Hiệp định FTA giữa VN- EU sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp VN
Hiện nay, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Lộ trình đàm phán sẽ có tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nói riêng.
Xuất nhập khẩu hưởng lợi từ hiệp định
Trong những năm qua, EU là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu (mà chủ yếu là EU) đã tăng gấp 3 lần từ 5,621 tỷ USD năm 2005 lên 15,446 tỷ USD năm 2010. Thuế suất trung bình EU áp lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam khoảng 4,1% và thuế quan bình quân theo trọng số là 7%. Một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam bị áp thuế cao hơn mức trung bình như: hàng may mặc (11,17%), thủy hải sản (10,8%), giày dép (12,4%)…
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng khi Việt Nam và EU ký kết FTA.
Tuy nhiên, sau khi hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết thì Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan khi EU cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Việc dỡ bỏ thuế quan trên phần lớn các hoạt động thương mại trong khuôn khổ FTA sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi thế quan trọng so với các đối thủ cạnh tranh khác cùng xuất khẩu vào EU. Những ưu đãi này sẽ giảm những bất lợi về thuế so với các nước khác (các quốc gia châu Âu- Địa Trung Hải, các nước kém phát triển) đồng thời duy trì vị thế cạnh tranh với các đối tác FTA khác của EU.
Tại hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do với EU” tổ chức ngày hôm qua (7/4), Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhận định: Trên thực tế, việc giảm thuế chỉ làm chuyển luồng thương mại, nhập khẩu từ EU tăng lên, các thị trường khác có thể giảm nếu giá cả cạnh tranh. Việc chuyển luồng thương mại sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu công nghệ nguồn, giảm sai lệch về cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ hơn từ châu Âu. Bên cạnh đó, EU sẽ xuất khẩu vào Việt Nam các dịch vụ chất lượng cao và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên có khả năng cạnh tranh cao hơn trong dài hạn
Tăng sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam
Song hành cùng các cơ hội mà FTA với EU mang lại, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Thị trường EU là một thị trường khá khó tính với những yêu cầu rất cao về chất lượng hàn hóa, tiêu chuẩn môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ… Những biện pháp, rào cản kỹ thuật luôn là những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong khi đó, tâm lý sử dụng hàng ngoại của đa phần người tiêu dùng còn khá phổ biến và chất lượng hàng nội cũng như giá cả còn thiếu sức cạnh tranh. Do vậy, ngay trên chính thị trường nội địa, chúng ta có thể bị sức ep cạnh tranh do hàng điện tử, ô tô, xe máy, máy móc thiết bị… nhập từ EU.
Bên cạnh đó, dịch vụ sẽ là lĩnh vực nhạy cảm và sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Đây lại là lĩnh vực EU rất mạnh. Theo cam kết trong WTO, nhiều lĩnh vực của Việt Nam đã mở cửa khá rộng, chấp nhận cho các doanh nghiệp nước ngoài lập chi nhánh và công ty 100% vốn tại Việt Nam (dịch vụ tài chính, phân phối…). Đối với các dịch vụ chưa cam kết trong WTO, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là EU yêu cầu những gì và Việt Nam chấp nhận ở mức nào.
Theo ông Trương Đình Tuyển, các doanh nghiệp cần có được tham gia đầy đủ từ khâu chuẩn bị, quá trình đàm phán và thực thi FTA. Trước hết, doanh nghiệp nên có sự điều tra, khảo sát tỉ mỉ đối với thị trường đối tác để tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ xác định được cho mình những bước đi hợp lý trong quá trình đàm phán cũng như dữ liệu xây dựng quy hoạch. Một hệ thống thông tin hiệu quả, đầy đủ, chính xác và kịp thời là điều cần thiết cho các doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng các công cụ có giá trị gia tăng cao hơn như: các kênh phân phối tại EU, tạo dựng một thương hiệu quốc gia…
Lộ trình đàm phán và ký kết FTA sẽ là một dấu mốc quan trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và EU. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện để sẵn sàng nhập cuộc.
Theo Công Thương