Hiểm họa từ rượu không rõ nguồn gốc

14/05/2014 09:26

(Baonghean) - Bên cạnh các loại rượu có xuất xứ, nhãn mác được tiêu thụ trên thị trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện các loại rượu truyền thống được ưa chuộng. Tuy nhiên, loại rượu “quê” này hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng.

Hiểm họa khôn lường

Lúc 23h ngày 5/5/2014, anh Nguyễn Mạnh Cường, 30 tuổi, trú xã Nghi Hợp huyện Nghi Lộc và kế đó là đêm 6/5, anh Chu Văn Hùng, 38 tuổi, trú tại TP. Hải Dương phải đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng nhức đầu, nôn, được bác sỹ chẩn đoán bị ngộ độc rượu cấp. Vừa trải qua những ngày điều trị, khuôn mặt bơ phờ chưa hết hoảng hốt, bệnh nhân Cường kể lại: “Trong cuộc nhậu với bạn bè tại một quán ăn vỉa hè ở TP Vinh, tôi đã uống loại rượu tự nấu hay còn gọi là rượu “quê”. Uống vào thấy trong người nôn nao, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng và kèm theo mắt mờ choáng váng. Bạn bè đã nhanh chóng đưa tôi vào khoa cấp cứu. Nếu chậm trễ thì không biết giờ này đã xảy ra chuyện gì...”.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, trong năm 2013 có đến 600 trường hợp bệnh nhân cấp cứu liên quan đến rượu phải nhập viện. Bác sỹ Nguyễn Đức Phúc, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, chỉ tính 4 tháng đầu năm 2014 đã có đến 30 ca phải cấp cứu do ngộ độc rượu.

Cơ sở nấu rượu thủ công tại phường Vinh Tân, TP Vinh.
Cơ sở nấu rượu thủ công tại phường Vinh Tân, TP Vinh.

Nói về tác hại của rượu, bác sỹ Nguyễn Đức Phúc, cho biết: Đối với cơ thể, rượu hay cồn được xem như là chất độc. Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu bia là hệ thần kinh trung ương (uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu - là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng với nghiện ma túy), kế đến là gan (xơ gan), rồi đến dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa)... Uống nhiều rượu bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức đạo đức. Khi uống thức uống có cồn, rất nhiều cơ quan trong cơ thể phải làm việc cật lực để giải độc, phá hủy cơ thể người sử dụng một cách ngấm ngầm. Thời gian gần đây, tại khoa đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc rượu pha cồn và ngộ độc rượu chứa độc chất methanol (chất methanol chỉ sử dụng trong công nghiệp, pha chế thành rượu uống vào sẽ dẫn đến mù lòa, tử vong).

Còn thả nổi?

Chúng tôi đến xã Nghi Ân, TP Vinh, một trong những địa chỉ có thương hiệu lâu nay về “rượu nút lá chuối”. Thấy có khách, anh Nguyễn Văn C, xóm 3, đon đả mời chào: “Trong nhà tui khi mô cũng có không dưới 100 lít rượu. Chất lượng rượu ngon, giá lại phải chăng”. Theo anh C, rượu của gia đình anh không chỉ nhập cho các nhà hàng trong thành phố mà còn làm quà cho khách xa. Ngoài gia đình anh ở đây còn có nhiều hộ có truyền thống nấu rượu. Giá mỗi lít rượu bình thường giao động từ 25 - 30 ngàn đồng. Còn rượu ngon có nồng độ cao sẽ có giá cao hơn theo thỏa thuận khách hàng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện xã Nghi Ân có hơn 45 hộ chuyên nghề nấu rượu, chủ yếu bán cho khách hàng quen biết, nhập cho các nhà hàng trên địa bàn xã, TP Vinh và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ngoài hàng chục lò sản xuất rượu thủ công truyền thống ở xã Nghi Phú, chỉ duy nhất Công ty TNHH Thanh Thành Đạt có giấy phép xây dựng lò sản xuất rượu từ sản phẩm rượu Nghi Phú.

Theo giới thiệu, chúng tôi tiếp tục tìm đến các địa chỉ khác là bà Nguyễn Thị Hường, phường Vinh Tân, TP Vinh. Đây là cơ sở thường nhập rượu cho các quán bán đồ nướng trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh). Biết chúng tôi “có ý định” muốn nhập rượu về tiêu thụ, bà Hường đưa ra giá các loại rượu, thấp nhất giá 20 nghìn đồng/lít, cao nhất 35 nghìn đồng/lít. Sau khi hỏi chất lượng các loại rượu trên thị trường với từng loại giá cả khác nhau lại rẻ hơn ở đây, bà Hường tiết lộ có loại men rượu làm bằng men bột xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ cần ủ trong vòng 1 ngày là đã thành rượu chứ không phải mất 10 - 15 ngày như quy trình nấu rượu truyền thống. Tuy nhiên, để mua được loại rượu rẻ đó thì phải mua từ những người bán rong.

Khảo sát thị trường tiêu thụ tại các quán ăn trên đường Nguyễn Văn Cừ, Chợ ẩm thực trong khu Thành cổ, hay đường Hồng Bàng, Phan Đăng Lưu..., nơi tập trung quán ăn uống trên địa bàn TP Vinh, cho thấy hầu hết khách ở các quán này đều dùng rượu “quê” không rõ xuất xứ. Anh Nguyễn Xuân Hồng, chủ một quán chuyên bán đồ nướng trên đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết, khu vực này có khoảng hơn chục quán nhậu hoạt động, cao điểm là từ 17h chiều đến 22h đêm, khách nhậu là người lao động ở mọi miền quê. Trung bình mỗi tuần, anh Hồng nhập khoảng 100 lít rượu trắng của một lò nấu rượu ở huyện Hưng Nguyên mang xuống.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và giúp thị trường tiêu thụ rượu lành mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, tất cả các loại rượu đều phải gắn tem, nhãn và việc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép và nghị định này đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo phân cấp quản lý, Sở Công Thương cấp giấy phép bán buôn rượu, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp quy mô dưới 3 triệu lít/năm chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép bán lẻ rượu và giấy phép sản xuất rượu thủ công. UBND phường, xã cấp giấy xác nhận đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất để chế biến lại… Quy định là vậy, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công không tuân thủ nghiêm túc.

Theo Sở Công Thương, do quy mô sản xuất thủ công nhỏ lẻ, gắn liền với việc chăn nuôi nên các cơ sở nấu rượu thường đặt quá gần với chuồng nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở vật chất tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó không đủ tiêu chuẩn theo quy định để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, năm 2013 đã phát hiện và tịch thu 200 gói men nhập lậu mang nhãn hiệu Trung Quốc và 216 chai rượu ngoại không có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, việc kiểm soát các loại rượu thì các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được. Đối với những hộ nấu rượu có quy mô nhỏ, hoặc những hộ thuộc vùng miền có truyền thống nấu rượu, thì các ban, ngành liên quan vẫn chưa triển khai việc hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, những hộ dân đăng ký sản xuất rượu hợp quy chuẩn, bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm...

Để kiểm tra kiểm soát chất lượng các lò sản xuất rượu thủ công đúng như Nghị định 94, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ từng bước thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND thành phố, thị xã, các huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, vận động người sản xuất thực hiện đúng các quy định và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý cấp phép sản xuất và kinh doanh rượu. Các địa phương cần phải tổ chức giám sát làng nghề, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu để thực hiện đúng thủ tục và điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh những trường hợp đáng tiếc từ rượu giả, rượu kém chất lượng gây ra.

Phạm Ngân

Mới nhất

x
Hiểm họa từ rượu không rõ nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO