“Hậu thể thao” công sở

(Baonghean) - Thành phố Vinh có bao nhiêu công sở của các ban ngành thì có bấy nhiêu cái sân thể thao mi-ni không bóng chuyền thì cầu lông. Có đơn vị có cả sân cầu lông, có cả bóng chuyền. Chưa nói dưới nữa có các trung tâm, đơn vị trực thuộc cũng vậy. Thêm nữa, là các sân chơi thể thao tư nhân thuê đất mở phục vụ theo giờ, có nơi bán vé tháng, lại “phát hành” cả thẻ vip (bóng đá, ten-nit). Nghĩa là, có hàng trăm “sân chơi” và dễ có ngót hàng nghìn “vận động viên nghiệp dư” là công chức, chiều chiều sau giờ làm việc hăng say lao vào rèn luyện sức khỏe.
 
Ngày vài, ba tiếng như thế, hoan nghênh cho tinh thần thể dục thể thao của cán bộ công chức ta! Nhưng quãng bảy, tám giờ đêm dạo qua các quán nhậu, bãi bia hơi trên khắp trung tâm thành phố thử xem. Không đâu không có các nhóm “vận động viên” của các bộ môn thể thao “thi đấu ngồi” hăng say không kém…
 
Thế là có bao nhiêu chuyện phát sinh sau những giờ thể thao công sở.
 
Thường “hậu thể thao công sở”, các chị sồn sồn và các sếp lớn chỉn chu về nhà, tắm rửa thay đồ thoáng mát, thảnh thơi bữa cơm gia đình, hỏi han răn dạy dâu con vài lời nêu gương giữ nếp nhà, rồi xem xong thời sự ti-vi là tổng kết một ngày bằng giấc ngủ sâu; như thế đáng “thể thao công sở muôn năm”! Nhưng cánh công chức “mới nổi”, thì thế nào? Mùa hè, một rưỡi chiều rời nhà đi làm. Đêm tám, chín giờ mới về, còi xe quát cửa ầm ĩ, quần đùi áo số lấm lem, nồng nặc bia rượu và tóc tai mặt mũi thì nhìn không ra “cái giống” gì nữa! Có khi không kịp tắm, ập xuống ngủ như chết, mũi ca bài “chồng một nơi và vợ một nơi”. Riết thế, đến đoạn cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Sáng ra len lén dậy, lên cơ quan mặt mũi bơ phờ, nhiều khi chẳng còn hồn phách đâu mà làm việc.     
 
Ở các bãi bia quanh Hồ Goong, hay các quán bia gần các công sở như Nhà Văn hóa Lao động, quán bia đối diện Sở Công Thương đường Nguyễn Thị Minh Khai, phố bia gần chợ Quán Lau, vỉa hè bia đường Phan Đình Phùng, “sàn” bia Cầu Thông đường Trần Phú… nếu dẫn giải theo kiểu “từ ngõ vào nhà”, thoạt tiên là sự lộn xộn của ô tô, xe máy đậu kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Xe máy đương nhiên là còn của giới “đại đồng bia hơi” (chữ của nhà văn Trần Chiến) nói chung; nhưng ô tô đại đa số là của cánh công chức “mới nổi”. Bước vô bãi bia, quán nhậu, nhắm mắt lại cũng biết bàn nào, góc nào là của cánh “hậu thể thao công sở”. Giải quyết tức khí được thua, chuyện quốc gia đại sự, kim cổ Đông Tây… đều nhỏ như miệng ly miệng chén. Đầu là giải khát, nhã nhặn hẹn nhau vài lượt tý về ngon cơm với vợ con. Nhưng chuyện cú đập dở, pha bóng tài nó dẫn thêm vài lượt nữa; tranh cãi không ngã ngũ thì làm thêm vài lượt “xử hòa”. Đã ưng ửng mặt, thòi ra vài chuyện bực bõ gia đình, cơ quan – thêm vài lượt để đoàn kết tăng dũng khí tố đứa vợ khỏe ghen hay sếp Y, sếp Z xấu chơi… Chuyện “khun” đùn chuyện dại. Lỡ mồm nhưng còn biết sợ nên thêm tiếp vài lượt để trấn an tinh thần. Lúc này thì con “ma men” nó đã thập thò sau bóng rồi…
 
Cao trào khi chỉ mình nói mình nghe còn đỡ. Khổ là mấy anh khỏe chấp, “ma men” nó làm lú lẫn, nghe “ô” tưởng ra “a” thì nhẹ là đồ nọ đồ kia, nặng là bể ly bể chén. Tại họa nhất là đường về bỗng “ngàn dặm khuya”, hung thần xa lộ nó điểm chỉ, hậu quả khôn lường; chưa nói “ma men” nó bắt tay “ma lạc” dắt mình vào chốn đèn xanh đèn đỏ không ra gì, đôi khi chuyện bể ra, khóc dở mếu dở…
 
Người viết không có khiếu thể thao, nhưng chuyện bãi bia quán nhậu khó tránh. Đôi dịp được chứng kiến nhiều tình huống ngặt nghèo của cánh “hậu thể thao công sở” bạn hữu. Nhiều khi bê cho được một vị say oặt ra về bàn giao cho vợ, nhìn “nửa kia” của bạn chuyển hộ khẩu ra xứ Hà Đông vội lủi nhanh, phó mặc cho bão giông chớp giật, mấy tháng sau tình bằng hữu chưa hết ngại ngùng. Có hôm phải “liều mình như chẳng có”, ôm cổ khóa tay kìm cho được một vị trưởng phòng chính sách đóng vai huấn luyện viên võ thuật; xong mình cũng tơ tướp. Bữa thì về nhà chưa kịp chào vợ, đã vội vọt ra ngã tư X bê một vị cán bộ tài chính đi cấp cứu tai nạn xe máy, vào viện rồi đến lúc bạn tỉnh rượu, bông băng xong nhoẻn cười thì mình…xỉu vì sợ và mệt.
 
“Hậu thể thao công sở” - chuyện kể lai rai không hết. Hậu quả là thế, nhưng cánh “vận động viên” rất ít người chịu rút kinh nghiệm. Tìm hiểu cũng được biết chưa công sở nào ở tỉnh mình lãnh đạo nhắc nhở chuyện này cả. Nghĩ lẩn thẩn, nếu cấm ngặt cánh “vận động viên” ra bãi bia, vô quán nhậu sau những giờ thể thao công sở, chắc “sân chơi” chỉ còn lại mấy sếp lớn và mấy chị sồn sồn đỡ, đập nữa thôi!

Đình Sâm

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.