Hiện thực giấc mơ tỷ phú

17/01/2015 09:50

(Baonghean) - Bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, ông Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương đã chinh phục những vùng đồi hoang hóa để lập nghiệp. Ông đã hiện đại hóa giấc mơ tỷ phú với doanh thu từ trang trại trên 16 tỷ đồng/năm.

Chinh phục đồi hoang

Đến thăm trang trại của ông Đặng Anh Tuấn, chúng tôi thật ngờ khi ở vùng bán sơn địa như xã Xuân Sơn (Đô Lương) lại có một vùng rừng sinh thái bạt ngàn cây nguyên liệu, cây ăn quả và những ao, hồ, khe suối đẹp đến vậy. Càng ngỡ ngàng hơn khi thấy ông chủ trang trại quần xắn móng heo “cưỡi” xe hơi bạc tỷ đưa chúng tôi tham quan rừng cây. Ông Tuấn bảo: “Trang trại bây giờ nhìn ngon lành thế, chứ trước đây là những đất trống, đồi trọc, hoang hóa, đến sim mua cũng không thể sống nổi…”. Vừa đi, ông Tuấn vừa kể cho chúng tôi nghe về đời mình và chặng đường gian nan để lập nghiệp.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, cuộc sống lam lũ vất vả nên từ nhỏ, Đặng Anh Tuấn đã ý thức được việc học hành để thoát nghèo. Sau khi tốt nghiệp trung cấp xây dựng tại Hà Nội, anh vào Nam lập nghiệp. Nhưng rồi năm 1990, công ty giải thể, không có việc làm nên vợ chồng anh phải về quê ngoại ở Thanh Hóa. Tại đây, anh cùng vợ vay vốn mở tiệm kinh doanh, nhưng rồi cũng thua lỗ phải dẹp tiệm…

Ông Tuấn đến các trại lợn của các hộ dân để kiểm tra và hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăn nuôi.
Ông Tuấn đến các trại lợn của các hộ dân để kiểm tra và hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Tuấn xuống xe, trầm ngâm cúi xuống bên mô đất cạnh bờ suối: “Ngày đó, tôi chán nản bỏ về quê đi lang thang và ngồi chính chỗ này. Nhìn những đồi núi mênh mông trước mặt, trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ sẽ khai thác vùng đồi này để làm trang trại”. Nghĩ là làm, ông Tuấn đã viết đơn lên xã, lên huyện xin đấu thầu 20 ha vùng đồi này. Khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, ông một mình dựng lều bắt đầu cuộc chinh phục đồi hoang.

Ông Tuấn kể tiếp: “Đó là mùa khô năm 1995, tôi rèn cái xà beng và sắm thêm thuổng, cuốc, thúng mủng để san đồi, đánh ruộng bậc thang với mục đích trồng cây. Đất cứng, một mình tôi làm từ sáng đến chiều, rồi đêm. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, chẳng lúc nào ngơi nghỉ, san chỗ nọ, bù chỗ kia, gánh đất ở ruộng, mương về tạo màu cho đất. Tôi tự ra định mức cho mình là mỗi đêm phải đào cho được 1 hố để trồng nhãn và trồng cây nguyên liệu. Có những đêm, tôi gánh hơn 300 thùng nước leo lên đồi tưới cây…”. Ông Tuấn đưa cái xà beng trong nhà như một kỷ vật cho chúng tôi xem. Anh cho biết, cái xà beng đó đã mòn vẹt đi khoảng 2 gang tay so với lúc ban đầu. Thế mới biết sức lao động của ông bỏ ra thật phi thường.

Như con ong kiên trì xây tổ, cuối cùng hình hài trang trại với hơn 10 ngàn gốc nhãn cũng hình thành. Nhưng rồi ông Tuấn đã đi từ thất bại này sang thất bại khác. 5 - 6 năm đầu trồng nhãn, không hợp chất đất nên cho quả ít, thu hoạch lại gặp lúc nhãn rớt giá, chẳng có thu nhập; chuyển sang trồng lạc, cây lạc cũng xác xơ như cỏ may không cho thu hoạch. Ông Tuấn lại vay vốn xây dựng trang trại nuôi gà quy mô với 10 lò ấp với vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nhưng sắp đến ngày thu hoạch thì gặp dịch cúm, gà chết hàng loạt. Lại lần nữa trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần, ông buồn bã ngồi trên đồi cây rớt nước mắt thẫn thờ suốt 2 ngày đêm không ăn, không uống để ngẫm ngợi về thất bại của mình.

Trở thành tỷ phú

Ông Tuấn trầm ngâm nhớ lại: “Đận đó tôi tưởng sẽ không thể gượng dậy nổi sau những thất bại liên tiếp và nợ nần, nhưng rồi nghĩ lại, mình không nên than thân trách phận mà cố gắng phân tích những thất bại đó để rút kinh nghiệm và tìm hướng đi mới. Dừng lại là tự sát. Trong tôi vẫn luôn mơ ước được như nông dân các nước tiên tiến cưỡi xe hơi thăm trang trại”.

Có lẽ, ước mơ là đôi cánh lúc bấy giờ đã chắp cho ông thêm ý chí và nghị lực vượt qua những thất bại để thực hiện giấc mơ tỷ phú. Năm 2003, ông lại chạy vay mượn khắp nơi để mở đại lý thức ăn gia súc kết hợp với nuôi lợn. Cùng với đó trồng hơn 15ha cây nguyên liệu gồm tràm, keo và đắp đập ngăn suối để nuôi thủy sản với diện tích mặt ao hơn 1ha. Lấy ngắn nuôi dài, dần dần trang trại của ông mở rộng quy mô với 300 con lợn nái, hơn 2000 con lợn thịt, tạo việc làm thường xuyên cho cho 12 nhân công với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, trang trại lợn của ông Tuấn được nuôi bằng quy trình đệm lót sinh học rất sạch sẽ, đã được cấp chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ khâu nước uống, thức ăn, đến môi trường đều sạch. Đó là yếu tố giúp giá thịt lợn của trại luôn cao hơn những nơi khác và được các lò mổ, siêu thị đặt mua với số lượng lớn. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Tuấn cho biết: “Mình lúc nào cũng phải chịu khó đi tham quan để học hỏi các mô hình thành công và phải đọc, xem, nghe mà tiếp thu tiến bộ KHKT vào sản xuất mới hiệu quả. Việc nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập phải đặc biệt chú trọng.

Tất cả phương tiện, công nhân lao động khu vực chăn nuôi đều phải qua khâu khử trùng. Việc xử lý chất thải, nước thải cũng được thực hiện tốt, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, tận dụng khí biogas để chạy máy phát điện, xây dựng riêng phòng thay quần áo cho công nhân và khách tham quan, trang bị mới hệ thống bảo hộ lao động cho công nhân nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho khu trại. Về phòng chống dịch bệnh, trang trại đã chủ động sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế cho việc sử dụng kháng sinh và làm tăng sức đề kháng cho vật nuôi”.

Hiện nay, thu nhập từ trang trại của ông Tuấn rất lớn, giấc mơ tỷ phú đã thành hiện thực. Trong cuốn kỷ yếu của Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4, có những dòng về ông Tuấn thật đáng nể: “Năm 2011, tổng doanh thu của gia đình đạt 16 tỷ 500 triệu đồng, trong đó từ chăn nuôi lợn là 10 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản 150 triệu đồng, dịch vụ thức ăn chăn nuôi 6 tỷ đồng, các dịch vụ khác 350 triệu đồng…”.

Không những làm giàu cho mình, ông Đặng Anh Tuấn còn bỏ tiền, bỏ công ra giúp đỡ bà con xóm 7 cùng làm giàu từ trang trại, giúp đỡ trên 80 hộ chăn nuôi đầu tư con giống, thức ăn không tính lãi với số vốn lưu động hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Sau đó, ông còn nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con. Ông Đặng Ngọc Mão - Xóm trưởng xóm 7 cho biết: “Xóm chúng tôi trước đây nghèo nhất xã, nhưng từ khi có ông Tuấn giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn, bây giờ, thanh niên lớn lên nếu không đi học thì cũng làm trang trại. Sinh viên về nghỉ hè cũng được ông Tuấn tạo điều kiện làm thêm kiếm tiền đi học…”. Ông Nguyễn Viết Thể - Chủ tịch xã Xuân Sơn cho biết thêm: “Vừa qua, ông Tuấn đầu tư hàng trăm triệu đồng giúp đỡ cho 150 hộ trên địa bàn và các huyện bạn xây dựng bể biogas xử lý chất thải, góp phần làm trong sạch môi trường... Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia công tác Hội nông dân, đóng góp ủng hộ quỹ Hội và các hoạt động từ thiện, văn hóa, văn nghệ do địa phương phát động”.

Hỏi về những dự định cho tương lai, ông Đặng Anh Tuấn cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ xây dựng trang trại nuôi lươn và nâng cấp trang trại nuôi lợn hiện đại, lớn gấp đôi bây giờ. Mục tiêu của tôi là tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp họ thoát nghèo và làm giàu. Hai đứa con của tôi đều đã học xong đại học và đang lập nghiệp xa. Nhưng rồi đây tôi sẽ hướng cho cậu con trai trở về tiếp nhận trang trại của bố mẹ, để vừa ổn định kinh tế hộ, vừa có thể cống hiến cho quê hương…”.

Tiến Dũng

Mới nhất
x
Hiện thực giấc mơ tỷ phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO