Hãy nhường đường!
(Baonghean) - Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì năm 2013 vừa qua, cả nước đã xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông, làm 9.369 người chết, 29.500 người bị thương. Đây là năm thứ hai số người chết vì tai nạn giao thông dưới… 10.000 người! Rõ ràng, tai nạn giao thông “có giảm”, nhưng vẫn nằm trong vùng báo động đỏ.
Tắc đường trước cổng Trường TH Lê Mao - TP. Vinh (ảnh chụp vào 16h42 phút ngày 5/12/2013). Ảnh: Phan Nguyễn |
Lâu nay, mỗi khi câu chuyện tai nạn giao thông được cất lên từ một nghị trường nào đó thì ngay lập tức nó trở thành chủ đề nóng hổi, và chính nó cũng đang “bị” mổ xẻ ở không ít ở các trang mạng xã hội. Những nỗ lực như cải tạo hệ thống hạ tầng; tăng cường phương tiện giao thông công cộng; nghiêm minh trong chế tài xử phạt; rồi huy động các lực lượng xã hội vào cuộc cho đến cuộc vận động về thực hiện “văn hóa giao thông”… đã mang lại những kết quả nhất định. Rất tiếc, tác dụng mà những nỗ ấy cũng mới chỉ mang tính kìm hãm gia tăng nhiều hơn là cải thiện tình hình.
Vậy cái gì đang làm nên thực trạng giao thông không đẹp ở nước ta? Hạ tầng hay ý thức? Tất nhiên chả cái nào “vô can”, nhưng giả sử có một hạ tầng tốt hơn mà lại với một ý thức của người tham gia giao thông kém hơn thì chắc chắn tai nạn vẫn hoàn… tai nạn! Ngược lại, nếu chúng ta có một hạ tầng chưa tốt nhưng có một ý thức tham gia giao thông thì tai nạn sẽ giảm.
Cuộc vận động thực hiện “văn hóa giao thông” nghe chừng cũng đã phôi phai, cũng không còn nhận được sự hưởng ứng tích cực và tự giác từ phía người đi đường. Câu hỏi vì sao chắc sẽ được tổng kết và trả lời. Nhưng theo suy nghĩ của người viết bài này thì có thể bởi nó (cuộc vận động thực hiện “văn hóa giao thông”) vẫn chung chung. Cái gì trong văn hóa giao thông làm nên tai họa? Phải chăng cái kiểu ứng xử “phi nhường nhịn” trong cuộc sống đã và đang hiện diện trong giao thông? Quả thực, chuyện cướp đường, lúc nào cũng có, vẻ như ai ai cũng sẵn sàng “tham chiến”. Cứ hình dung trên đường phố, những con người “chả biết ai là ai” đang tìm mọi cách để len lỏi, để chen lấn… để vượt lên trước, dù chỉ một phần mười giây cũng… quyết giành bằng được. Hội chứng đám đông và cả tính hiếu thắng được kích hoạt, chuyện nhường đường trở thành vô cùng hiếm hoi trong ý thức người tham gia giao thông.
Hầu hết khách du lịch nước ngoài, sau lần đến tham quan đều “ngán” tình trạng giao thông ở nước ta. Họ phàn nàn về kiểu đi đường “chả giống ai”. Tại sao vậy? Liệu chúng ta có thay đổi được ý thức người tham gia giao thông? Không nói đâu xa, hai đất nước gần với chúng ta là Lào và Thái Lan, khi đến đó, dường như ta không phải nghe tiếng còi xe. Vì sao vậy? Vì văn hóa giao thông của họ là chủ động nhường đường. Nếu như điều ấy được áp dụng ở ta, mọi người tham gia giao thông chuyển từ hành vi cướp đường sang nhường đường thì vẫn “kẻ trước người sau” mà tai nạn chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Thiết nghĩ, thay vì kêu ca chuyện hạ tầng, chuyện mãi lộ, chuyện phí này phí kia… chúng ta thử hành động! Khoan nghĩ gì quá to tát, chỉ là thay đổi từ ý thức người tham gia giao thông thôi. Hãy nhường đường! Điều ấy không chỉ thể hiện là người có văn hóa, mà chính nó đang cứu mạng sống của chúng ta, ít nhất cũng góp phần chống lãng phí mỗi năm chục ngàn tỷ đồng của ngân khố. Nếu chúng ta thực sự coi tai nạn giao thông là kẻ thù thì tại sao không khơi dậy ý thức người tham gia giao thông, tôi xin nhắc lại là hãy nhường đường! Xét ở góc độ đạo đức thì vô trách nhiệm trước mạng sống của mình và người khác cũng là giết người đấy!
Khắc An