Háo hức đón Tết trên đất Nghệ

(Baonghean) - Bên cạnh niềm vui hân hoan, náo nức chờ đón Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam, rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên đất Nghệ cũng đang tất bật chuẩn bị để cùng đón Tết cổ truyền của người Việt. Và với họ, được thưởng thức một Tết Việt ấm áp là điều hết sức thú vị.

Dâu Tây chuẩn bị Tết Việt
Chị Nadiya là người Ucraina vợ của Giáo sư - Võ sư - Ngô Xuân Vỹ được bà con xóm 12, xã Nghi Đức yêu quý đặt tên: bà Tây nhà ông Vỹ. Chị theo chồng về nước từ năm 2003, tính đến nay đã tròn 10 năm, cũng từng ấy năm chị đón cái tết Việt, với bao háo hức, bận rộn và lo toan cho cái ngày lễ trọng của bất cứ một gia đình Việt Nam nào. Từng tốt nghiệp Đại học Y bằng đỏ, nhưng giờ chị tình nguyện lui về hậu phương chăm lo cho chồng con.
Gia đình các nhà đầu tư nước ngoài gặp gỡ nhân dịp năm mới tại Nghệ An. 	Ảnh: Sỹ Minh
Gia đình các nhà đầu tư nước ngoài gặp gỡ nhân dịp năm mới tại Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh
 Khệ nệ xách bọc to đựng hàng, bằng vốn tiếng Việt rất sõi, chị nói: “Nói thật với cô chứ ban đầu về nhà anh Vỹ tôi chẳng biết một từ tiếng Việt nào, giao tiếp với mọi người chủ yếu bằng “ngôn ngữ cười”, đi đâu chồng cũng phải làm phiên dịch rồi bày vẽ từng tý”. Ngạc nhiên khi thấy chị gọi to bằng âm sắc vùng Nghi Đức “Bố ơi có khách tề, có nhà báo đến”, chồng chị hồ hởi bước ra: “Mẹ lấy nước mời dì đi tề!”. Tôi hỏi: “Vậy khi nói chuyện với chồng chị có dùng tiếng Nga nữa không?” “Không nhà mình giờ toàn nói tiếng Việt ”
Mối tình của anh chị từng là mối tình nổi tiếng đẹp và thơ mộng khi anh sang Nga theo lời mời của bạn làm chuyên gia về môn võ cổ truyền Nhất Nam. Ngưỡng mộ tài năng và khâm phục đức tính vì mọi người của võ sư Vỹ, chị đã phải lòng anh. Thế rồi những phong tục, tập quán của người Việt bén rễ trong chị lúc nào không hay. Những buổi họp mặt của cộng đồng người Việt bao giờ cũng có mặt chị, chị tập nấu những món ăn Việt, tập gói bánh chưng trong những ngày tết đến, và tập nhớ lịch ta.
Nhớ những ngày đầu tiên chị làm quen với tập quán Việt Nam cái gì chị cũng ồ lên, vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Ví như việc làm mâm cỗ cúng đêm giao thừa, được bày lên bàn thờ vào đúng đêm 30 tết; việc mừng tuổi đầu năm cho trẻ, rồi cả những phong tục mời ăn tết của anh em bầu bạn, phong tục tảo mộ đầu năm. Thế rồi nhờ sự giúp sức của anh, chị đã dần dần thích nghi và đảm đang việc nhà như một cô dâu Việt thực thụ. Anh phấn khởi khoe: “Việc nhà nội cô ấy nhớ rõ hơn tôi, ngày giỗ ai, cô cũng chu đáo lo mâm cỗ từ ngày hôm trước, con cháu trong nhà đến ngày sinh nhật đều có quà, và không quên phong bao lì xì trong dịp Tết cổ truyền. Cụ nhà tôi năm nay đã 96 tuổi nhưng quý nhất là cô con dâu này đấy...”. Chị cũng tự hào rằng: “Theo chồng thì phải biết tập quán của nhà chồng chứ!”
