Hiến pháp cần súc tích, cô đọng, rõ ràng hơn

11/03/2013 17:40

1. Về cơ bản, chúng tôi cho rằng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp xây...

1. Về cơ bản, chúng tôi cho rằng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp xây dựng công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, tại mỗi điều cụ thể của Hiến pháp nên đặt tên tiêu đề của điều đó là gì để khi đọc đến người đọc dễ hình dung và khi trích dẫn, viện dẫn người đọc, nói, viết có thể chỉ ra cụ thể được. Tránh tình trạng để trống tiêu đề như hiện nay. VD: Tại Điều 12 nên có tiêu đề là: Đường lối đối ngoại của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; Điều 13 nên có tiêu đề là: Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.

2. Về Lời nói đầu: Chúng tôi cho rằng Lời nói đầu trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là hơi dài, chưa thể hiện rõ ý nghĩa của việc ban hành Hiến pháp sửa đổi, còn mang nặng tính diễn giải, chưa thật sự cô đọng, súc tích. Do đó cần viết lại ngắn gọn, súc tích hơn, cần nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là sự kế thừa tinh hoa của các bản Hiến pháp trước đó (năm 1946, 1959,1980, 1992).

Đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là thể hiện sự phát triển của xu thế thời đại, là ý nguyện của nhân dân lao động Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo chúng tôi, trong bản Dự thảo cần viết lại nội dung đoạn 2 và đoạn 4 để ngắn gọn, súc tích, cô đọng hơn. Đồng thời nên có câu dẫn để ban hành Hiến pháp sửa đổi như sau: Nhân dân lao động Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nguyện một lòng xây dựng bản Hiến pháp và quyết tâm thực hiện bản Hiến pháp cho mình như sau.

Theo chúng tôi, việc dẫn câu vào đề như thế nhằm khẳng định mục tiêu và chủ thể của việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với thông lệ của các nước tiên tiến trên thế giới và bản Hiến pháp 1946. Ví dụ: Bản Hiến pháp của nước Mỹ có viết: “Chúng tôi, Nhân dân Hợp chủng quốc, với mục đích thực hiện mục sự liên hiệp chặt chẽ hơn, thiết lập công lý, duy trì an ninh nội bộ, trù liệu cho công cuộc phòng thủ chung, phát triển sự thịnh vượng toàn diện và đảm bảo lợi ích cho chúng tôi và hậu thế của chúng tôi các điều lợi ích của tự do, quyết định và thiết lập bản Hiến pháp này cho Hợp chủng quốc Mỹ Châu”.

Tương tự như vậy, lời nói đầu của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, cũng nói lên mục đích và chủ thể của hiến pháp: “Ý thức về trách nhiệm trước Thượng đế và loài người, với mong muốn gìn giữ hòa bình thế giới với tư cách là một thành viên bình đẳng trong một liên minh Châu Âu, thông qua cơ quan lập hiến của mình, nhân dân Đức đã tự ban hành nên bản hiến pháp này”.

Lời nói đầu của Hiến pháp nước Nhật Bản viết: “Chúng tôi, nhân dân Nhật Bản, đại diện bởi dân biểu Quốc hội, nhất tâm bảo vệ chúng tôi và các thế hệ mai sau, những lợi ích của sự hợp tác an bình với các quốc gia khác và những công trình của nền tự do trong nước, quyết định không chứng kiến những thảm họa chiến tranh do Chính phủ trước đã gây ra, tuyên bố rằng nhân dân nắm giữ chủ quyền và soạn thảo bản Hiến pháp này”.

Nếu làm một phép so sánh chúng ta thấy: Khác với Hiến pháp 1946, các Hiến pháp sau này của năm 1959, 1980 và của 1992 đang hiện hành không nói rõ một cách trực tiếp mục tiêu và chủ thể ban hành.

Cụ thể là: Bằng ngôn ngữ gián tiếp, nhưng Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã thể hiện thành công hơn cả các Hiến pháp sau này khi quy định mục tiêu và chủ thể của hiến pháp. Chủ thể quyền lập hiến theo Hiến pháp 1946 là “quốc dân” (nhân dân), và được thể hiện như sau: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Mục tiêu của Hiến pháp được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 là “độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”.

Qua đó chúng ta thấy được: Lời nói đầu của một bản Hiến pháp của một quốc gia có tầm quan trọng đến mức nào!

3. Về Điều 4: Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: chúng tôi cho rằng trong Dự thảo sửa đổi nên quy định như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Việc quy định như vậy là nhằm khẳng định rõ vai trò, vị trí của Đảng ta trong việc lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong giai đoạn hiện nay, tránh tình trạng hoài nghi và chống phá của các lực lượng thù địch đối với Đảng ta.

4. Về các nội dung khác: Tại Điều 7: tại Khoản 2, Điều 7 sửa đổi cần bỏ cụm từ “bị cử tri hoặc” vì trong thực tế các đại biểu Quốc hội, HĐND chỉ bị Quốc hội hoặc HĐND bãi miễn chứ trên thực tế cử tri chỉ là người đi bầu chứ không trực tiếp bãi miễn các đại biểu này được. Do đó, nên quy định thực tế, chặt chẽ hơn, tránh quy định hình thức như hiện nay. Tại Điều 9: Tại Khoản 3 Điều 9: Tôi đề nghị sửa đổi như sau: thay đổi cụm từ “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…” bằng cụm từ “Nhà nước đảm bảo các điều kiều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chúc thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.

Tại điều 13: Để vừa trang trọng vừa vinh danh cho những tác giả có công lao to lớn, đóng góp đặc biệt quan trọng cho đất nước trong việc sáng tác ra quốc kỳ, quốc ca và quốc huy nên chăng Nhà nước ta nên đưa luôn nội dung tên tác giả vào trong điều này. Ví dụ, Quốc kỳ nước CHXHCN Việt Nam… là của tác giả Nguyễn Hữu Tiến; quốc ca hiện nay là của tác giả Văn Cao.

Tại Điều 21: Việc chỉ quy định “ Mọi người có quyền sống” trong điều này là quá ngắn, chưa thể hiện hết các quyền cơ bản của con người như quyền lao động, học tập, quyền mưu cầu hạnh phúc theo tiến trình chung của nhân loại. Do đó, cần quy định bổ sung tại điều này là: Mọi người có quyền sống, quyền lao động, học tập, quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền sống của công dân có thể bị xem xét, tước bỏ khi công dân phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng bị Toà án nước CHXHCN Việt Nam tuyên án tử hình.

Tại điều 31: Khoản 1 nên quy định thêm là: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc quy định thêm như thế sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ hơn vì trong thực tế không phải vấn đề nào cũng khiếu nại hay tố cáo cả mà ngoài ra còn có phản ánh hoặc kiến nghị. Tại Điều 34, khoản 1 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”. Tôi xin góp ý thêm là: Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật (hoặc trong khuôn khổ pháp luật ). Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo tính chặt chẽ hơn.


Nguyễn Đức Thuận (Sở Y tế)

Hiến pháp cần súc tích, cô đọng, rõ ràng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO