Hé lộ kinh nghiệm học tiếng Anh tại Liên Xô
Những kinh nghiệm được hé lộ về việc dạy và học tiếng Anh tại Liên Xô, nơi học sinh và sinh viên không có nhiều điều kiện để thực hành ngôn ngữ này.
Học một ngoại ngữ cũng giống như chơi một nhạc cụ. Điều này đòi hỏi thời gian, thực hành, và nỗ lực. Nhưng khi có quyết tâm như vậy mà không có người để cùng tập hành tiếng thì sẽ ra sao? Đó là câu chuyện của hàng triệu học sinh sinh viên Xô viết, những người đã học tiếng Anh mà ý thức rõ rằng mình sẽ chẳng có cơ hội tới những nước nói tiếng Anh hoặc gặp người nói tiếng Anh bản địa tại nước mình.
Năm 1963 có một bộ phim đáng chú ý của Liên Xô tên là “Tôi đi quanh Moscow”, trong đó một nhà văn trẻ đến từ Siberia than phiền rằng mình đang chật vật học tiếng Anh. Cụ thể, nhân vật Volodya Ermakov than vãn: “Học tiếng Anh ở trường trong nhiều năm nhưng tôi vẫn không hiểu nổi một từ tiếng Anh. Một cảnh khác trong bộ phim là một bồi bàn tại một quán cà phê ở trung tâm Moscow bắt đầu buổi sáng bằng một chương trình dạy tiếng Anh trên đầu đĩa nhựa vinyl.
Bộ phim đã phản ánh xu hướng văn hóa thời đó. Vào đầu thập niên 1960, trong thời kỳ “tan băng” (hậu Stalin), việc học tiếng nước ngoài trở thành một phần trung tâm trong chính sách đối ngoại của Liên Xô. Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) của Liên Xô ra một sắc lệnh đặc biệt có tên “Về cải thiện việc học ngoại ngữ”, tạo đà cho phong trào này. Theo sắc lệnh này, Liên Xô đang mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế với thế giới. Do đó, tài liệu nói, việc các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau cũng như dân thường có tri thức về tiếng nước ngoài sẽ đem lại ích lợi.
Các trường học cung cấp các khóa tiếng Anh chuyên sâu bắt đầu nở rộ như nấm trên khắp đất nước. Tuy nhiên hiệu quả thì không rõ ràng cho lắm. Có một số yếu tố cản trở chiến dịch dạy ngoại ngữ này, đó là thiếu thực hành, thiếu đam mê, và thiếu cam kết.
Thường thì trẻ nhỏ học ngoại ngữ nhanh hơn người lớn. Giai đoạn từ năm 1930-1950, tiếng Anh, Đức, và Pháp được dạy như một ngôn ngữ thứ hai tại trường học Liên Xô. Nhưng vì sao học sinh Liên Xô lại không giao tiếp hiệu quả bằng các ngôn ngữ này? Nguyên nhân có lẽ là vì giai đoạn này, giáo viên cố gắng để cho các em học sinh nhồi nhét kiến thức theo kiểu học vẹt chứ không nuôi dưỡng đam mê đối với văn hóa của đất nước nói thứ tiếng đó.
Bà Natalia, 69 tuổi, nhớ lại: “Tôi không muốn học ngoại ngữ nào tại trường cả. Tôi khổ sở lắm, tôi mà nói ngoại ngữ nào đó thì chắc chẳng ai trên thế gian này hiểu nổi tôi. Thật thảm họa”.
Đa số người dân Liên Xô thời đó không được ra nước ngoài và không có cơ hội trau dồi kỹ năng ngoại ngữ của mình. Họ cơ bản không thể giao tiếp bằng tiếng nước ngoài trong môi trường tự nhiên với một người nói bản ngữ. Và rốt cuộc, tiếng Anh của họ cơ bản là một từ ngữ, tương tự như tiếng Latin.
Ngạn ngữ Latin có câu “Scientia potestas est”, có nghĩa là tri thức tạo nên sức mạnh. Chính xuất phát từ điều đó, một người phụ nữ Nga đầy quyết tâm tên là Natalia Bonk đã dốc sức thúc đẩy việc học tiếng Anh trên toàn lãnh thổ Liên Xô. Nhà giáo đầy tâm huyết này đã dành cả đời để quảng bá ngôn ngữ của Shakespeare ở Liên Xô, bà đã tạo ra một cuốn sách giáo khoa tiếng Anh mà về sau trở thành tiêu chuẩn vàng trong ngành dạy tiếng Anh ở Liên Xô.
Điều đáng chú ý là nhà ngôn ngữ xuất sắc này (sinh ra ở Moscow) khi ấy chưa một lần nào bước chân ra khỏi Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh, bà bắt đầu giảng dạy các khóa tiếng Anh tại Bộ Thương mại. Một buổi chiều nọ, một giảng viên cao cấp dự buổi dạy của Bonk. Khi tiết học kết thúc, ông này đã hỏi Bonk là bà đã lấy các bài tập ngữ pháp tiếng Anh từ nguồn nào. Bonk đáp rằng chính mình xây dựng các bài tập đó, vì lúc đó ở Liên Xô đang thiếu sách giáo khoa về tiếng Anh. Ngay ngày hôm sau, Bonk được triệu tập tới chỗ người đứng đầu khóa dạy học này và được yêu cầu viết một cuốn sách giáo khoa mới về tiếng Anh.
Kiệt tác của Bonk ra đời vào năm 1960. Ấn phẩm đầu tiên là do một nhà xuất bản tên là Globus ở Áo xuất bản. Bonk và các đồng tác giả gần như bật khóc khi đón nhận mẻ sách đầu tiên, vì lúc đó sách “nặng như gạch”. “Chúng tôi lúc đó thực sự lo sợ về độ nặng và độ dày của sách, chỉ mong bạn bè mình sẽ mua sạch số sách này”.
Nhưng rồi không ai ngờ tác phẩm 2 tập này (được viết chung với Galina Kotiy và Natalia Lukyanova) lại vượt qua được thử thách của thời gian, trở thành tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực này. Sách đã được tái bản vô số lần kể từ năm 1960. Học sinh sinh viên coi đây là cẩm nang để học tiếng Anh. Ấn phẩm tái bản mới nhất ra lò vào năm 2019 vừa qua và bán chạy như tôm tươi tại các cửa hàng sách hàng đầu tại Moscow.
Vadim, 56 tuổi, nói: “Tôi còn nhớ sách của cô Bonk thời còn học đại học. Tôi mượn sách của một người bạn nhiều năm trước đây và không bao giờ trả lại nữa. Đây là cuốn sách được lật giở nhiều. Vài năm trước, khi tôi đi công tác ở Thụy Điển, tôi đã phải tra cứu qua tập sách dày 900 trang này và thấy sách thực hữu ích. Cuốn sách rất tốt nếu bạn muốn tra cứu nhanh hoặc cần cải thiện ngữ pháp của mình”.
Thành công của giáo trình này có mấy nguyên nhân. Tác giả cuốn sách giải thích như sau: “Sách được viết cho những người nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Các khó khăn xuất hiện trong quá trình học bắt nguồn từ khác biệt trong cấu trúc ngữ pháp của tiếng Nga và tiếng Anh, về cả từ vựng và ngữ âm. Tất nhiên, cũng có nhiều điểm tương đồng giữa 2 ngôn ngữ”.
Vài thế hệ sinh viên Liên Xô đã học tiếng Anh bằng cuốn sách bán chạy nhất của Bonk. Trong một thời gian dài, không có giáo trình nào thế chân được cuốn sách của Bonk về tầm cỡ. Cuốn sách đó đã trở thành một “kinh thánh” cho các học viên Liên Xô.
Học tiếng Anh qua đài BBC
Do thiếu môi trường và phương tiện, một số thanh niên Nga đã cố gắng cải thiện khả năng nói tiếng Anh của mình bằng cách nghe mọi thứ trên các chương trình phát thanh nói tiếng Anh.
Fyodor, 69 tuổi, nhớ lại: “Tôi học tiếng Anh ở trường, nhưng tất cả những gì tôi nói được 8 năm sau đó chỉ là “London là thủ đô Anh Quốc”. Để bù lại thời gian đã mất, tôi nghe đài BBC. Khu nhà nghỉ dưỡng của cha mẹ tôi cách thủ đô khoảng 25km, tín hiệu radio ở đó tốt hơn ở Moscow (không bị gây nhiễu để phá “đài địch” như ở thủ đô). Khi tôi mới nghe BBC, tôi chẳng hiểu nổi dù chỉ một từ. Sáu tháng sau, tôi bắt đầu hiểu dần. Nghe chương trình trực tiếp cuối cùng giúp tôi phát triển năng lực ngôn ngữ”.
Học tiếng Anh qua nghe nhạc Beatles
Phát thanh không phải là nguồn học tiếng Anh duy nhất ở Liên Xô. Một số người học nhận thấy rằng nghe nhạc cũng là cách tốt.
Sergei, 56 tuổi, nhớ lại: “Tôi chẳng có động lực học ngoại ngữ vì tôi khá chắc rằng mình chẳng bao giờ được ra nước ngoài. Mẹ tôi làm ở nhà xuất bản và đã học tiếng Anh hồi những năm 1940 nhưng chẳng bao giờ thực hành tiếng Anh cả. Vấn đề chung ở đây là: Chẳng có ai để bạn giao tiếp với họ bằng tiếng Anh. Tôi không muốn phí thời gian học cái mà tôi không thể sử dụng trong đời thực. Tuy nhiên năm 1975 là một bước ngoặt. Tôi bắt đầu nghe nhạc của ban nhạc Beatles”.
Các sinh viên Liên Xô học tiếng Anh như ngoại ngữ 2 thường nhận định sai lầm rằng học ngữ pháp sẽ mở mọi cánh cửa cho họ. Thực tế, họ gần như không nói được thứ ngôn ngữ này. Tiếng Anh của họ nghe rất cứng nhắc vì cách duy nhất họ học ngôn ngữ này là thông qua sách vở và tài liệu kỹ thuật. Không có chỗ để thực tập các kỹ năng hội thoại thực sự. Họ không xem nổi (và hiểu) một bộ phim tiếng Anh. Hàng triệu công dân Xô viết học tiếng Anh hàng năm trời nhưng không thể giao tiếp bằng tiếng Anh được./.