Hậu thỏa thuận hạt nhân lịch sử: Iran sẽ tăng cường vị thế khu vực bằng thiện chí hay đối đầu?

20/07/2015 08:50

(Baonghean) - Với thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được tuần qua cùng các đối tác đàm phán phương Tây là nhóm P5+1 (gồm có Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran lúc này đã khoác lên mình một phong thái khác hẳn so với trước đây. Đó là một Iran cởi mở hơn và sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề với phương Tây bằng biện pháp hòa bình. Thế nhưng, với các nước trong khu vực Trung Đông, bối cảnh hiện nay vẫn vô cùng phức tạp với những bất đồng sâu sắc giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite và cuộc đua tranh giành vị thế và ảnh hưởng giữa một bên là khối các nước Arab - đứng đầu là Saudi Arabia và một bên là Iran. Liệu Tehran sẽ chọn lựa “lối đi” nào: hòa bình và hợp tác hay đối đầu và xung đột?

Bối cảnh khu vực đầy bất ổn

Giữa bối cảnh một khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn, mâu thuẫn, bất đồng và xung đột, thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được tuần qua được đánh giá là một bước ngoặt, sẽ đem đến làn gió hòa bình và hợp tác cho khu vực này. Thế nhưng, cuộc tranh giành ảnh hưởng và vị thế giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra trong đó có sự tham gia của Iran. Iran từ lâu đã được cho là hậu thuẫn phong trào Hồi giáo Hezbolla ở Lebanon, chống lưng cho phiến quân Houthi ở Yemen, ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria… Những bước đi này nhằm cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng với khối các nước Arab theo dòng Hồi giáo Sunni - đi đầu là Saudi Arabia; đồng thời cũng là cuộc chiến giằng co ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, châu Âu… muốn nhúng tay can thiệp vào Trung Đông để hưởng các lợi ích chiến lược riêng.

Tình hình tưởng rằng đã dễ thở hơn khi nhóm P5+1 quan trọng nhất là Mỹ đã cùng Iran xuống thang để tiến tới đạt được một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng hôm 14/7 vừa qua. Thế nhưng, trong chính nội bộ Mỹ và các nước đồng minh tại khu vực Trung Đông như Israel hay Saudi Arabia lại gặp trục trặc. Israel từ lâu đã có nhiều động thái vượt sự kiểm soát của “người anh lớn” Mỹ. Saudi Arabia và các nước khác trong liên quân Arab như Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ… thời gian gần đây liên tục dùng chiến dịch không kích “Bão táp quyết chiến” nhằm giành sự kiểm soát Yemen.

Bước đi này vừa nhằm cảnh cáo Iran trong cuộc cạnh tranh giành giật ảnh hưởng, vừa là “đòn gió” gửi đến đồng minh Mỹ khi liên tục có các bước đi hợp tác tích cực với đối thủ của thế giới Arab là Iran. Các nước Arab muốn gửi thông điệp rằng, bất kể Mỹ có thay đổi chiến lược tại Trung Đông thế nào, có bắt tay với Iran đi chăng nữa thì khối Arab vẫn “ổn”, thậm chí đang đoàn kết để tạo nên sức mạnh và tiếng nói chung. Trong một tình thế phức tạp như vậy, có ý kiến cho rằng, thỏa thuận hạt nhân mới của Iran lại có thể kéo lùi các mối quan hệ trong khu vực Trung Đông.

Tổng thống theo đường lối ôn hòa Iran Hassan Rouhani.(Nguồn: Huffingtonpost.com)
Tổng thống theo đường lối ôn hòa Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Huffingtonpost.com)

Mục tiêu cốt lõi của Iran đóng vai trò quan trọng

Ngay sau khi thỏa thuận đạt được tuần trước, theo giới phân tích, hai tình huống đặt ra cho các mối quan hệ nội tại của khu vực Trung Đông đều có thể xảy ra như sau: Một là Iran có thể dựa vào thỏa thuận hạt nhân mới, lấy đà thuận lợi áp đảo đối thủ trên các chiến trường; Hai là Iran sẽ dùng đường lối hòa bình như vừa làm với phương Tây để áp dụng với các nước láng giềng, mở ra các con đường hợp tác thay vì tăng cường chiến sự. Và trong diễn biến mới nhất, chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã xóa tan mọi nghi ngờ bằng các bước đi thiện chí và mở lòng đối thoại với các nước láng giềng.

Mới nhất là trong cuộc điện đàm hôm 18/7 vừa qua với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani, Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định, Tehran sẵn sàng trao đổi quan điểm với các nước khu vực, đồng thời kêu gọi Qatar cùng chung tay ngăn chặn các nhóm khủng bố và cực đoan, tăng cường các nỗ lực nhằm giúp xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định tại Trung Đông. Theo giới quan sát, tất cả các bước đi ngoại giao của Iran lúc này đang phụ thuộc vào việc mục tiêu cốt lõi của chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani và Đại giáo chủ Ali Khameney là gì. Nếu mục tiêu chiến lược được đặt ra là phục hồi kinh tế, phát triển đất nước thì hòa bình và hợp tác lẽ dĩ nhiên sẽ là giải pháp hợp lý nhất. Bởi một khi các lệnh trừng phạt, các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, lộ trình này sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Còn nếu Iran vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng và tăng cường vị thế thông qua chiến sự, thì chắc chắn rằng căng thẳng và xung đột sẽ càng thêm trầm trọng.

