Hậu quả từ sự buông lỏng quản lý ở các ngân hàng

01/11/2011 18:41

(Baonghean) - Vụ lừa đảo của nguyên Trưởng phòng Hành chính ngân hàng TMCP Sài Gòn cùng với vụ bắt giam mới đây đối với Đặng Nam Hải – nguyên Trưởng phòng khách hàng cá nhân và thẩm định của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nghệ An trong vài tháng trở lại đây thực sự khiến cho nhiều khách hàng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố Vinh hết sức hoang mang. Cũng từ đây cho thấy, việc quản lý con người và quản lý tín dụng, cho vay ở các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng 0thương mại cổ phần hiện nay còn lỏng lẻo…

“Nuôi o­ng tay áo”

Cho đến thời điểm này, sau khi Đặng Nam Hải – nguyên Trưởng phòng Khách hàng cá nhân và thẩm định của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank đã ngồi “yên vị” trong nhà tạm giam, thì các đồng nghiệp vẫn chưa hết bàng hoàng. Không ai nghĩ rằng, người trưởng phòng còn trẻ tuổi, năng động đó một ngày lại trở thành một “con nợ lừa đảo”. Theo hồ sơ của cơ quan cảnh sát điều tra, từ đầu năm 2011 đến nay, lợi dụng quyền hạn của một trưởng phòng, Hải đã làm khống 5 bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng và tài sản thế chấp của 4 người đi vay. Theo đó, thông qua thông tin của các khách hàng gửi tiết kiệm ở ngân hàng, Hải đã lấy số tài khoản, số hiệu trên sổ tiết kiệm để làm một khế ước vay tiền và làm giả hồ sơ vay vốn. Bằng phương thức đó, Hải đã rút của khách hàng 3 tỷ 970 triệu đồng. Ngoài ra, Hải còn nợ các đối tượng ngoài gần 17 tỷ đồng với lãi suất cao ngất ngưởng. Sau khi biết được Hải không có khả năng thanh toán nợ, hàng loạt chủ nợ đã tìm đến Hải để đòi “xử lý”. Để bảo toàn tính mạng, ngày 22/10, Hải đã đến cơ quan điều tra tự thú và khai nhận hành vi lừa đảo của mình.

Theo Đại tá Đào Hồng Lập, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Nghệ An thì: Không phải từ lúc Hải đến đầu thú các cơ quan chức năng mới biết hành vi phạm tội của Hải, mà trước đó thông qua vụ điều tra đối với Nguyễn Chu Ngọc – Chủ nhà hàng Đại Dương, các manh mối liên quan đến Hải đã được xác minh.



Một bộ hồ sơ giả được Nguyễn Chu Ngọc dùng để vay vốn ngân hàng

Nguyễn Chu Ngọc và Đặng Nam Hải nguyên là “bạn làm ăn” và cùng chung vốn để thành lập Công ty Cổ phần Thái Bình Dương ở số 2 – đường Hồ Tùng Mậu (Thành phố Vinh). Ngoài ra, Ngọc còn thành lập thêm 2 công ty khác, trong đó có nhà hàng Đại Dương nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa Lao động. Không biết có phải mối thâm tình này hay không nhưng khi Nguyễn Chu Ngọc đến làm hồ sơ xin vay vốn ở Ngân hàng Eximbank đều rất dễ dàng. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của Ngọc ở Ngân hàng Eximbank là 20,7 tỷ đồng, đáng chú ý trong đó là số tài sản thế chấp của Ngọc ở ngân hàng có đến 7 bộ hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả. Ước tính giá trị cho vay của 7 bộ hồ sơ này lên đến hơn chục tỷ đồng. Thủ đoạn của Ngọc là lấy thông tin từ một bộ hồ sơ thật rồi bằng các biện pháp tinh vi sao lại “i chang” để thế chấp. Hoặc Ngọc lấy một bộ hồ sơ có “tên thật, đất thật” rồi sửa lại tên để “lừa” ngân hàng…

Thực trạng đáng báo động

Nhận định về tình trạng “vỡ nợ” rộ lên tại nhiều thành phố lớn thời gian qua, trong đó có Thành phố Vinh, Đại tá Đào Hồng Lập cho rằng: Có thể là cơn sốt của thị trường chứng khoán một vài năm trước, cơn sốt vàng 3 tháng trở lại đây và sự “đóng băng” của thị trường nhà đất suốt một năm nay là nguyên nhân chính. Qua một số vụ án mà cơ quan công an đang điều tra gần đây thì các con nợ phần lớn là những tay chơi chứng khoán hoặc buôn bán bất động sản có tiếng. Thời gian trước, vì giá vàng biến động nhiều, giá nhà đất lên cao nên một số người đã chấp nhận vay ngân hàng, vay “nóng” để đầu tư. Nay thị trường chững lại, giá cổ phiếu thường xuyên xuống đáy, giá vàng “lên xuống” thất thường khiến nhà đầu tư trở tay không kịp, nợ nặng thì tính theo ngày khiến nhiều người trong số họ nhanh chóng trở thành con nợ…

Ngoài nguyên nhân khách quan trên, thì sự chủ quan, lỏng lẻo của một số ngân hàng cũng chính là “kẽ hở” để bọn lừa đảo lợi dụng. Thực tế, để lập hồ sơ vay vốn, cá nhân hoặc công ty đứng vay phải chứng minh được dự án đầu tư, phải có quá trình thẩm định, xác minh tại địa phương, nhưng hiện tại tất cả các hồ sơ giả “trót lọt” ở ngân hàng Eximbank đều không chứng minh được các điều kiện này.

Trước những sự việc trên, mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 763/PC46 (Đ6) gửi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An về việc “chấn chỉnh hoạt động cho vay vốn”, ghi rõ: “Trong thời gian qua, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 2 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, đồng thời đang tiến hành xác minh hàng chục đơn thư khiếu nại của công dân về việc bị một số đối tượng lừa đảo cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để bọn chúng thế chấp vay vốn ngân hàng.

Thủ đoạn của bọn chúng là dùng chiêu bài thành lập các công ty cổ phần, xây dựng các dự án, phương án kinh doanh khống, khuếch trương thanh thế bằng cách đăng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, vay tiền để mua sắm xe ô tô hạng sang…. Đặc biệt, chúng còn dùng thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo vay vốn ngân hàng.

Qua điều tra nhận thấy các ngân hàng có những sơ hở như: Khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của ngân hàng, cán bộ tín dụng, cán bộ kinh doanh của ngân hàng chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ; không thực hiện đúng quy trình, thủ tục kiểm tra, cán bộ ngân hàng không trực tiếp làm việc với trung tâm một cửa của các văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất; không giám sát tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay”. Để kịp thời ngăn chặn hoạt động của bọn tội phạm, Phòng Cảnh sát điều tra đề nghị “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Nghệ An có kế hoạch kiểm tra hoạt động tín dụng, phát hiện xử lý nghiêm khắc các vi phạm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc quy định của nhà nước và ngành ngân hàng về tín dụng…”


Đạm Phương – Mỹ Hà

Mới nhất
x
Hậu quả từ sự buông lỏng quản lý ở các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO