy giờ chị tròn 15 tuổi, đang học lớp 7 ở Trường THCS Châu Hạnh. “Một hôm, chị đang ngồi học trong lớp, cô giáo vẫy tay ra bảo: Có đoàn ca nhạc của tỉnh về tuyển người hát hay, múa dẻo, Loan có đi không? Lúc đó, chị hoàn toàn không biết đoàn ca nhạc của tỉnh là đoàn như thế nào chỉ biết mình thích hát, thì đến hát cho họ nghe. Ai ngờ, hát chơi mà trúng!” - chị Vi Thị Loan nhớ lại.

Dẫu đi hát với tâm thế hát chơi, nhưng bài hát “Đường tàu mùa xuân” (của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn) được cất lên với những réo rắt trường thanh vẫn đủ để các giám khảo tinh ý nhận ra năng khiếu bẩm sinh của thiếu nữ tròn tuổi trăng rằm. Thế là từ miền quê nghèo khó Châu Hạnh, cô bé Vi Thị Loan trở thành ca sỹ nhỏ tuổi nhất của Đoàn Ca múa nhạc miền núi Nghệ An lúc bấy giờ. Cùng với các anh, các chị trong đoàn, Vi Thị Loan đã có cơ hội được đi lưu diễn khắp các mặt trận, hát cho đồng bào, chiến sỹ nghe những lời ca quê hương. Là người con của dân tộc Thái, nhưng chị, chỉ cần học thời gian ngắn, đã có thể hát tốt các ca khúc truyền thống của đồng bào Khơ mú, Mông, Thổ... Cùng với hát, là múa và chơi các nhạc cụ dân gian. Cứ thế, bất chấp đạn bom, bất chấp những thiếu thốn trong sinh hoạt của một đoàn nghệ thuật giữa thời đoạn gian khó của dân tộc, Vi Thị Loan vẫn cứ hồn nhiên cất tiếng hát trong trẻo của mình. Chị bảo, 5 năm sống với đam mê âm nhạc là 5 năm đáng nhớ nhất của cuộc đời. Chỉ 5 năm ấy thôi, đã là điểm tựa tinh thần chị níu vào để gượng qua mọi nỗi đau suốt đằng đẵng mấy chục năm sau!

Năm 1973, Vi Thị Loan xa rời sân khấu dã chiến thân quen, lựa chọn sự yên ổn trong mái ấm gia đình nhỏ của mình. Chị kết hôn cùng một tài xế xe đường dài. Anh là mối tình đầu của chị, và tình yêu với anh, đã có lúc, chị ngỡ như là tất cả đời mình. Chị từ bỏ sự nghiệp ở thời điểm thăng hoa nhất, từ chối cả cơ hội hiếm có được đi học nâng cao nghiệp vụ tại Nhạc viện Hà Nội, rời xa quê hương bản quán, để theo anh về vùng đất Nghĩa Đàn lập nghiệp. Những bộ váy diễn lấp lánh được giấu kín trong rương gỗ, những phấn son chỉ còn lại phảng phất trong trí nhớ, và Vi Thị Loan - nghệ sỹ thoắt đã biến thành người vợ, người mẹ lam lũ, bình dị trên miền Phủ Quỳ nắng gió. Có sao đâu, khi chị đã trở về đúng thiên chức của đời! Dẫu bàn tay thon thả, trắng ngần chưa một lần biết đến cuốc cày, dẫu đôi chân bao năm trời nhẹ nhàng nhảy múa, giờ phải lầm lụi trên cánh đồng giữa trưa, chị vẫn vượt qua. Tình yêu cân bằng tất thảy, nhưng tình yêu muôn đời là thứ mong manh, thế nên, chị đã không thể ngờ một ngày, cán cân cuộc đời chị lại nghiêng về phía bên kia dốc!

Tan vỡ trong cuộc sống hôn nhân, chị ôm con bơ vơ và tủi hờn giữa muôn mặt người xa lạ. Không dám trở về quê cũ vì nỗi ám ảnh thành gánh nặng cho bố mẹ, không dám tiếp tục ở lại miền đất đỏ để sống với những vụn vỡ tình yêu, chị liều lần tìm lên mảnh đất Mường Nọc, Quế Phong để nương thân. Chị tìm vùng đồi sâu, xa nhất, hoang vu nhất để “cắm dùi”. Một túp lều cỏ xiêu vẹo được vụng về dựng lên trong nỗ lực sống cuồng thét, sau những ngày mẹ con ôm nhau ngồi tựa dưới gốc cây chớp ngủ. Những dãy sắn, vồng khoai dần nảy mầm, rồi nương lúa, nương ngô thành hình qua bao tháng ngày mệt nhọc lầm lũi cuốc cày. Sau lưng, ngôi nhà chị bây giờ là đồi quế rộng hơn 3 ha, tất thảy đều một tay chị đặt từng bầu mà ươm lên xanh mát.

Không thể kể xiết những gian khó, khi một người phụ nữ mỏng manh nhường ấy, buộc dây đai vào trán, nhọc nhằn kéo lê từng bầu quế nặng trĩu lên đồi cao, và nỗi tủi cực bật tứa máu thành đớn đau có thực trong những sáng tinh sương heo hút, trong những chạng vạng cuối ngày. Chị bảo, đã có những thời điểm, khốn khó làm chị phát điên, không nhớ nổi mình là ai, mình đã từng thuộc về thế giới rộn rã đến nhường nào. Chị lang thang trong rừng quế thơm nồng nàn, vô thức hát những đoạn ca khúc rời rạc, chắp vá; lại có lúc, câm lặng ngồi tựa vào gốc quế mãi đến khi trời tắt nắng, nghe tiếng con gái gọi, mới bừng tỉnh thảng thốt bước vội về gian bếp đỏ lửa. Ánh lửa bập bùng ấm áp giữa giá lạnh mùa Đông của hai cô con gái nhóm lên những ngày tháng ấy, vẫn sáng rực trong tâm tưởng chị trong câu chuyện kể hôm nay...

Cũng như ánh lửa soi đường, hai cô con gái là Vi Thị Điềm Chi và Vi Thị Út Sinh là lẽ sống của chị. Hai thiếu nữ giống hệt mẹ từ hình dáng đến tính cách, xinh đẹp, thông minh và nhạy cảm vô cùng. Vẫn còn đó trong ký ức một thời không thể nào quên, là nỗi xấu hổ thường tình của Điềm Chi về gia cảnh nghèo khó, về những bữa cháo sắn triền miên của ba mẹ con khi tình cờ các bạn cùng lớp đến chơi và chứng kiến... Nhật ký của Điềm Chi vẫn còn lưu những dòng chữ nhòe đi vì nước mắt: “Ngày 12/4/1996: Mẹ ơi, mẹ có biết không, cả nhà mình không ai thích ăn mỳ tôm, nhưng con ở đây ngày nào cũng ăn. Một ngày nửa gói mẹ ạ, con chỉ dám ăn nửa gói vào bữa trưa, còn sáng và chiều thì chịu đói một tí cũng được. Con vẫn học hành tốt, mẹ và em đừng lo!”.

Những gói mì tôm qua ngày ấy, cùng tình mẫu tử thiêng liêng và khát vọng vượt lên số phận đã dìu ba mẹ con chị Vi Thị Loan đến bến bờ hạnh phúc. Nụ cười viên mãn đã nở trên môi chị, khi cả Điềm Chi và Út Sinh đều học rất giỏi, tự lực cánh sinh mà lần lượt thi đậu vào các trường cao đẳng uy tín của tỉnh. Điềm Chi là sinh viên xuất sắc của Trường CĐSP Nghệ An, còn Út Sinh, được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An. Cả hai giờ đều đã trở thành giáo viên tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Quế Phong. Trường hợp tuyển thẳng của Út Sinh vẫn được nhiều người nhớ đến, là bởi, Út có bài thi độc đáo và cuốn hút trong Hội thi Tiếng hát hay các dân tộc toàn quốc. Giải Bạc của hội thi đã về tay Út Sinh, nhờ lời hát mẹ vẫn ru chị em thưở nào.

Chị Loan tự hào kể, rồi khe khẽ hát cho tôi nghe lời ru da diết của người mẹ yêu con đến xót lòng: “Nón xá nờ, chai ơi chờ nón mưng nha hày... Mệ po hày nhăng pày mi ma, mệ po na nhăng pạy mi tàu, mệ hàu pá lan xọoc a xày nộc càm ma ha chai ơi...”. (Tạm dịch: Ngủ đi nha, con ơi... Muốn ngủ rồi con đừng khóc, mẹ đi nại chưa về, mẹ vào rừng lấy trứng chim nộc kụm về dỗ con, con ơi... Con ngủ đi đừng khóc...”. Chị vừa hát, vừa khóc. Tiếng hát lan xa trong rừng quế thoảng hương, lẫn với những thổn thức của niềm hạnh phúc có thực. Tôi nhìn ra vạt nắng cuối chiều đang bãng lãng đậu trên những dải hoa mười giờ đỏ thắm trước hiên nhà, một chú chim chích bé nhỏ thong dong đếm bước trên hàng gạch rêu phong. Tất cả chiều nay sao bình yên quá đỗi? Bình yên đến độ, những nhịp khẽ rung bờ vai mong manh của người phụ nữ ấy, cũng hạnh phúc đến lạ lùng!

Phương Chi

Mới nhất

x
Hạnh phúc mỉm cười...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO