"Hạt gạo thông minh" của Vua Hùng
(Baonghean) - Giỗ Hùng Vương, lại nhớ đến truyền thuyết chàng Lang Liêu đã dâng lên Vua Hùng bánh chưng, bánh dày làm từ hạt gạo dẻo thơm. Thuở ấy, dân tộc Việt ta đã xem hạt gạo là “hạt ngọc của trời”, cùng đó, đã hình thành nên nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm nay luôn đề cao những đức tính tốt đẹp của người trồng lúa: siêng năng, chịu thương, chịu khó.
Nhớ lại thập niên 1980, Việt Nam từ một nước thiếu ăn nặng nề phải nhập khẩu lương thực, đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì trong khu vực và thế giới, làm chúng ta hân hoan, phấn khởi và tự hào đến nhường nào! Thế nhưng, những năm gần đây, việc làm ra, xuất khẩu gạo gặp khó. Chúng ta tiếp tục trồng lúa xuất khẩu trong bối cảnh thị trường không ổn định, không có lợi thế cạnh tranh, nguyên nhân chủ yếu do chất lượng gạo của ta thấp.
Tái hiện nghi lễ dâng bánh chưng, bánh dày tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: p.v |
Ở thị trường nội địa, giá gạo thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, khiến ở một số nơi phải bỏ việc trồng lúa, để hoang ruộng đồng, bởi càng gieo cấy, càng “một nắng hai sương” thì càng bị lỗ! Mặt khác, có những nơi canh tác thuận lợi, những thửa ruộng “bờ xôi, ruộng mật” thì đã biến thành sân gôn hay khu công nghiệp, hoặc thành các “dự án treo”.
Truyền thuyết bánh chưng, bánh dày giàu ý nghĩa nhân văn cùng nghề trồng lúa nước đã và đang “nuôi sống” cả một dân tộc và một nền văn hóa đặc sắc. Vì thế, không những không bao giờ được phép để nghề trồng lúa ở nước ta bị mai một, lụi tàn mà còn phải tìm cách làm cho nghề này phát triển, hiện đại. Từ hạt gạo cần cù, thơm thảo của Lang Liêu ngày xưa, con cháu Vua Hùng nay phải sáng tạo, đầu tư “chất xám” làm ra hạt gạo ăn ngon, phòng bệnh, chữa bệnh, hợp khẩu vị của cả nhân loại. Từ chiếc bánh chưng, bánh dày nay phải có nhiều sản phẩm cao cấp, thực phẩm chức năng; từ xuất khẩu nguyên liệu thô nay phải xuất khẩu thành phẩm có giá trị cao. Nếu làm được như thế, lúa gạo và thực phẩm chế biến từ lúa gạo làm ra nhất định sẽ chiếm lợi thế cạnh tranh trên các thị trường.
Muốn vậy, bên cạnh bảo tồn, phục hồi các giống lúa truyền thống, nhất thiết cần đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, lai tạo giống lúa mới có chất lượng và năng suất cao. Các ngành, các cấp trong hệ thống Nhà nước cần phải sát cánh với người trồng lúa, thực hiện các chính sách hỗ trợ hữu hiệu về giống, vốn, kỹ thuật, đừng để nông dân phải một mình gánh chịu nỗi nhọc nhằn, vất vả trên cánh đồng. Và nữa, nghề trồng lúa cần được “doanh nghiệp hóa”, sản xuất trên quy mô hiện đại, khoa học.
Để làm ra được “hạt gạo thông minh”, con cháu Vua Hùng không chỉ cần cù, chịu thương, chịu khó, nhân hậu như chàng Lang Liêu xưa kia, mà còn phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tự tin vào trí tuệ và sức lực của chính mình!
Hoài Quân