Với cuộc điện đàm mới nhất với Quốc vương Qatar, Tổng thống Iran Rouhani đã bắt đầu chứng minh cho thiện chí của mình. Đây được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan, bởi điều này vừa phù hợp xu thế trong quan hệ quốc tế hiện nay. Quan trọng hơn, nó sẽ làm hài lòng các cử tri trong nước trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng tại Iran vào đầu năm 2016 đang đến rất gần. Trải qua hơn 12 năm cấm vận, kinh tế trì trệ thậm chí các quyền con người tại Iran bị ảnh hưởng, hơn bao giờ hết, người dân và các cử tri Iran muốn “cơn ác mộng” này dừng lại. Điểm cộng cho Tổng thống Rouhani và đảng cầm quyền của ông trong lòng cử tri đã được chứng minh khi Iran ngay lập tức nhận được hàng loạt thông tin hợp tác tốt lành. Như hôm 17/7, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Pakistan Shahid Khaqan Abbasi tuyên bố, nước này sẽ nối lại dự án xây dựng tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Iran vào tháng 10 và sẽ đưa vào hoạt động trong 2 năm tới. Tiếp đó, truyền thông Ấn Độ cho biết nước này có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp luyện nhôm với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD tại Iran. Không chỉ vậy, với các nguồn năng lượng dồi dào và công suất phát điện lớn, Iran được xem là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất nhôm. Hiện Iran tự sản xuất khoảng 340.000 tấn nhôm mỗi năm và dự kiến sẽ nâng sản lượng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2025 với khoản đầu tư khoảng 12 tỷ USD. Về phía châu Âu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel hiện đang có chuyến thăm 3 ngày đến Iran nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng vừa công bố kế hoạch thăm Iran vào tháng 9 tới, nhằm khôi phục lại vị thế kinh tế tại quốc gia Hồi giáo này. Các chuyên gia kinh tế dự báo, thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được có thể giúp GDP của Iran tăng trưởng 5% vào năm tới, và lần lượt sau đó có thể là từ 7% đến 8%. Không chỉ vậy, với dân số gần 80 triệu người và thu nhập bình quân hơn 5 nghìn đô la/người/năm, Iran đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng với các nhà đầu tư.

Hòa bình không phải đã dễ dàng

Với những diễn biến hiện nay, có thể thấy, hòa bình và hợp tác là lựa chọn của Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani. Thế nhưng, rất nhiều thách thức vẫn đang đặt ra trước mắt, khi ông Rouhani phải chịu rất nhiều sức ép từ phe bảo thủ đối lập trong nước và đặc biệt là sự cứng cắn của lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Dù đã “bật đèn xanh” cho thỏa thuận lịch sử tuần qua, thế nhưng trong bài diễn văn đánh dấu kết thúc tháng Lễ Ramadan của người Hồi giáo cuối tuần, ông Khamenei vẫn khẳng định rằng, Iran sẽ tiếp tục giữ vững các chính sách đối ngoại của mình, trong đó có quan hệ với Mỹ. Đồng thời, thỏa thuận cũng sẽ không ảnh hưởng đến chính sách khu vực của Iran, theo đó, Tehran không thay đổi sự hỗ trợ đối với các đồng minh ở Iraq, Syria, Lebanon và Bahrain. Trong lúc đó, tiếng nói phản đối của Israel vẫn ngày càng gay gắt hơn. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại nước này do Nhật báo Al Ma’arif thực hiện, có tới gần một nửa số người tham gia cuộc thăm dò (47%) ủng hộ việc tấn công quân sự vào Iran, nhằm ngăn chặn nguy cơ quốc gia Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bởi vậy, trọng trách lúc này đang được đặt lên vai Tổng thống Rouhani, khi một mặt phải dung hòa các mối quan hệ trong khu vực, giữ hòa khí với phương Tây, lấy điểm từ cử tri trong nước nhưng cũng không đi chệch các nguyên tắc bất di, bất dịch mà Đại giáo chủ Ali Khaminey tuyên bố. Lộ trình này ít nhất sẽ phải kéo dài đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng tại Iran - dự kiến diễn ra vào ngày 26/2/2016 tới đây. Trong quá trình đó, Iran sẽ phải tham gia tích cực hơn để giải quyết các điểm nóng như Syria, Yemen, Iraq hay cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS.

Điều này cũng đồng nghĩa, Iran sẽ buộc phải hạn chế hậu thuẫn cho phiến quân Houthi ở Yemen hay ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria để giữ hòa khí với thế giới Arab. Không chỉ vậy, tiến trình này có thuận lợi cũng sẽ còn phụ thuộc vào thái độ của Saudi Arabia. Theo các nhà kinh tế, chỉ có một yếu tố có thể khiến Iran và Saudi Arabia ngồi lại với nhau, đó chính là giá dầu. Bởi một khi được dỡ bỏ cấm vận, dầu Iran được mở cửa bán vào thị trường quốc tế thì tất yếu, thì bản đồ vàng đen và cán cân xuất khẩu dầu giữa các quốc gia như Mỹ, Nga, Saudi Arabia sẽ được vẽ lại. Thế nhưng, tất cả đều còn ở phía trước và chắc chắn mọi việc sẽ không dễ thực hiện. Dù vậy, cái đích là cuộc bầu cử quan trọng năm 2016 và một Iran được công nhận và tăng cường vị thế bằng con đường hòa bình, sẽ là động lực lớn nhất để Tổng thống Hassan Rouhani đưa ra những lựa chọn và giải pháp hợp lý lúc này.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Hậu thỏa thuận hạt nhân lịch sử: Iran sẽ tăng cường vị thế khu vực bằng thiện chí hay đối đầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO