Hành trình về Côn Đảo: Bài cuối - Người Nghệ ở Côn Đảo

28/04/2014 19:32

(Baonghean) - Côn Đảo, một mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đã in hằn và ghi dấu vào trang sử lẫm liệt, bất khuất trước kẻ thù của những người cách mạng. Ngày nay, Côn Đảo đang chuyển mình nhanh chóng, trở thành một miền đất “xanh” cho những ước vọng về cuộc sống an bình... Góp sức vào sự thay đổi hôm nay, có hàng nghìn người là con em quê hương Nghệ An. Nối tiếp ý chí cách mạng của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, các thế hệ người Nghệ luôn phấn đấu hết mình cho sự phát triển của Côn Đảo anh hùng…

Một góc Côn Đảo.
Một góc Côn Đảo.

TIN LIÊN QUAN

Trên sơ đồ chỉ dẫn trước Nghĩa trang Hàng Dương, mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (quê ở Hưng Thông - Hưng Nguyên), một trong những chiến sỹ cách mạng hy sinh anh dũng tại Côn Đảo được ghi dấu với sự trân trọng. Mộ của đồng chí nằm ở Khu A, khu vực cao nhất của nghĩa trang dưới chân núi Chúa, được xây dựng khang trang bằng đá hoa cương. Bên cạnh tấm bia khắc chân dung đồng chí Lê Hồng Phong, Ban quản lý di tích vẫn giữ lại tấm bia mộ bằng xi măng do cựu tù Côn Đảo xây từ những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đồng chí Lê Hồng Phong được Đảng, Bác Hồ lựa chọn gửi sang các nước đào tạo để phục vụ đất nước. Năm 1936, Lê Hồng Phong tới Trung Quốc, với danh nghĩa của Quốc tế Cộng sản cùng với tổ chức Đảng , triệu tập Hội nghị Trung ương, mở đầu thời kỳ mới cách mạng Việt Nam, thời kỳ Mặt trận dân chủ thống nhất. Giai đoạn này, đồng chí Lê Hồng Phong đảm nhận vai trò Tổng Bí thư Đảng. Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về nước, hoạt động ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt ngày 22/6/1939, tra tấn rất dã man, nhưng không khai thác được gì, chúng đã đày Lê Hồng Phong ra “chốn địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, Lê Hồng Phong bị cầm cố ở xà lim Sở Muối. Mục đích của kẻ địch là cô lập Lê Hồng Phong với tổ chức tù chính trị Côn Đảo. Tuy nhiên, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong. Trong thời gian bị giam cầm trên Côn Đảo, đồng chí đã giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, để củng cố niềm tin tất thắng cho mọi người. Đồng chí còn làm thơ về viễn cảnh đất nước được giải phóng, khẳng định vào thắng lợi của cách mạng. Vì thế, những hà khắc của nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian” Côn Đảo gần như bị xoá bỏ trong tư tưởng của các chiến sỹ cách mạng.

Nhằm ngăn cản sự chỉ đạo và ảnh hưởng của đồng chí Lê Hồng Phong, chúa đảo ra lệnh nhốt riêng đồng chí vào hầm tối và đánh đập tàn nhẫn. Trước những đòn tra tấn dã man, tàn độc của kẻ thù, trưa ngày 6/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh. Trong những giây phút cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhờ các đồng chí thân thương đang bị giam tại nhà tù Côn Đảo chuyển tới Đảng lời nhắn gởi sắt son: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Tấm gương anh dũng, bất khuất của Lê Hồng Phong đã thúc dục các thế hệ người Việt Nam nói chung và người Nghệ An nói riêng ra sức học tập, lao động, cống hiến cho đất nước.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Doãn - hiện là Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Đảng, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một người con của quê hương Hưng Nguyên, từng có nhiều thời gian công tác tại Côn Đảo. Những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đồng chí giữ chức vụ Phó Chỉ huy, Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Côn Đảo, sau đó từng làm Trưởng ban xây dựng Côn Đảo, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện và Bí thư Huyện ủy Côn Đảo. Hơn 20 năm công tác tại Côn Đảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Doãn cùng con em xứ Nghệ đã góp một phần làm nên diện mạo của một Côn Đảo như hôm nay. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Hoàng Nghĩa Doãn khẳng định: “Những năm tháng công tác tại Côn Đảo thực sự đem lại cho bản thân tôi nhiều giá trị về cả tư tưởng, tình cảm. Nơi đây là quê hương thứ 2 của tôi với niềm tự hào được kế thừa những phẩm chất cao đẹp của các anh hùng liệt sỹ, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong. Nếu như bạn đọc những trang sử về Côn Đảo đã thấy những khí phách anh dũng, lòng quả cảm của các chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt, tra tấn thì việc đặt chân lên đảo, thăm Nghĩa trang Hàng Dương, tham quan hệ thống Di tích nhà tù Côn Đảo, nghe giới thiệu thêm những câu chuyện bi tráng, bạn càng thấy mình cần phải phấn đấu thật nhiều…”.

Những thế hệ người Nghệ An sinh sống, lao động ở Côn Đảo giữ được truyền thống cách mạng của quê hương với truyền thống bất khuất của huyện đảo anh hùng. Đồng chí Nguyễn Văn Tài, quê ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Côn Đảo đã có 37 năm công tác tại Côn Đảo. Với chừng đó thời gian, gia đình đồng chí Tài đã có sự kế tiếp 3 thế hệ trên huyện đảo anh hùng. “Chúng tôi luôn ý thức phấn đấu lao động, cống hiến cho sự phát triển của Côn Đảo, để xứng đáng với công lao đấu tranh, gìn giữ đất nước của cha ông. Với những người như chúng tôi, những người con của quê hương của Bác Hồ, càng phải phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ”, đồng chí Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Trong thời kỳ mới, Côn Đảo đón nhận thêm những người trẻ đến từ Nghệ An. Trong đó, có anh Hoàng Nghĩa Thành, quê ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Sinh năm 1990, lớn lên ở quê hương Lê Hồng Phong, theo học đại học ở Hà Nội, anh Thành có “cơ duyên” đến với Côn Đảo vào đầu năm 2012. Qua hơn 2 năm công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Côn Đảo, tiếp cận đầy đủ về lịch sử cũng như những địa danh của đảo nhỏ anh hùng, anh càng thấy tin yêu công việc và mong muốn được gắn bó, cống hiến cho mảnh đất này. Anh Thành cho biết: “Mặc dù xa gia đình, xa đất liền công tác ở Côn Đảo, tôi cảm nhận được sự nồng ấm của người dân nơi đây. Hơn thế, trong mỗi công việc được giao, những người trẻ như chúng tôi càng ý thức phấn đấu hoàn thành thật tốt. Đó không chỉ là nhiệm vụ của người công chức mà sâu thẳm còn đền đáp công ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh trên Côn Đảo cũng như các vùng miền khác cho độc lập dân tộc, hòa bình của đất nước”.

Tạm biệt Côn Đảo khi ráng chiều ửng hồng, trên boong tàu nhìn lại, nhận thấy đảo thật sự vững vàng, kiên trung. Nơi đó, cùng với sự góp sức của nhân dân khắp mọi miền, có những người con quê Bác mến yêu.

Nguyên Nguyên

Mới nhất
x
Hành trình về Côn Đảo: Bài cuối - Người Nghệ ở Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO