Hé lộ hành vi vi phạm pháp luật của Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) Chi nhánh Nghệ An
(Baonghean) - Trong khi “công ty mẹ”- Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến có sàn giao dịch điện tử tại địa chỉ www.mb24.vn có trụ sở chính tại Lô C4 Khu Đô thị C8 Mỹ Đình1, Từ Liêm, Hà Nội và các “chân rết” ở Phú Thọ, Đắc Lắc, Thanh Hóa và Bắc Cạn… đang bị các cơ quan công an “sờ gáy” thì chi nhánh của công ty này ở Nghệ An tại địa chỉ 41 Đào Duy Từ, Thành phố Vinh vẫn nhộn nhịp người ra vào, tham gia kinh doanh điện tử mà thực chất là một kiểu trá hình của hoạt động mạng lưới đa cấp qua kinh doanh điện tử ảo nhằm trục lợi bất chính, lừa đảo khách hàng chiếm đoạt tài sản và “qua mắt” cơ quan Nhà nước để trốn thuế. Đã đến lúc cần vạch rõ hoạt động vi phạm pháp luật của Mb24 Nghệ An để tránh gây thiệt hại kinh tế cho người dân cũng như an ninh trật tự -xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chiêu thức lôi kéo
Vào vai người muốn tham gia hệ thống kinh doanh sàn giao dịch điện tử, chúng tôi đến trụ sở Chi nhánh Nghệ An của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (mb24.vn) ở số nhà 41 đường Đào Duy Từ, Thành phố Vinh và được chị N.T.L là hội viên đã vào tham gia hệ thống kinh doanh này được 5 tháng vồn vã tiếp đón. Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu để gia nhập, lập tức chị này “thao thao bất tuyệt” về những cơ hội mua hàng ưu đãi từ những gian hàng nghèo nàn và bỏ trống trên giao diện của sàn điện tử mb24; rằng hội viên còn có cơ hội làm giàu nhanh chóng, đơn giản với thu nhập “như mơ” nếu trở thành hội viên chính thức khi mua gian hàng điện tử trên sàn giao dịch của công ty này.
Trụ sở của Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến chi nhánh Nghệ An ở số 41 Đào Duy Từ, TP. Vinh.
Điều kiện đưa ra vẫn là: bạn chỉ cần bỏ ra 5,2 triệu đồng mua 1 gian hàng điện tử trên sàn mb24.vn để kinh doanh hàng hóa ở đây, mua càng nhiều gian hàng thì càng có thu nhập cao. Nhưng thực chất đây là những gian ảo mà bạn chỉ cần “mời” một người là bạn bè hoặc người thân tham gia vào hệ thống kinh doanh này thì sẽ được hưởng “hoa hồng” trực tiếp 150 điểm (tương đương 1,5 triệu đồng) và một người gián tiếp 15 điểm (150.000 đồng) theo sơ đồ “hình cây nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng” của mô hình kinh doanh đa cấp. Cứ như thế, khi bạn phát triển hệ thống của mình lên đến 198 người (mỗi chân của hình cây nhị phân 99 người) thì bạn đạt cấp VIP sẽ được trả thưởng hoa hồng từ hệ thống 111,680 triệu đồng/tháng. Đây là con số khổng lồ, vô cùng hấp dẫn, đánh vào lòng tham của mọi người để ra sức lôi kéo khách hàng vào hệ thống của mình càng nhiều càng tốt với “giấc mơ” làm giàu chóng vánh, bất chấp việc vi phạm pháp luật. Sau cấp VIP là phó giám đốc rồi giám đốc, giám đốc kim cương… với thu nhập khủng làm cho không ít người đang lao vào như con thiêu thân để kiếm lợi.
Nhằm thuyết phục khách, hội viên này đã mở tài khoản của mình cho chúng tôi xem mức thu nhập cả trăm triệu đồng khi chị đã đạt cấp VIP, cả cơ hội mua hàng giảm giá nhưng thực ra chỉ là mấy thẻ điện thoại khuyến mại chị dùng trong tháng mà thôi. Để đánh lừa khách hàng về viễn cảnh mua bán thật cho khách hàng tin tưởng thì tại căn nhà 4 tầng thuê làm chi nhánh của công ty ở số 41 đường Đào Duy Từ, Thành phố Vinh, có trưng bày một số mặt hàng ít ỏi, tượng trưng với một vài giao dịch nhỏ giọt khiến mọi người ngỡ đây là chỗ kinh doanh thật sự đàng hoàng.
Để tìm hiểu thêm về hành vi vi phạm pháp luật của hoạt động mua bán trực tuyến này, chúng tôi tiếp cận với một số hội viên khác. Kể chuyện với chúng tôi trong dòng nước mắt ân hận, nữ sinh viên năm thứ hai khoa Sinh Đại học Vinh - chị Nguyễn Thị Ng. cho biết đã “lún sâu” vào kiểu kinh doanh trá hình này, khi ban đầu Ng. được hội viên tuyến trên hứa hẹn cơ hội kiếm tiền dễ dàng, triển vọng sáng sủa từ công việc này, nên tuy đang là sinh viên sống bằng chu cấp của bố mẹ ở quê gửi lên, Ng. đã liều vay bạn bè, người thân được 12 triệu đồng mua 3 gian hàng (giá ưu đãi cho hội viên). Đã hơn 1 tháng trôi qua, 3 gian gian hàng ấy chẳng kinh doanh gì ngoài việc thuyết phục được 5 người vào thì chị được 5,5 triệu đồng hoa hồng, số tiền còn lại đang nợ hứa trả mà Ng. chưa biết xoay xở ở đâu ra. Biết mình bị lừa và muốn xin lại tiền thì được tuyến trên trả lời: “Số tiền đó được chi trả cho người giới thiệu mình vào. Muốn lấy số tiền đó thì đưa người vào để hưởng hoa hồng bù vào món tiền bỏ ra đó”. Bấy giờ, Ng. mới tỉnh ra, phải giấu bố mẹ và chấp nhận tiếp tục “lừa thêm” người vào hệ thống của mình để gỡ lại số tiền đã mất.
Là một tiểu thương của chợ Bến Thủy, chị Hoàng Thị H. chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm với sạp hàng bé nhỏ của mình. Chị hiểu hơn ai hết giá trị của đồng tiền kiếm được từ bàn tay lao động chân chính, chị đâu ngờ một ngày lại xảy ra nông nỗi... Ấy là trong một lần cách đây 2 tháng, chị được người bạn giới thiệu một công việc kinh doanh nhàn nhã và dễ kiếm tiền, thậm chí còn giàu nữa. Nào chị có biết vi tính với kinh doanh điện tử là gì đâu, tin ở bạn chị cũng tham gia. Được tư vấn viên mê hoặc, chị tin và bỏ ra 20 triệu đồng gom góp được từ việc buôn bán hằng ngày mua 6 gian hàng (giá ưu đãi hội viên) để thử vận may. Và rồi mấy gian hàng của chị cũng chẳng buôn bán hàng họ gì mà “công việc kinh doanh” mới của chị H. là ngày ngày rủ rê, mời mọc bạn bè, người thân mua gian hàng 5,2 triệu đồng như chị để có thu nhập từ tiền hoa hồng giới thiệu hội viên mới. Khi bản chất lừa đảo của mạng lưới kinh doanh được các phương tiện thông tin đại chúng vạch trần, những người tham gia với chị đã đến đòi chị bồi thường thiệt hại cho họ khi mua gian hàng và cũng từ đây chị mất đi niềm tin và mối quan hệ tình cảm của mọi người. Cay đắng trước cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết đã đẩy chị đến bi kịch của ngày hôm nay, nhưng đã quá muộn. Chị xấu hổ chia sẻ: “Tôi ngần này tuổi đầu rồi mà còn bị lừa để mất đi những thứ còn hơn cả tiền bạc, đó là sự xa lánh và mất mát tình cảm của mọi người”.
Phần nhiều những người tham gia mô hình kinh doanh điện tử ảo này là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Vinh và một số huyện lân cận. Ngoài ra, còn có những sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, những người làm nghề tự do, một số công chức Nhà nước “ôm mộng” làm giàu để đổi đời; và đã không ít người đành chịu cảnh mất tiền oan cho hoạt động “kinh doanh” này. Cũng theo N.T.L, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã mở được hơn 3.000 gian hàng ảo nhân với 5,2 triệu đồng/gian hàng, như vậy số tiền hưởng lợi của chi nhánh Nghệ An lên đến hàng tỷ đồng.
Phớt lờ cam kết đăng ký kinh doanh và trốn thuế
Trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh với Sở Kế hoạch - Đầu tư Nghệ An bắt đầu từ ngày 28/9//2011 với mã số chi nhánh: 0105328486-029 của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (Mb24) chi nhánh Nghệ An tại số 41 đường Đào Duy Từ, Thành phố Vinh do ông Hồ Anh Tuấn (SN 1972) làm giám đốc. Giấy chứng nhận của Sở Kế hoạch - Đầu tư Nghệ An cấp cho 22 lĩnh vực ngành, nghề hoạt động như: nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; buôn bán vải, hàng may sẵn, giày dép; vận tải hàng hóa bằng đường bộ… do chi nhánh tự kê khai. Đây là “màn kịch” tinh vi, khéo léo nhằm che mắt cơ quan chức năng, biến tướng sang một lĩnh vực duy nhất mà họ đang tiến hành là đào tạo huấn luyện cho hội viên chiêu thức thuyết phục mọi người tham gia hệ thống, mua gian hàng điện tử ảo, và trở thành hội viên để tiếp tục “nhân rộng” phương thức đó với con số hội viên lên đến 3.000 gian hàng ảo cùng số tiền không nhỏ nhưng trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Theo chứng từ Cục Thuế Nghệ An cung cấp, thì chi nhánh chỉ đóng 1,5 triệu đồng thuế môn bài. Còn lại các nghĩa vụ thuế về các ngành nghề mà chi nhánh đăng ký với Nhà được đã không được thực hiện trong 1 năm qua, gây thất thu lớn cho Ngân sách Địa phương. Ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay: “Nếu như những gì mà chi nhánh kê khai về ngành nghề hoạt động thì đây cũng thuộc đối tượng quản lý của Sở. Thế nhưng, thực tế Sở đã không nhận được thông tin này của chi nhánh”.
Cam kết với Nhà nước và xã hội về chức năng hoạt động của chi nhánh, nhưng những gì đang diễn ra tại đây cho thấy điều ngược lại. Trụ sở chi nhánh được bố trí một vài tủ kính bày biện một ít hàng nghèo nàn, đơn điệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để “dẫn dụ” những người còn bỡ ngỡ về loại hình kinh doanh mới mẻ này.
Hiện nay, dấu hiệu sự đổ vỡ mang tính dây chuyền của mạng lưới Mb24 trên phạm vi cả nước đã diễn ra. Công an một số địa phương đã bắt giữ những đối tượng cầm đầu chi nhánh các tỉnh mà Nghệ An cũng không phải là ngoại lệ và đặc biệt là chỉ thị của Tổng cục VI. Do đây là một lĩnh vực mới, hiện vẫn chưa có hành lang pháp luật, chế tài cụ thể để chấn chỉnh hoạt động phi pháp trên. Vì vậy, trên địa bàn Nghệ An, các cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong việc giám sát từ sớm và nhanh chóng trước sự bùng nổ mau lẹ của hoạt động kinh doanh này. Nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân, thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng vào cuộc, nhằm chấm dứt tình trạng làm ăn bất chính nêu trên.
Ngày 2/8/2012, theo Trung tướng Triệu Quốc Đạt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI) cho biết Tổng cục đã chỉ đạo công an 32 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có văn phòng Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (mb24) đồng loạt khám xét khẩn cấp thu giữ tài liệu để phục vụ công tác điều tra. Cơ quan chức năng xác định những người trong đường dây trên đã lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo người dân nên sẽ xử lý về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226b Bộ luật hình sự.
Tuấn Minh