Giáo dục

Hết thời ‘loạn’ giấy khen trong khen thưởng học sinh

Mỹ Hà 04/01/2025 06:27

“Loạn” giấy khen và khen thưởng là điều khiến nhiều phụ huynh và dư luận băn khoăn mỗi khi kết thúc học kỳ hay năm học. Nhưng với cách đánh giá theo Thông tư 22, tình trạng này đã phần nào được hạn chế nhằm hướng tới khen thưởng thực chất và toàn diện hơn.

Học sinh có nhiều cơ hội để cải thiện điểm số

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngoài điểm thi giữa kỳ và học kỳ, học sinh học môn Ngữ văn sẽ có thêm 4 điểm đánh giá thường xuyên. Trước đây, việc cho điểm chủ yếu thông qua các bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng thì nay có thể được linh hoạt qua những bài tập thực hành như bài tập nhóm, bài tập cá nhân hoặc nếu học sinh hoạt động tốt trong một giờ học, giáo viên cũng có thể khuyến khích cho điểm.

Với cách cho điểm này, cô giáo Nguyễn Thị Giang - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Mai Hùng thị xã Hoàng Mai cũng đã có nhiều thay đổi trong cách đánh giá học sinh: Tôi thường ra bài tập nhóm về nhà để học sinh có thể chuẩn bị trước bài học. Đến tiết học chính thức, từng nhóm có thể lên để trả lời câu hỏi và các nhóm khác sẽ phản biện nhận xét. Qua hoạt động này, học sinh sẽ phát huy được các kỹ năng và giáo viên sẽ đánh giá và cho điểm học sinh một cách toàn diện.

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THCS Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai). Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THCS Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Mỹ Hà

Thay vì chỉ đánh giá theo kết quả học tập, Thông tư 22/2021/TT – BGDĐT quy định việc đánh giá học sinh bậc trung học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện bằng phương thức đánh giá kết quả rèn luyện và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Trong đó, đánh giá kết quả học tập học sinh bằng điểm số có nhiều cách khác nhau, không chỉ đơn thuần qua các bài kiểm tra như trước.

Học sinh Trường PT Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ảnh - Mỹ Hà
Học sinh Trường PT Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Qua 3 năm thực hiện ở bậc THPT, thầy giáo Đậu Nguyên Hùng – giáo viên dạy môn Toán – Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 cho biết: Chúng tôi có nhiều cách để đánh giá kết quả học tập học sinh, ví như qua các hoạt động trên lớp, qua bài kiểm tra hay qua quá trình học tập. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên đánh giá việc học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn để đánh giá năng lực của học sinh.

Với các bài thi giữa kỳ, cuối kỳ, ngoài các bài kiểm tra được ra theo ma trận đề thi, theo hướng dẫn của Sở và của Bộ, chúng tôi sẽ có một điểm số thông qua các dự án học tập. Cách đánh giá mới, theo tôi, có tính tích cực và giúp học sinh cải thiện điểm số.

Giảm "số lượng" nhưng "nâng" chất lượng khen thưởng

Lớp 8C do cô giáo Hoàng Thị Hoài chủ nhiệm không phải là lớp chọn ở Trường THCS Long Lâm (Nam Đàn). Chính vì thế, trong năm học trước dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng tập thể lớp không có học sinh nào được xếp loại học lực giỏi.

Nói về sự thay đổi này, cô giáo Hoàng Thị Hoài cho biết: Trước đây, nếu xếp loại học sinh theo hình thức khá – giỏi, tỷ lệ học sinh được nhận giấy khen mỗi năm lên đến 50 – 60%. Tuy nhiên, theo quy định về cách xếp loại của Thông tư 22, học sinh được xếp loại theo hình thức tốt – khá – đạt – chưa đạt và chỉ có những học sinh có điểm trung bình môn từ 8 điểm trở lên và ít nhất có 6 môn học không dưới 8 điểm mới đạt học lực tốt, nên số lượng học sinh đạt được kết quả này rất ít. Thực tế ở lớp tôi, trong năm học 2023 - 2024, có 3 em đạt điểm trung bình trên 8 nhưng có 1 môn dưới 8 điểm nên các em không được khen thưởng.

Trên toàn trường, cô giáo Nguyễn Thị Phước Nhuận – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Lâm cho biết, hiện hàng năm tỷ lệ học sinh giỏi trở lên của trường chỉ khoảng 10 – 15%, số lượng học sinh đạt kết quả xuất sắc (từ điểm 9 trở lên) rất ít.

Cách đánh giá mới vừa đánh giá học sinh trong quá trình rèn luyện, vừa đánh giá học sinh theo kết quả học tập và toàn diện ở tất cả các môn học nên số lượng học sinh đạt đủ các tiêu chí không nhiều.

Về phía nhà trường cũng xác định, phải đánh giá học sinh theo đúng năng lực, thực chất nên không chạy theo số lượng. Chỉ những học sinh đủ điều kiện thực sự mới được khen thưởng.

bna_mot-tiet-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-mai-hung-thi-xa-hoang-mai-.-anh-my-ha(1).jpg
Các đánh giá mới đòi hỏi học sinh phải phát triển toàn diện. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THCS Nghi Đức (thành phố Vinh), thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Việt Phương cũng thừa nhận, sau khi thay đổi cách đánh giá học sinh theo Thông tư 22, số lượng học sinh được khen thưởng hàng năm giảm một cách đáng kể từ 70 – 75%xuống còn 20 – 25%. Dù kết quả thấp hơn nhiều nhưng qua nhiều năm làm công tác quản lý và nhìn nhận một cách khách quan, thầy Phương cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực.

"Ngay khi Thông tư 22 mới ra đời, chúng tôi đã phổ biến đến phụ huynh, học sinh để các gia đình thấy được tinh thần đổi mới của Thông tư này. Đồng thời, cũng để phụ huynh thấy được, chỉ những học sinh thực sự giỏi, xuất sắc mới được khen thưởng. Điều này, về số lượng có thể ít đi nhưng ngược lại trở thành động lực để học sinh phấn đấu.

Những em được khen thưởng sẽ thấy đây là phần thưởng xứng đáng sau những cố gắng, chăm chỉ. Những em chưa đủ điều kiện sẽ phải cố gắng hơn nữa cả trong học tập và rèn luyện, tránh tình trạng chỉ học một số môn phục vụ cho việc thi vào lớp 10. Thay vào đó, muốn được khen thưởng, các em phải học đều, học tốt tất cả các môn".

Thầy giáo Nguyễn Việt Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Đức (thành phố Vinh)

Năm học 2024 – 2025 là năm học thứ tư thực hiện việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22. Qua đó, nhằm mục đích xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh THPT theo Thông tư 22 cũng cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.

Tiết học của học sinh Trường THCS Nghi Đức, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Tiết học của học sinh Trường THCS Nghi Đức, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Nghệ An, qua hơn 3 năm triển khai việc đánh giá theo Thông tư 22, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, cách đánh giá mới có khá nhiều điểm tối ưu nhằm đánh giá toàn diện học sinh.

Thông tư 22 đánh giá học sinh theo năng lực người học gắn với từng bộ môn theo hướng ghi nhận sự tiến bộ của học sinh.

Vì thế, có nhiều điểm số (điểm thường xuyên), học sinh có nhiều cơ hội, nhiều hình thức khác nhau để được thể hiện và cải thiện điểm số, khác với cách cho điểm cố định như các bài kiểm tra trước đây.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Tiến Dũng cũng so sánh và cho thấy có sự khác nhau trong cách khen thưởng và tặng giấy khen cho học sinh theo Thông tư 22. Đó là trước đây, trong các môn học Toán, Ngữ văn thường được tính điểm hệ số 2, các môn khác tính điểm hệ số 1. Nhưng hiện nay, tất cả các môn học đều tính điểm theo cùng hệ số và học sinh chỉ được khen thưởng khi là học sinh giỏi (điểm trung bình trên 8 và có ít nhất 6 môn trên 8 điểm) và được đánh giá là xuất sắc (nếu điểm trung bình trên 9 và có ít nhất 6 môn trên 9 điểm trở lên). Điều đó, tạo ra sự bình đẳng giữa các môn học, đòi hỏi học sinh phải phát triển đồng đều, toàn diện.

Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng có hướng mở để khen thưởng những học sinh có sự tiến bộ, sự cố gắng “đột xuất” ở một số môn học. Như vậy, vẫn kịp thời động viên, khích lệ học sinh theo đúng thực chất, nhưng vẫn tránh được tình trạng “loạn” hoặc quá nhiều giấy khen như trước đây.

Mới nhất

x
Hết thời ‘loạn’ giấy khen trong khen thưởng học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO