HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức giám sát tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc
(Baonghean.vn) - Báo cáo với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An cho rằng, qua theo dõi học viên ra vào tại trung tâm thì có khoảng hơn 40% người tái nghiện.
Khó khăn về biên chế
Ngày 12/6, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có cuộc làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An và Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn tại huyện Anh Sơn theo chương trình giám sát tổ chức và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đoàn giám sát làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa |
Khảo sát trực tiếp hoạt động và làm việc với cán bộ 2 cơ sở cai nghiện, đoàn giám sát đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cả 2 cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ quản lý và tổ chức cai nghiện cho các đối tượng cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tập trung.
Ngoài thực hiện công tác điều trị, cắt cơn, giải độc và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện, các cơ sở cũng tổ chức nhiều biện pháp tư vấn, quản lý, tái hòa nhập cộng đồng cho học viên như tư vấn, phổ biến pháp luật nói chung cũng như các chuyên đề về tác hại của ma túy, phòng chống lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho học viên tại các cơ sở.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An cho rằng, lực lượng cán bộ, nhân viên phục vụ tại cơ sở mỏng, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của cơ sở. Ảnh: Mai Hoa |
Các trung tâm cũng tiến hành công tác dạy nghề và tổ chức truyền nghề mộc dân dụng, gò hàn, chăn nuôi gà, lợn và trồng trọt cho học viên. Tại các cơ sở đều tổ chức cho các học viên lao động sản xuất như làm mộc dân dụng, gia công vàng mã, chăn nuôi và trồng rau xanh, chăm sóc cảnh quan trong khuôn viên từng cơ sở…
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng chia sẻ những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động của các cơ sở. Đáng quan tâm nhất là đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại các cơ sở còn mỏng.
Đơn cử tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An, hiện tại số học viên được cơ sở tiếp nhận, quản lý gần 200 người, trong khi đó tổng số cán bộ, nhân viên chỉ có 21 người. Hay ở Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn hơn 220 học viên và chỉ có tổng 20 cán bộ làm việc, trong đó có 11 biên chế; 1 hợp đồng 68 và 8 đội viên thanh niên xung phong.
Đoàn giám sát tìm hiểu trực tiếp từ học viên về việc cai nghiện cũng như đảm bảo chế độ sinh hoạt tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa |
Trong khi đó việc quản lý học viên là 24/24 giờ nên các trung tâm phải bố trí cán bộ luân viên thay nhau 3 ca, mỗi ca số lượng người làm việc lại càng mỏng, đó là chưa kể có một số người luân phiên thay nhau nghỉ theo Luật Lao động và khi có học viên ốm đau đi viện thì nhân viên cơ sở cũng phải đi theo để quản lý.
Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn cho rằng, các công cụ hỗ trợ trong quản lý học viên còn thiếu thốn. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh biên chế hiện tại mỏng, các cơ sở đang phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình giảm 10%, trong khi đó yêu cầu tiếp nhận học viên ngày càng tăng.
Cùng với khó khăn về biên chế thì cơ sở vật chất tại các trung tâm còn bất cập. Đơn cử tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An, khu ở của học viên và phòng công vụ của cán bộ, nhân viên đang còn chung một dãy, chưa có phân khu riêng biệt.
Đoàn giám sát làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Mai Hoa |
40% người tái nghiện
Tại buổi làm việc, trả lời đoàn giám sát về tỷ lệ cai nghiện thành công tại các cơ sở, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I Nghệ An cho rằng, thông qua theo dõi học viên ra vào tại trung tâm thì có khoảng hơn 40% người tái nghiện, có người vào lần 2, lần 3, lần 4; có người cai nghiện được 10 năm lại tái nghiện.
Tại cuộc làm việc, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng gợi mở cho các cơ sở về một số biện pháp quản lý người nghiện trên cơ sở phân loại đối tượng để nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh từ học viên gắn với tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý, giáo dục phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.
Đoàn giám sát cũng đề nghị các cơ sở chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm theo các quy định của Nhà nước về mô hình cai nghiện và quy mô phát triển của từng cơ sở để kiến nghị với các cấp liên quan phê duyệt, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.