HĐND tỉnh hướng hoạt động vào thực tiễn cuộc sống

13/02/2016 16:48

(Baonghean) - Nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh sắp kép lại với nhiều vấn đề sát sườn, mang đậm hơi thở cuộc sống được thông qua, tạo cú hích, động lực phát triển mạnh mẽ cho tỉnh và đáp ứng sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp.

Đậm hơi thở cuộc sống

Nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVI (2011 – 2016) ghi nhận nhiều đổi mới và giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết.

Theo dõi 15 kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 – 2016, các vấn đề được quyết nghị, những nghị quyết được thông qua đã mang hơi thở của cuộc sống, phục vụ nhu cầu, lợi ích sát sườn của người dân, doanh nghiêp và những vấn đề mang tầm “quyết sách” của tỉnh và đó cũng là cách để các nghị quyết đi vào đời sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Xây dựng nông thôn mới là một chương trình mang tính tổng thể, tác động đến toàn bộ các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Bởi vậy, các địa phương đều xác định là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị mình. Tuy nhiên, quá trình triển khai đòi hỏi huy động một nguồn lực rất lớn, trong khi đó điều kiện kinh tế của các địa phương cũng như đời sống của người dân còn khó khăn.

Thông qua xây
Thông qua xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn ở các địa phương từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân.

Thực tiễn đó được HĐND tỉnh ghi nhận để sau đó ban hành chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng giao thông nông thôn. Nói về tác động của chính sách, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, chia sẻ: Thông qua chính sách đã tạo ra một phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp ở các địa phương. Mặt khác, tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng làm giao thông nhưng các địa phương đã đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục khác, gồm trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, thủy lợi...; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Minh chứng rõ nhất, ở thời điểm tháng 7/2014, toàn tỉnh mới chỉ có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí và đang có nhiều xã không đạt tiêu chí nào thì đến ngày 17/12/2015, toàn tỉnh đã có 105 xã đạt 19/19 tiêu chí và không còn xã “trắng” tiêu chí.

Nhiệm kỳ 2011 – 2016 cũng đã ghi dấu ấn nhiều cơ chế, chính sách tác động đến nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, HĐND tỉnh cũng đã ban hành 4 Nghị quyết về cơ chế khuyến khính, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN; Nghị quyết về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 – 2020; Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”.

Nhiều cơ chế, chính sách nông nghiệp được ban hành, tạo điều kiện để nền kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà phát triển
Nhiều cơ chế, chính sách nông nghiệp được ban hành, tạo điều kiện để nền kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà phát triển

Đây là những nghị quyết tạo đà cho nông nghiệp Nghệ An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên doanh, liên lết “4 nhà” để tạo ra giá trị sản xuất cao hơn. Rõ nét nhất là toàn tỉnh đưa vào trồng trên 60.000 ha/vụ lúa chất lượng cao, trong đó đã có một số thương hiệu gạo xứ Nghệ được người tiêu dùng biết đến như AC5, VTNA2, DT68, lúa thảo dược...

Các loại cây cam, chanh leo, chè.... cũng đang được ứng dụng KHCN mạnh mẽ nhằm tạo ra sản phảm có năng suất, chất lượng và cạnh tranh với thị trường... Đây là cơ sở góp phần tháo gỡ về tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM mà cử tri, nhân dân và nhiều vị đại biểu HĐND tỉnh băn khoăn.

Cũng giải quyết những vấn đề bức thiết từ cuộc sống, các đại biểu HĐND tỉnh và các địa phương đồng thuận rất cao khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nghị quyết đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư về khu vực nông thôn, đồng thời “gom” các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường.

Chính sách phát triển
Nhờ chính sách phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, nhiều địa phương đã hình thành và thu hút được nhiều dự án vào đầu tư. Nhà máy may xuất khẩu tại xã Thanh Tiên đi vào hoạt động thu hút 800 lao động vào làm việc

Hay Nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức cũng đã có những tác động tích cực. Trước mắt đã tạo ra một bước chuyển mới về đầu vào của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm thay thế dần số cán bộ chỉ đơn thuần là kinh nghiệm mà không được đào tạo bài bản, chính quy, nhất là cấp xã. Hiệu quả lâu dài là củng cố được hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành quản lý xã hội ở cấp huyện và xã tốt hơn.

Bên cạnh các quyết nghị được ban hành thông qua chính sách thì nhiều khó khăn phát sinh từ thực tế đời sống sinh hoạt của người dân cũng được các đại biểu HĐND tỉnh phản ánh kịp thời trong các phiên bàn về vấn đề kinh tế - xã hội. Từ kiến nghị, phản ánh của các đại biểu HĐND tỉnh, các ngành, cơ quan, đơn vị tiếp thu để rồi có trách nhiệm giải quyết. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (đại biểu huyện Thanh Chương), cho rằng: Với riêng địa bàn Thanh Chương, rõ nét nhất là việc bàn giao lưới điện nông thôn về cho Công ty Điện lực Nghệ An quản lý, mặc dù đang còn những vấn đề cần tiếp tục được giải quyết, nhưng chuyển động rõ nhất là Điện lực đã đầu tư, nâng cấp rất lớn về đường dây, xây dựng thêm nhiều trạm biến áp để nâng cao chất lượng điện sinh hoạt ở vùng nông thôn, nhất là các khu vực dân ở cuối nguồn điện.

Cùng với đó, ngành điện cũng đã quan tâm rà soát và tổ chức bán điện tại gia cho các hộ dân tại Tổng đội TNXP 5 thay việc chịu giá điện kinh doanh như trước đây. Hay như kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho thân nhân những người bị mất năm 1978 ở cống Hiệp Hòa, huyện Đô Lương đang được Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội trình UBND tỉnh nâng mức hướng từ 360.000 đồng/tháng/hộ lên 540.000 đồng/tháng/hộ....

Gửi gắm ở nhiệm kỳ mới

Có thể nói, chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh chính là ở chỗ sẽ giải quyết được những vấn đề gì thực tiễn đặt ra. Bởi vậy, để HĐND tỉnh tiếp tục có sự đổi mới, bứt phá, nâng cao chất lượng, hiệu qủa thì các hoạt động cần gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phục vụ đời sống của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà. Muốn làm được điều này đòi hỏi hoạt động của Thường trực, các Ban, các Tổ và các đại biểu HĐND tỉnh phải thực sự gần dân hơn nữa.

”Vấn đề phản ánh ý kiến của dân, hiệu lực thực hiện các nguyện vọng của dân, giám sát việc thực hiện các kiến nghị đó phải tiếp tục tăng cường. Mỗi đại biểu HĐND tỉnh cần theo đuổi đến cùng các vấn đề mà cử tri kiến nghị để các cấp, các ngành tập trung cao hơn trong việc giải quyết. Về phía các cấp, các ngành cũng cần quan tâm tìm hiểu, đến tận nơi phát sinh các vấn đề, để trực tiếp nghe, hiểu sâu hơn bản chất vấn đề. Có như vậy các vấn đề đang đặt ra mà cử tri, nhân dân kiến nghị, phản ánh mới được giải quyết một cách thấu đáo”. Đó là ý kiến của bà Tôn Thị Cẩm Hà, Phó trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh.

Ban Văn hóa - Xã hội giám sát cơ sở vật chất dạy nghề tại Trường nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An
Ban Văn hóa - Xã hội giám sát công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn

Còn đối với ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, việc đưa ra các vấn đề bức xúc, tồn tại trong thực tiễn cuộc sống để chất vấn là chưa đủ mà thông qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp để làm rõ trách nhiệm của các ngành và sự khắc phục sau chất vấn như thế nào. Bởi nếu các vấn đề chỉ dừng lại ở chất vấn, nghĩa là làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp, còn sau đó sẽ trở lại bình thường.

Do đó, để các vấn đề chất vấn được xử lý một cách triệt để, thì vai trò của Thường trực của HĐND tỉnh cần giám sát, đôn đốc quyết liệt, kể cả tổ chức làm việc với từng ngành, tránh tình trạng các vấn đề nêu ra chỉ dừng lại tại kỳ họp, không giải quyết được những vấn đề cốt lõi mà nhân dân yêu cầu. Có như vậy, các vấn đề “nóng” được đặt ra trong nghị trường mới tác động tích cực trở lại cuộc sống. Việc ban hành nghị quyết, theo ông Phan Văn Tuyên, HĐND tỉnh cần xác định rõ các vấn đề để ban hành nghị quyết phù hợp với từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và thực tiễn đặt ra; tránh tư duy theo ngành, lĩnh vực mà chưa phải xuất phát từ lợi ích chung.

Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành, thi xã trao đổi kinh nghie
Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành, thi xã trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cư

Với đồng chí Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Quá trình phát triển, Nghệ An vẫn chưa tạo ra được sức bật, đột phá thật sự. Đây là những trăn trở của cả hệ thống chính trị và đối với HĐND tỉnh cần phải thay đổi phương pháp lãnh đạo và các nội dung hoạt động của mình. Trong đó cần tập trung đổi mới hoạt động giám sát cả về phương pháp và nội dung, đi sâu vào thực chất, bám sát thực tiễn để giám sát những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên tất cả các mặt của đời sống xã hội nhằm phát hiện những vấn đề tiêu cực, phối hợp cùng với hệ thống chính trị giải quyết. Chú trọng giám sát các cấp, các ngành triển khai đưa Nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuốc sống; giám sát việc giải quyết các vấn đề kiến nghị, phản ánh của cử tri, nhân dân; giám sát, đôn đốc việc thực hiện các lời hứa sau chất vấn của cơ quan, ngành trong hệ thống chính trị. HĐND và mỗi đại biểu HĐND là cơ quan và người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì gần dân, hiểu dân, nắm bắt nhu cầu cuộc sống của dân để trăn trở giải quyết.

Có thể nói, yêu cầu và kỳ vọng đối với HĐND tỉnh ở nhiệm kỳ mới 2016 – 2021 là rất lớn. Để có thể giải quyết được các yêu cầu trên thì yếu tố quyết định là con người, đó là trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh. Bởi vậy, sắp tới, cấp ủy các cấp cần lựa chọn những người thật sự có trình độ, năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm thuộc các lĩnh vực, vùng miền đưa vào danh sách hiệp thương giới thiệu để cử tri bầu vào cơ quan dân cử các cấp. Bên cạnh chất lượng đại biểu thì việc phân bổ cơ cấu đại biểu cho các địa bàn, khu vực cũng đòi hỏi phải phù hợp với nhu cầu, yêu cầu phát triển cũng như thực tiễn mà địa bàn đó cần. Có như vậy, các vấn đề thực tiễn đặt ra, những vấn đề phát sinh mới có thể được tháo gỡ, giải quyết một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

HĐND tỉnh hướng hoạt động vào thực tiễn cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO