Hiện thực giấc mơ vươn khơi

13/03/2015 16:10

(Baonghean) - Với ý chí mạnh mẽ cộng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, ngư dân Nguyễn Quốc Trọng đã mạnh dạn vay mượn hơn 11 tỷ đồng để đóng mới chiếc tàu cá vỏ sắt công suất 650 CV. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng vươn khơi, nâng cao giá trị và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

(Baonghean) - Với ý chí mạnh mẽ cộng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, ngư dân Nguyễn Quốc Trọng đã mạnh dạn vay mượn hơn 11 tỷ đồng để đóng mới chiếc tàu cá vỏ sắt công suất 650 CV. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng vươn khơi, nâng cao giá trị và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên

Vào sáng 9/3, gia đình anh Nguyễn Quốc Trọng (xóm Tự Lập, xã Nghi Quang, Nghi Lộc) hân hoan đón chiếc tàu mới về. Đây là chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) bàn giao cho ngư dân ở các địa phương (đơn vị này đang hoàn thành 9 chiếc tàu cá vỏ sắt khác cho ngư dân Nghệ An).

Chiếc tàu nằm trong chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ của Chính phủ trong đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chính sách này sẽ hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, với lãi suất cho vay chỉ 3%/năm. Người đi vay thế chấp thân tàu và được bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra Nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi, bám biển.

Chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên tại Nghệ An của ông Nguyễn Quốc Trọng.
Chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên tại Nghệ An của ông Nguyễn Quốc Trọng.

Theo thiết kế, tàu cá V018 của anh Nguyễn Quốc Trọng có thể bảo đảm hoạt động cho 20 thuyền viên trên tàu dài ngày. Tàu được trang bị máy chính công suất 650HP, 4 tổ máy phát điện, la bàn từ, hệ thống thiết bị GPS, máy đo sâu dò cá, nhiều thiết bị vô tuyến điện... Với đặc thù là tàu chụp mực, do đó tàu được lắp đặt hệ thống đèn gọi gồm 140 bóng đèn cao áp thuỷ ngân công suất 1000W/1 bóng, hệ thống tời thuỷ lực, hệ thống dàn và tay gông cần chụp mực.

Sau 5 tháng thi công, dưới sự giám sát của Trung tâm Đăng kiểm nghề cá thuộc Tổng cục Thuỷ sản, tàu mẫu chụp mực vỏ thép V018 số 1 đã hoàn thành đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, và phù hợp với nhu cầu khai thác cũng như kinh nghiệm đi biển theo dân gian của ngư dân.

Chiếc tàu được thiết kế bởi Công ty CP Kỹ thuật đóng tàu Việt Nam và có sự điều chỉnh một số hạng mục để phù hợp với tập quán khai thác của ngư dân xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Khi thi công tàu, SBIC đã áp dụng công nghệ đóng tàu tiên tiến nhất. Các chi tiết tàu được gia công theo đúng bản vẽ, được cắt trên máy CNC tự động nên tiến độ thi công nhanh và đảm bảo độ chính xác cao.

Việc anh Trọng sở hữu chiếc tàu cá vỏ sắt là tín hiệu đáng mừng trong xu thế hiện đại hóa đội tàu để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ông Chu Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì sự chủ động, mạnh dạn của ngư dân trong việc đóng mới tàu có công suất lớn, đặc biệt là tàu vỏ sắt rất đáng được hoan nghênh và tuyên dương.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với ngư dân khi vay vốn đóng mới tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Đến ngày 6/2, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 66 chủ tàu đủ điều kiện vay đóng mới tàu khai thác xa bờ. Trong đó có 32 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 33 tàu vỏ sắt.

Biến giấc mơ thành hiện thực

Việc anh Trọng làm chủ chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của tỉnh chính là niềm mơ ước được anh ấp ủ nhiều năm. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề biển, từ khi còn trẻ anh đã theo cha ra khơi đánh cá. Bởi thế, biển có thể xem là người bạn, là ngôi nhà thứ 2 đối với anh. Lớn lên, anh đi làm thuê cho nhiều chủ tàu khắp các vùng biển từ Vịnh Bắc bộ đến Quảng Bình. Các chủ tàu và bạn thuyền đều đánh giá anh là một thuyền trưởng cừ khôi, nhạy bén và xử lý tình huống tốt. Hết tàu này anh lại được các chủ tàu khác mời về làm thuyền trưởng. Thế nhưng không ai biết được rằng, mỗi lần đi biển về, tâm trạng của anh Trọng lại ao ước được làm chủ một chiếc tàu của mình để có thể ra khơi đánh bắt.

Buồng lái được thiết kế rộng rãi với nhiều thiết bị như la bàn, hệ thống GPS, thiết bị vô tuyến điện
Buồng lái được thiết kế rộng rãi với nhiều thiết bị như la bàn, hệ thống GPS, thiết bị vô tuyến điện

Nguyện vọng của anh, từ lâu nay được vợ con và bố mẹ ủng hộ. Ngặt nỗi, để đóng một chiếc tàu có công suất lớn vươn khơi phải cần đến số vốn từ 4 - 5 tỷ đồng. Số tiền dành dụm, chắt bóp hàng năm trời, vay mượn ngân hàng, bạn bè cũng không thể đáp ứng được. May mắn đến với anh Trọng khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, với lãi suất cho vay chỉ 3%/năm. Không bỏ lỡ cơ hội, anh Trọng làm hồ sơ và được phê duyệt. Tổng giá trị con tàu là 11 tỷ đồng, trong đó bản thân anh đóng 3 tỷ đồng, số còn lại được xét duyệt vay vốn với lãi suất ưu đãi. Riêng hệ thống máy được anh đặt mua mới từ Nhật Bản với giá trị 2 tỷ đồng.

Chia sẻ về lý do chọn tàu vỏ sắt để khởi nghiệp, anh Trọng cho biết: “Trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết trên biển vô cùng phức tạp. Tàu vỏ gỗ tuy đã quen với tập quán sản xuất của ngư dân nhưng độ an toàn không cao. Với quyết tâm đột phá, tôi mạnh dạn tham gia dự án đóng tàu vỏ sắt. Mặc dù kinh phí để đóng tàu cao hơn rất nhiều so với đóng tàu vỏ gỗ truyền thống, nhưng dùng vỏ sắt sẽ an toàn và bền vững hơn. Nếu bảo quản tốt con tàu này sẽ sử dụng trong 20 năm. Không chỉ vậy, điều anh Trọng đặt quyết tâm khi có tàu vỏ sắt thì có thể vươn khơi, đến những ngư trường rộng lớn như Hoàng Sa, Trường Sa, vừa phát triển kinh tế, đồng thời cùng các đội tàu tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ngày 11/3, anh Nguyễn Quốc Trọng cùng các thuyền viên đã chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm và xuất hành ra khơi trong vòng 10 ngày với hy vọng “cá, mực đầy khoang”...

Phạm Bằng

Mới nhất
x
Hiện thực giấc mơ vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO