Hào hùng khí thế Hoan Châu

(Baonghean) - Lễ hội Đền Vua Mai năm nay được tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể gắn với Lễ kỷ niệm 1.300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu. Đông đảo nhân dân xứ Nghệ về dự Lễ hội với tâm nguyện đầu xuân trở về nguồn cội, và thể hiện niềm tự hào, tri ân sâu sắc đối với Vua Mai - một biểu tượng của lòng yêu nước thương nòi, ý chí chống ngoại xâm.

Cũng như mọi năm, tiết trời ngày chính hội Lễ hội Đền Vua Mai bao giờ cũng đẹp: ráo rẻ giữa cái se se dịu tiết xuân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng vạn người dân địa phương, du khách mọi miền tìm về. Hòa trong dòng người đông đảo, náo nức về dự lễ hội trên con đường dài hơn 1km từ chợ Sa Nam đến thung lũng Hùng Sơn lịch sử - nơi có Cụm di tích Vua Mai, cụ Nguyễn Văn Thắng, 78 tuổi, Thị trấn Nam Đàn được hai cháu của mình đỡ bước, chầm chậm đi. Ngày mốt, xong lễ Rằm tháng Giêng, người cháu lớn của ông lại vào miền Nam làm việc, cháu nhỏ xuất ngoại học tập tại nước ngoài; vào lễ, ông Thắng muốn con cháu mình cùng đi, trước là muốn tận mắt nhìn thấy một trong những ngày lễ trọng của quê hương, sau nữa là thêm một lần có bài học sinh động để giáo dục cháu mình về truyền thống yêu nước, tinh thần bất diệt của người xứ Nghệ. Giọng ông Thắng xúc động kể cho cháu con nghe về thân thế, sự nghiệp của Vua Mai, về đất nước Vạn An chỉ tồn tại 10 năm nhưng đã báo hiệu một thời kỳ quật khởi vùng lên đấu tranh, tự giải phóng, thoát khỏi ách đô hộ của giặc phương Bắc. Hai người cháu của cụ Thắng chăm chú lắng nghe, càng háo hức xúc động chờ đợi giây phút khai màn lễ hội…

                    Thầy đồ cho chữ đầu Xuân tại Lễ hội Đền Vua Mai 2013.

Trước giờ vào chính lễ, hàng ngàn người dân đã vào dâng hương ở Đền Vua Mai. Mùi hương thơm dìu dặt khắp cả vùng đất thiêng Đụn Sơn. Mọi người tìm đến cửa đền để gửi gắm những tâm sự riêng tư, cầu và mong ước những niềm vui, may mắn đến trong một năm mới. Anh Trần Quốc Trung, 28 tuổi, ở xã Nam Xuân cho hay: Người dân Nam Đàn đến dâng hương ở đền Vua Mai không chỉ trong ngày lễ mà hầu như mỗi ngày. Năm nay, anh đến đây ngoài bày tỏ tri ân đối với Vua Mai và các tướng sỹ còn là tham dự các hoạt động của lễ hội như hội vật, bóng chuyền, cờ thẻ, chọi gà đang diễn ra. Khi thấy tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 1.300 Khởi nghĩa Hoan Châu và Lễ hội Đền Vua Mai long trọng thế này, bà con quê hương Nam Đàn nói chung rất cảm động, rất mừng… Anh Trung đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ chữ Hán còn ghi trong “Tiên chân báo huấn tân kinh” để ở đền, ca tụng công đức Mai Hắc Đế (mà theo anh, người dân Nam Đàn hầu như ai cũng biết, cũng thuộc). Lời thơ tạm dịch rằng: “Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,/ Vạn An thành lũy khói hương xông,/ Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,/ Trăm trận Lý Đường phục võ công./ Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn,/Hùng Sơn gió lặng, khói lang không./ Đường đi cống vải từ đây dứt/ Dân nước đời đời hưởng phúc chung”.

                 Lễ rước kiệu, long ngai, một phần của hoạt cảnh chào mừng.

Đêm vào chính lễ, khu đất rộng nơi Cụm di tích Đền Vua Mai không còn một chỗ trống; cả một không khí thiêng liêng đêm hội như hút tâm thức mọi người hòa vào xúc cảm hào hùng từ chương trình nghệ thuật sử thi “Ngọn lửa Vạn An”, do hàng trăm nghệ sỹ trình diễn. Sân khấu rộng lớn, hoành tráng, cộng hưởng tái hiện lại nỗi cơ cực của nhân dân xứ Nghệ nói chung và cả nước Việt Nam nói riêng dưới ách đô hộ của Lý Đường thời kỳ khoảng 1.300 năm về trước, và về cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu do Vua Mai khởi xướng, lãnh đạo – Ngọn lửa yêu nước Vạn An từ Châu Hoan, Châu Diễn, Châu Ái nhanh chóng bùng lên khắp cả nước. Chương trình nghệ thuật kéo dài 45 phút, bao gồm những màn ca múa nhạc đặc sắc, chia làm 5 chương hồi, kể về thân thế sự nghiệp của người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan. Chăm chú lắng nghe những điệu ví dặm ru con – lời ru đã nuôi dưỡng lên chí lớn của cậu bé Mai Thúc Loan – Vua Mai Hắc Đế sau này, chị Nguyễn Thị Thủy, xã Vân Diên không khỏi rưng rưng nước mắt, bởi với chị - hình ảnh Người mẹ xứ Nghệ bao giờ cũng thế, chứa chan một tình yêu thương bao la vô bờ bến, mong muốn con sống nên người giúp ích cho quê hương. Chị Thủy cho rằng: Hình ảnh thân mẫu Vua Mai hay bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ sao gần gũi nhau đến thế. Cả gia đình Vua Mai, gia đình Bác đều là những người hiến dâng đời mình, xả thân cho sự trường tồn, hạnh phúc của dân tộc.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, 69 tuổi, một người dân từ Hà Nội về hành hương, cho hay: “Đứng ở nơi kinh thành Vạn An xưa, bản thân có cảm giác tương tự như đứng ở Hoàng Thành Thăng Long trong dịp Đại lễ 1.000 năm. Để có một thời Đinh, Lý, Trần, Lê và thời đại Hồ Chí Minh anh hùng, thái bình thịnh trị thì chính những Vạn Xuân, Vạn An… là sự khởi nguồn. Sự nghiệp, tấm gương, tên tuổi của Mai Hắc Đế mãi mãi khắc ghi cùng lịch sử đất nước, trong lòng dân Việt Nam ta”. Tuổi đã cao, không biết mai này có còn quay trở lại vùng đất địa linh, nhân kiệt này không, ông Hiếu cứ mãi ngắm nhìn đỉnh Đụn Sơn vờn mây trắng, nước sông Lam âm thầm thao thiết cùng ánh đèn đánh cá trên sông, như cố thu hết hình ảnh ấy vào tận sâu đáy tim, tâm khảm. Ông tâm tình: Lắng mình trong không khí ngày lễ hội cứ như nghe được tiếng trống vật, tiếng reo hò của phường săn xưa, tiếng Vua Mai cùng các bậc anh hùng bàn bạc, tụ nghĩa. Ý chí thà làm ngọc nát hơn ngói lành đã tích tụ thành khí thiêng của Hoan Châu, của người Nghệ vậy!

   Một hoạt cảnh khai mạc màn sử thi nghệ thuật “Ngọn lửa Vạn An”.Ảnh: Trần Hải

Không hiểu vì đắm say phong cảnh hùng vĩ của Đụn Sơn, luyến tiếc những lời ca, điệu múa đẹp, hay còn mải mê với những hồi ức mường tượng về một đất nước Vạn An với ý chí độc lập, tự do, hạnh phúc cho ngàn đời sau mà lời hát giã bạn đã vang lên nhưng muôn người như một chẳng ai muốn về. Đêm đã khuya rồi, ngày mai còn công việc ruộng đồng, nhà máy nhưng đất có linh hồn, có nguyên khí như muốn níu chân đi. Lời ca do ca sỹ Phương Thảo trình bày luyến láy những lời hẹn ước, nhắc nhớ về vận hội mới: “Thuyền ai ngược, ai về xuôi? Nhớ Rằm xuân người ơi ở lại! Hội Vua Mai người anh hùng áo vải. Chiến công xưa còn mãi với đời. Ta vào hội bạn mình ơ! Làn khói tỏa đất trời ngát hương. Hội gần xa thập phương về vui hội. Câu đò đưa níu chân người ở lại. hội còn vui người ở lại đừng về…”.

Trong số những người còn nán lại với Hội đêm, chúng tôi lại gặp lại ông cháu cụ Nguyễn Văn Thắng. Người thanh niên – cháu của ông sung sướng khi được cụ Thắng xoa đầu khen giỏi khi đã có lời giải đáp đúng về nguồn gốc tạo nên tính cách, phẩm chất anh hùng của người xứ Nghệ. Lời giải của anh thanh niên đại ý là: Điều làm nên phẩm chất người Nghệ là do người Nghệ chính là hậu duệ của những bậc anh tài đã đứng lên chống lại sự đô hộ của 1000 năm Bắc thuộc. Huyết mạch đó đã tạo nên sức sống bất diệt, với lòng yêu nước nồng nàn, luôn đoàn kết gắn bó xây dựng quê hương. Chúng tôi muốn nói thêm với anh rằng: trong truyền thống tốt đẹp đầy tự hào đó, thì khởi nghĩa Hoan Châu, chiến thắng Kỷ Dậu 1789, Xô Viết Nghệ Tĩnh hay những bậc tiền nhân như Mai Thúc Loan, Sào Nam Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều anh hùng và vĩ đại vậy.

Đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Đền Vua Mai
Từ ngày khai hội Lễ hội Đền Vua Mai (14 tháng Giêng âm lịch) đến nay, lượng du khách đổ về Nam Đàn và khu lễ hội đông, người tham gia giao thông tăng đột biến. Công an tỉnh tiếp tục triển khai phương án phân luồng, chống ùn tắc; rà soát các băng nhóm nghi vấn nổi cộm trên địa bàn, mật phục tại các tuyến đường vào lễ hội, phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng trộm cắp, móc túi và các tệ nạn xã hội; tăng cường nhắc nhở bà con về dự lễ bảo quản tư trang, nâng cao cảnh giác, đề phòng các đối tượng lợi dụng sơ hở gây án.
Minh Tâm (PX15 CANA)

Thành Chung – Trần Hải

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.