Hậu MH17: Mỹ, EU tấn công, Nga kiên cường chống đỡ
(Baonghean) - Hôm 28/7, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Đức, Anh và Italia đã nhất trí sẽ tung ra thêm một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, nhằm vào các ngành tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga. Và đúng như quan điểm đã từng được Thủ tướng Anh David Cameron đề cập, vụ tai nạn máy bay MH17 đã có tác dụng như một chất xúc tác khiến phương Tây “thay đổi cách tiếp cận với Nga”, đồng thời thu hẹp những bất đồng nội bộ trong việc thống nhất áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
(Baonghean) - Hôm 28/7, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Đức, Anh và Italia đã nhất trí sẽ tung ra thêm một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, nhằm vào các ngành tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga. Và đúng như quan điểm đã từng được Thủ tướng Anh David Cameron đề cập, vụ tai nạn máy bay MH17 đã có tác dụng như một chất xúc tác khiến phương Tây “thay đổi cách tiếp cận với Nga”, đồng thời thu hẹp những bất đồng nội bộ trong việc thống nhất áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Việc máy bay MH17 rơi ngày 17/7 đã dẫn đến những lời kêu gọi phương Tây cần có thêm những hành
Thủ tướng Anh David Cameron mạnh mẽ kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. |
Nếu như trước đây, những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu mạnh tay hơn nữa trong việc trừng phạt Nga gặp không ít khó khăn bởi sự “vênh” về lợi ích giữa các quốc gia này, thì nay, các nước phương Tây dường như đã tìm được sự đồng thuận nhất định. Ngay cả Đức, do những lợi ích gắn bó mật thiết với Nga nên trước đây luôn tỏ ra do dự khi thảo luận về mức độ các biện pháp trừng phạt, thì nay cũng đã phần nào thể hiện sự đồng thuận với Mỹ và các nước châu Âu khác. Thủ tướng Angela Merkel cũng thừa nhận rằng, việc gia tăng các biện pháp trừng phạt cũng là nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, trong đó điều đặc biệt quan trọng là vai trò của Nga đối với những gì đang diễn ra tại quốc gia Đông Âu này. Trong bối cảnh chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt ở miền Đông Ukraine, có thể dễ dàng nhận thấy rằng Mỹ và các nước phương Tây đang muốn sử dụng vụ máy bay MH17 để gia tăng sức ép lên Nga, buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải thay đổi lập trường đối với vấn đề Ukraine. Bài toán mà phương Tây đặt ra cho Nga rất cụ thể, đó là gây áp lực lên lực lượng ly khai ở miền Đông, buộc họ ngồi vào bàn đàm phán và áp dụng những bước đi cụ thể nhằm đảm bảo sự kiểm soát đối với khu vực biên giới Nga - Ukraine.
Nhưng đúng như nhận định của giới phân tích, vụ máy bay MH17 chỉ là một chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine chứ không phải là một bước ngoặt, bởi thảm họa này hầu như không làm thay đổi cách nhìn nhận của thế giới đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó có Nga. Đối diện với sức ép ngày một gia tăng của phương Tây, song chiến lược của Điện Kremlin hầu như không thay đổi, và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy là nó sẽ thay đổi. Những lời đe dọa, cảnh báo mạnh mẽ đã được tung ra, những đòn kinh tế cũng đã được áp dụng, rồi cả việc Nga bị loại ra khỏi G8 nhưng những biện pháp trừng phạt đã không làm Tổng thống Putin dao động. Thay vào đó, Nga chuyển dần sang hướng bắt tay chặt hơn với các nước trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ngay cả trước việc Mỹ và EU tuyên bố sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt, Nga cũng tỏ ra khá điềm tĩnh khi chỉ phát đi thông điệp rằng “những động thái này sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trong lĩnh vực an ninh, đồng thời làm xói mòn cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức”. Tổng thống Vladimir Putin còn thẳng thừng tuyên bố, trước khi đưa ra bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào Nga, các nước nên trưng ra những bằng chứng thực sự. Ngoài ra, tuyệt nhiên không có bất kỳ thông tin nào về thay đổi cách tiếp nhận với vấn đề Ukraine được phát đi từ Điện Kremlin.
Nếu như ngay sau vụ rơi máy bay MH17, mũi dùi dư luận dường như đều chĩa về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì nay, các luồng thông tin đã bắt đầu nhiễu loạn với những giả định khác nhau về bên phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này. Hơn nữa, các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vẫn được tính toán để không ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, bởi cả Mỹ và châu Âu cũng không muốn dồn ép Nga đến mức phải tung ra những đòn trả đũa mạnh mẽ. Bởi vậy, từ nay đến lúc có kết quả điều tra chính xác về nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17, dù phương Tây có “thay đổi cách tiếp cận” với Nga, thì cũng khó có thể ép được Nga “thay đổi cách tiếp cận” về vấn đề Ukraine.
Thúy Ngọc