Hạt giống đỏ của bản làng

21/10/2013 11:21

(Baonghean) -Đất nước Việt Nam trải dài từ cực Bắc - Lũng Cú (Hà Giang) đến cực Nam - mũi Cà Mau (Cà Mau) là nơi sinh sống của 54 dân tộc anh em. Sợi dây gắn kết cùng sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ đã hun đúc tinh thần đoàn kết, gắn bó chung tay xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc suốt dặm dài lịch sử. Ngày nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy mạnh mẽ từ những điểm tựa vững chãi là các già làng, người có uy tín trong mỗi cộng đồng.

Sáng 19/10, màn mưa trắng xóa trút xuống Thành phố Đỏ. Cuối tuần, không gian thành phố vốn dĩ ồn ào, náo nhiệt nhường lại cho sự bình yên, chậm rãi. Ngay từ sáng sớm, tại hội trường UBND tỉnh Nghệ An - 1 trong 52 điểm cầu trong cả nước tham gia Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06/2008 của Thủ tướng Chính phủ “về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - 6 đại biểu đại diện cho người có uy tín tiêu biểu xuất sắc đã tề tựu đông đủ. Dù đường sá xa xôi nhưng nét mặt của các già làng vẫn rạng rỡ, hân hoan. Tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến khác trong cả nước, các đại biểu đồng bào DTTS uy tín đại diện cho các dân tộc Mông, Khơ Me… cũng đã góp mặt đầy đủ.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – người có rất nhiều gắn bó với các huyện và đồng bào DTTS miền Tây Nghệ An đã có mặt từ rất sớm. Phong thái giản dị, gần gũi của lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng làm cho bầu không khí trở nên ấm áp, thân tình. Đồng chí Lê Xuân Đại ân cần gặp gỡ từng già làng có uy tín về tham dự hội nghị. Đúng 8h sáng, tại đầu cầu Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tuyên bố khai mạc hội nghị. Ngay sau lời khai mạc, báo cáo tóm tắt tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06/2008 của đồng chí Giàng Seo Phử - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã khái quát được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, trên toàn quốc đã xây dựng được mạng lưới gần 30.000 người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng tuổi đời, kinh nghiệm và uy tín, 30.000 NCUT ấy đã trở thành điểm tựa vững chãi trong cộng đồng dân tộc mình, đồng thời, tham gia tích cực vào phong trào vận động toàn dân bảo vệ ANTQ, giữ vững chủ quyền ANTT vùng dân tộc miền núi và khu vực biên giới. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM, bản thân và gia đình những NCUT đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận như hiến đất, ngày công lao động, phát triển kinh tế hộ…

Điển hình như già làng Và Phái Tểnh, dân tộc Mông ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Già Tểnh sinh năm 1949 đã đảm nhiệm nhiều chức vụ ở xã Mường Lống cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005. Khi đang làm Bí thư xã, già Tểnh đã không ngần ngại hiến 1 ha đất để xây dựng Trường Tiểu học 1, xã Mường Lống. Sau khi nghỉ hưu, già vẫn cần mẫn trồng 2 ha và khoanh nuôi 15 ha rừng, luôn là đầu tàu gương mẫu trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không chỉ có già Tểnh, nhiều già làng, NCUT khác trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang hàng ngày, hàng giờ nhiệt huyết vì công việc chung của cộng đồng. Như già Vi Xuân Quyết (70 tuổi) ở bản Huổi Đửa (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong). Gia đình già Quyết là gia đình đầu tiên của bản tự nguyện di dời ra vùng tái định cư của Thủy điện Hủa Na, già còn tích cực vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, của Nhà nước yên tâm lao động sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống nơi ở mới.

Bên cạnh những đóng góp của những NCUT trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam là sự đồng hành, vào cuộc rốt ráo của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 06/2008 của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương miền núi đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp thông qua nhiều hình thức, nhằm động viên và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. NCUT đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong sự nghiệp chung. Điểm lại những kết quả đã đạt được của tỉnh và nghe các tham luận chia sẻ của các già làng ở Lào Cai, Sóc Trăng, UBND tỉnh Quảng Ninh… để thêm một lần khẳng định vị trí, vai trò của những NCUT trong cộng đồng và sự nghiệp chung của đất nước. Tham dự hội nghị cũng thêm một lần để các già làng có điều kiện học hỏi kinh nghiệm của các già làng trên cả nước. “Ở rất nhiều địa phương, các già làng có nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác vận động quần chúng nhân dân. Tôi học hỏi được rất nhiều”, già Tểnh chia sẻ.

Lời kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với “những cây đại thụ” giữa đại ngàn trong tiến trình phát triển của đất nước: “Các cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng những điển hình tiêu biểu; khen thưởng kịp thời những người có uy tín; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác vận động và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

5 năm nhìn lại để thấy, trong tiến trình phát triển của đất nước, các già làng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ là những điểm tựa vững chãi, là “hạt giống đỏ” của những bản làng vùng biên, bằng khả năng, kinh nghiệm, họ đã xử lý hài hòa việc làng, việc nước, luật tục và luật pháp, việc dòng họ và tộc người; nói dân nghe, làm dân tin, dân phục và dân theo.

Bài, ảnh: Thành Duy

Mới nhất

x
Hạt giống đỏ của bản làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO