Hạnh phúc ngày trở về
(Baonghean) - Đã có biết bao nụ cười và cả giọt nước mắt hạnh phúc vào thời khắc họ rũ bỏ bộ quần áo sọc của phạm nhân, khoác lên mình những trang phục đời thường. Những người đàn ông tóc chớm màu muối sương, những thanh niên, phụ nữ… ùa vào vòng tay ấm áp của người thân.
Đó là cảnh tượng đầy xúc động trong buổi lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2/9, tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Sáng mùa thu trời thoảng mưa lất phất, không khí dịu mát khác hẳn quãng ngày oi nồng trước đó, khiến cho ngày hôm nay càng trở nên đặc biệt. “Mấy ngày rồi tôi không thể nào ngủ được, cứ mong cho đến sáng ngày 31/8 để đón con về. Nó lầm lỗi gây tội nặng, pháp luật đã xử nghiêm minh, nhưng nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, nay con tôi được về trước thời hạn 17 tháng. Mừng vui không nói hết…” - chị Nguyễn Thị K., mẹ phạm nhân Phan T. bùi ngùi tâm sự. T. năm nay 22 tuổi, trước chỉ vì cơn nóng giận tức thời không kiềm chế, T. đã phạm tội cố ý gây thương tích và nhận án phạt tù 4 năm 2 tháng. Từ ngày con chuyển vào giam giữ, cải tạo tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, chẳng nhớ nổi đã bao lần người mẹ ấy nuốt nước mắt vào lòng, đều đặn thăm nom và động viên con cố gắng toàn tâm, toàn ý cải tạo tốt, chấp hành nghiêm nội quy của trại. Chị bảo, khi nghe thông báo con trai mình có tên trong danh sách đề nghị xét đặc xá, “tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hạnh phúc quá!”. Quê nhà Diễn Kỷ (Diễn Châu) cách Trại Tạm giam Công an tỉnh chẳng mấy thôi đường, nhưng chị cùng người thân quyết định bắt chuyến xe khách sớm nhất và đến Trại Tạm giam Công an tỉnh khi trời đang mờ sáng, chờ đợi khoảnh khắc vui sướng khôn cùng…
Niềm vui ngày trở về của phạm nhân được đặc xá và thân nhân. |
Không gian hội trường Trại Tạm giam Công an tỉnh sáng ấy dường như nén chặt lại bởi những xúc cảm nghẹn ngào. Khi Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị Trại Tạm giam công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, và danh sách 33 phạm nhân được đặc xá dịp này, tất thảy dường như không giấu được niềm hạnh phúc vỡ òa. Họ thấm thía cái giá phải trả cho lầm lỗi của mình, và giờ đây, cơ hội hoàn lương được trao như một ân tình mà suốt cả quãng đời sau này, họ sẽ báo đáp bằng chính sự thiện tâm của mình. Ngày đặc xá tràn ngập bao dự định, kế hoạch tương lai … Phạm nhân Bùi Thị T., quê huyện Quế Phong, rạng rỡ cười tươi mà trên khóe mắt lấp lánh ướt, nhỏ nhẹ nói về những dự định mai sau: “Có thể tôi sẽ mở một quán tạp hóa nhỏ, sống giản dị thôi. Mong bà con dân bản bao dung cho lỗi lầm trong quá khứ, để tôi có thêm niềm tin làm lại cuộc đời”. Phạm nhân Bùi Thị T. là trường hợp khá đặc biệt trong Trại Tạm giam Công an tỉnh, khi bản thân phải thi hành án phạt tù vì tội buôn bán người, và con gái cũng đang chấp hành án phạt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh), còn hai đứa con nhỏ thì phải gửi người thân. Bùi Thị T. bảo, những lỗi lầm đã trở thành quá khứ, nhưng đó là quá khứ không bao giờ được phép lãng quên. Bước ra cánh cổng trại tạm giam, đối mặt với những ngã rẽ muôn màu của cuộc sống đời thường, những phạm nhân như Bùi Thị T. sẽ nhớ về những tháng ngày giáo dục, cải tạo để chọn con đường đi đúng hướng cho mình. Như phát biểu của phạm nhân Vi Ngọc Đ. đại diện cho 33 phạm nhân được đặc xá dịp này: “Chúng tôi xin hứa khi trở về cùng gia đình, hòa nhập cộng đồng sẽ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; tuyên truyền, giáo dục con em, bạn bè, người thân không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, góp phần làm ổn định tình hình ANTT tại địa phương. Chúng tôi sẽ vươn lên sau vấp ngã bằng sự tự tin và lòng tự trọng như khẩu hiệu hành động của Trại Tạm giam đã nêu”.
Vi Ngọc Đ. khẳng định như thế, và tất thảy những người trong hội trường sáng hôm ấy cũng chung một niềm tin như thế. Tin yêu và hy vọng vào khát khao hoàn lương, vào sự thức tỉnh nhân văn sâu thẳm trong mỗi một con người cùng với vòng tay độ lượng, bao dung, nâng đỡ của toàn xã hội. Truyền thống của dân tộc Việt Nam nhân đạo vô cùng, và “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại…”. 33 phạm nhân được đặc xá cùng thân nhân gia đình họ ngời niềm tin và sự trân trọng khi lắng nghe những lời phát biểu của đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi lễ: Để góp phần giúp đỡ người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh Nghệ An phải tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người được đặc xá, tạo điều kiện vay vốn, ổn định công ăn, việc làm; kịp thời cung cấp thông tin có liên quan về người được đặc xá cho các đơn vị, địa phương, nhất là với những phạm nhân có năng khiếu, sở trường nhất định, có chứng chỉ nghề đã được đào tạo tại Trại tạm giam để có thể hỗ trợ, tạo việc làm cho họ ngay khi vừa ra tù. Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nắm chắc hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp, có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ ...
Như vậy, bầu trời thanh bình ngày trở về đã rộng mở thênh thang, khát khao hoàn lương nay đã thành sự thực. 33 phạm nhân thi hành án phạt tù tại Trại Tạm giam Công an tỉnh được đặc xá dịp này, mỗi người có câu chuyện đời muôn nẻo khác nhau, những hoàn cảnh đẩy đưa đến con đường phạm tội cũng khác nhau, nhưng giờ đây, họ cùng chung một niềm hạnh phúc của ngày trở về. Lễ công bố quyết định đặc xá khép lại, các phạm nhân được giám thị hướng dẫn về phòng thăm gặp để thay trang phục và nhận giấy tờ tùy thân. Những người một thời đánh mất đi quyền công dân thiêng liêng, nay rưng rưng đón lấy những tờ giấy gửi trao bao ước vọng tương lai. Họ rạng rỡ nắm chặt đôi tay ấm áp của những giám thị thân quen, ùa vào lòng người thân yêu đang chờ đón... Bao cảm xúc rộn ràng một niềm vui sướng trong tiếng gọi bật lên từ tâm cảm mỗi người: Trở về!
Ngày đặc xá thêm ý nghĩa trước những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. 33 phạm nhân được đặc xá được nhận số tiền hỗ trợ trở về quê hương, được trích từ nguồn quỹ an sinh của cán bộ, chiến sỹ trại. Dường như chẳng còn khoảng cách nào giữa họ, khi ánh mắt đã ngời sáng niềm tin vào sự nhân văn của những con người. Trên khoảnh sân sũng mưa ngày đặc xá, phạm nhân Moong Văn U. (quê ở xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) được các giám thị trại tạm giam đưa ra bến xe về quê. Gia đình ở xa, điều kiện kinh tế khó khăn, ngày được đặc xá, Moong Văn U. không có ai đến đón. Ân tình của những giám thị trại tạm giam Công an tỉnh đã trở thành niềm động viên, khích lệ tinh thần với người đã từng một thời lầm lỡ ấy. “Tôi năm nay 30 tuổi, thụ án 5 năm tù vì tội buôn bán người sang Trung Quốc. Nhớ lại những tháng ngày sa ngã, thấy xấu hổ vì đã không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền, làm hại những người lương thiện. Ra tù, tôi sẽ nhớ mãi nghĩa cử, những động viên, chia sẻ của các cán bộ trại dành cho mình”.
Nói đoạn, Moong Văn U. lấy từ trong túi ra một tờ lịch. Anh bảo, tờ lịch của ngày 31/8, anh vừa xin được từ cán bộ trại. Tôi nhìn tờ lịch còn thơm mùi giấy mới, run run nếp gấp khẽ khàng trên đôi tay của người đàn ông trải nhiều đoạn trường cuộc sống. Không hiểu vô tình hay hữu ý, ngày đặc xá được chọn là ngày cuối cùng của tháng, như gạch nối của kết thúc những ngày lầm lỡ và mở ra trang mới tươi vui cho cuộc đời mỗi người…
Ngày 26/8/2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1900/QĐ-CTN về đặc xá tha tù trước thời hạn cho 18.298 phạm nhân trên cả nước. Riêng địa bàn tỉnh Nghệ An có 591 phạm nhân được đặc xá tại các trại: Trại giam số 6 (Bộ Công an), Trại giam số 3 (Bộ Công an), Trại Tạm giam T91 Quân khu 4, Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An; trong đó 33 phạm nhân được đặc xá do Công an tỉnh đề nghị. |