Chị Suvareva Julia Alecsandrovna người Nga hiện ở phường Trường Thi theo chồng về quê vào năm 2003 khi chưa biết một tý gì về phong tục người Việt. Tết đầu tiên về làm dâu, anh dặn chị: “Cô dâu mới về nhà chồng thì phải chuẩn bị cái tết đầu tiên thật đầy đủ, hợp với phong tục, tập quán người Việt, em cố gắng lên nhé!”. Vậy là một cuộc chạy đua với thời gian để học gói bánh chưng, học muối dưa hành, cả việc lễ bái sao cho đúng lễ nghi... Học gói bánh chưng, chị mua lá, mua khuôn về nhờ một người hàng xóm chỉ giúp. Cảm kích tấm lòng của cô dâu Tây, người hàng xóm lần lượt dạy chị cách gói bánh thế nào cho đẹp, cho chặt để khi nấu bánh chín đều, có màu xanh của lá, cắt một miếng ăn có mùi thơm mùi đỗ xanh và béo ngậy hương vị thịt mỡ. Thành công ở món bánh chưng, chị tự tìm tòi học thêm việc muối dưa hành, kho giả cầy và cả nồi thịt bò kho tàu kiểu Việt. Học nấu rồi đến học ăn, người nấu ngon phải biết cách nêm nếm, thế nên từ việc không thể ăn được món dưa hành chị đã thành nghiện...
Đêm 30 Tết, hai vợ chồng cùng thức đón sang canh, thắp hương cầu cho năm mới được yên bình. Chị ngớ người hỏi anh: “Lễ bạc lòng thành là cái chi anh?” chồng chị giải thích: “Có nghĩa là cô dâu Tây chuẩn bị được thế này là chu đáo lắm, mong ông bà nhận cho cô ấy vui”. Vậy là chị gật gù: “Mong ông bà nhận cho cháu vui…”. Giờ Julia về nước chờ sinh em bé thứ hai, chị hẹn Tết Giáp Ngọ sẽ sang ăn tết, bởi với chị cái Tết Việt và phong tục, tập quán văn hóa xứ Nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời, như tình yêu mà chị đã gửi gắm cho người con trai vùng đất nắng gió này. 
Họ là những người châu Âu, ở một đất nước cách xa xứ Nghệ cả trăm ngàn cây số, nhưng bằng tình yêu, bằng sự thành tâm của một người phụ nữ họ đã vượt lên những cách biệt về văn hóa, về tập quán để có thể làm một người vợ, một cô dâu đảm. Như lời ông Ngô Đăng Mười - Trưởng Ban Liên lạc người Nga ở Nghệ An: “Các cô dâu Tây đã là người Nghệ, vì khi làm dâu họ đã ý thức được rất sâu sắc cái chữ “gái theo chồng” như tập tục lâu đời của người Á Đông. Họ luôn nỗ lực để trở thành dâu hiền, vợ đảm”.
Mỗi năm vào dịp Tết cổ truyền, Ban Liên lạc những người Nga trên đất Nghệ lại gặp nhau trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm làm con xứ Nghệ. Và trong không khí ấm cúng ấy người ta còn nghe được những chia sẻ kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, hay trao tay một thực đơn món ăn đậm chất truyền thống.
Sự trải nghiệm thú vị
Chàng trai người Lào Phomachenh Soma Nith theo học ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Vinh. 5 năm học xa nhà của Nith là những ngày tháng làm quen với các bạn Việt Nam, làm quen với phong tục tuy có phần thân quen nhưng cũng xa lạ của người Việt. 
“Năm đầu em được ăn tết tại nhà chú Dũng bạn bố em ở Diễn Châu. Ngày mồng Một Tết, em thấy lạ nhất là phong tục mọi người sang nhà nhau chúc tết, ở quê hương em chỉ tập trung lại một nơi và cùng tham gia lễ hội té nước cầu may, hay lễ buộc chỉ cổ tay thôi. Và thú vị nhất là sáng mồng Một Tết được nhận tiền mừng tuổi…”. Cùng phòng với Nith các bạn Lào như Som, Tuck… đều đã có những kỷ niệm về Tết Việt, các bạn đều thấy rất thú vị và muốn được ở lại Việt Nam lâu hơn vì sự mến khách, tình cảm chân thành của người Việt. Nith nói: “Năm nay em ở lại ăn cái tết cuối cùng ở Nghệ An. Sau đó, về quê hương công tác. Em sẽ mua quà để chúc tết cô chú ở Diễn Châu như phong tục của người Việt. Giờ với em Việt Nam đã là quê hương thứ 2”
Với đội ngũ chuyên gia nước ngoài hiện đang làm việc tại Nghệ An, Tết Việt đối với họ là một tập tục lạ và thú vị nhất. Tại Công ty sữa TH, anh Jilat người Israel đã đón 4 cái Tết Việt tại Nghệ An. Điều làm anh thấy lý thú nhất là mỗi khi vào dịp tết cổ truyền trước đó một tuần người Việt đã sắm sanh trang hoàng nhà cửa, sau ngày tết một tuần mọi người vẫn còn dư vị, vào giờ nghỉ mọi người lại kéo nhau về một nhà nào đấy và mời: “Đến nhà tôi ăn tết nhé!”. Với Jilat tập quán đó là tinh thần cố kết cộng đồng làm cho tình cảm giữa các đồng nghiệp được nhân lên.
Trong cảm nhận của Jilat, Tết Việt có một điểm rất giống với ngày lễ pisat (ngày lễ độc lập) quê hương anh, mọi người trong gia đình đều về tụ tập trong nhà bố mẹ để cùng ăn uống, trò chuyện. Nhưng ở Israel chỉ có một ngày, sang ngày sau mọi người lại hối hả với công việc. Còn ở Việt Nam không khí sum họp đầm ấm ấy có khi kéo dài cả tuần lễ. Ngoài ra, tập tục mừng quà tết cho sếp hay những người lớn tuổi cũng là một tập quán hay. “Con gái tôi lên 2 tuổi đã cùng sang đây, đến năm 4 tuổi thì cháu đi học mầm non ở Nghĩa Hồng và nói tiếng Việt bằng giọng Nghệ rất sõi. Công lớn là nhờ cô giáo cháu, thế nên ngày tết tôi đã cùng vợ mua quà đến nhà cô giáo chơi. Là tập quán của người Việt nhưng với tôi điều này rất có ý nghĩa”. 
Cùng với Jilat, năm nay Arghya Mandal người Ấn Độ, Banrak Wittert người Israel, sẽ cùng chung vui cái Tết Việt ấm cúng bên gia đình nhỏ của mình. Năm nay Công ty Sữa TH sẽ tổ chức cho người nước ngoài được đón cái tết cổ truyền sớm hơn mọi năm. Vào ngày lễ ấy mọi người sẽ cùng được chung vui bên mâm cỗ tết của người Việt, cùng dùng đũa, cùng ăn món ăn Việt Nam, và cùng hát những bài ca hữu nghị. Anh Lê Khắc Cương - Phó Giám đốc Công ty sữa TH cho biết: “Thường chúng tôi sẽ tổ chức cho từng phân trại vì công ty có hàng nghìn nhân viên, trong không khí ấy nhân viên nước ngoài cũng như Việt Nam đều cùng chung vui như người một nhà. Ra tết, họ cùng gia đình đến từng nhà chơi như tập quán chúc tết nhau của người Việt”.
Và năm nay có rất nhiều người đã ở lại ăn tết trên đất Nghệ, với họ đó là một trải nghiệm đáng nhớ là dịp được cảm nhận tình cảm thiêng liêng của con người xứ Nghệ. 
Thanh Nga

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.