"Hiệp sỹ" trên sông Lam

07/05/2015 20:27

(Baonghean) - Với vóc dáng nhỏ bé, lại thường hay ngại ngùng mỗi khi giao tiếp với người lạ, ít ai nghĩ rằng anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1970) là ân nhân cứu mạng của mấy chục người trên dòng sông Lam khi họ chẳng may gặp nạn, chìm dưới dòng nước. Được chứng nhận là “Hiệp sỹ giao thông”, nhưng với Sáng, niềm vui cứu người lớn hơn tất thảy, ngay cả khi có người nhắc anh về lời nguyền sông nước “cứu mạng người khác là thuỷ thần sẽ bắt mình”.

Người con của sông nước

Hỏi nhà “Hiệp sỹ” Nguyễn Văn Sáng, người dân xóm 7, xã Thạch Sơn (Anh Sơn) chỉ dẫn một cách tận tình. Ngôi nhà của anh nằm chênh vênh bên mép sông Lam, đêm khuya thanh vắng có thể nghe tiếng dòng sông thầm thì. Người đàn ông ấy bộc bạch khi mở đầu câu chuyện: “Tôi sinh ra trên dòng sông, rồi lớn lên từng ngày theo sự lên xuống của con nước, đến bây giờ vẫn không thể rời bỏ mặt sông. Có lẽ, với tôi dòng sông là máu thịt, là sự sống...”.

Anh Nguyễn Văn Sáng hàng ngày mưu sinh trên chiếc thuyền chài đơn sơ
Anh Nguyễn Văn Sáng hàng ngày mưu sinh trên chiếc thuyền chài đơn sơ

Nguyễn Văn Sáng cất tiếng khóc chào đời trên một chiếc thuyền nhỏ bập bềnh trên dòng sông Lam, đoạn chảy qua địa phận xã Nam Tân (Nam Đàn). Đây cũng chính là quê hương của anh, là nơi đời ông, đời cha của anh sinh sống và gắn bó, là chốn trở về sau mỗi chuyến mưu sinh. Nhà đông anh em, trên 10 người, nên việc kiếm ăn hàng ngày rất đỗi khó khăn, từ khi còn rất nhỏ đã chia người theo cha, người theo mẹ hàng ngày bươn chải giữa dòng sông để mưu sinh. Khi đầu còn để chỏm đến lứa tuổi thanh niên, anh Sáng thường theo cha xuôi ngược dòng Lam quăng chài, đánh cá.

Từ Nam Đàn, thuyền xuôi về Bến Thủy (Thành phố Vinh), rồi ngược lên mạn Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương - nơi dòng Lam khởi nguồn. Cũng có khi từ ngã 3 Cây Chanh (xã Đỉnh Sơn - Anh Sơn), cha con anh ngược sông Con lên Tân Kỳ để câu tôm, chài cá. Nói vậy để thấy rằng, với người đàn ông này, dòng sông Lam đã trở nên rất đỗi thân thuộc từ chốn thượng nguồn là ngã 3 Cửa Rào cho đến tận phía hạ nguồn là vùng Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò). Cho đến một ngày, bố con anh đang neo thuyền nghỉ ở bến sông thuộc địa phận xóm 7, xã Thạch Sơn (Anh Sơn), nghe tiếng chuông nhà thờ xứ đạo Lãng Điền.

Tiếng chuông gợi lên sự thanh bình và thân thương, là một con chiên nên anh Sáng quyết định lên bờ để tìm đến chốn bằng an, tĩnh tại và nguyện cầu Đức Chúa chở che. Và rồi nơi đây trở thành chốn ghé chân thường xuyên trong hành trình ngược xuôi để mưu sinh. Đó cũng chính là nguồn cơn giúp Nguyễn Văn Sáng gặp gỡ, cảm mến và nên duyên với một cô gái xứ đạo Lãng Điền có tên là Thái Thị Hồng (SN 1973). Sau khi cưới, vợ chồng anh được bố mẹ vợ cho thửa đất cạnh mép sông để dựng nhà và tìm kế sinh nhai. Dựng nhà cửa trên bờ nhưng việc mưu sinh hàng ngày của Nguyễn Văn Sáng vẫn ở trên sông nước, chiếc thuyền chài nhỏ và các loại ngư cụ vẫn gắn bó và thủy chung với anh. Hơn 20 năm neo đậu ở vùng đất này, anh Sáng và vợ đã dựng được ngôi nhà khá kiên cố, cuộc sống gia đình cũng ngày một no đủ hơn.

Trên hành trình rong ruổi mưu sinh, niềm vui và nỗi buồn của Nguyễn Văn Sáng vơi đầy theo con nước. Lòng chợt phơi phới khi được thấy cảnh bến sông yên bình, đồng bãi tốt tươi, xóm làng trù phú. Và mỗi khi sông nước cuồn cuộn, nhấn chìm hết bãi bờ, cây cối, lòng anh cũng không tránh khỏi nỗi lo âu, thấp thỏm. Trên hành trình ấy, anh Sáng không ít lần chứng kiến cảnh thương tâm khi dòng nước nhấn chìm những chiếc thuyền, bè mong manh và những phận người bị “thủy thần” cướp đi mạng sống. Mỗi lần chứng kiến, Nguyễn Văn Sáng luôn cố gắng tìm cách cứu sống những người sắp sửa bị dòng nước nhấn chìm và cuốn trôi.

Cho đến nay, anh không thể nhớ nổi mình đã ra tay cứu sống bao nhiêu người sắp chết đuối. Bởi lẽ, khi thấy người gặp nạn, anh liền tiếp cận đưa họ lên bờ, hô hấp nhân tạo xong lại tiếp tục hành trình mưu sinh, không hỏi han địa chỉ, cũng không để lại tên tuổi để người bị nạn có dịp tạ ơn. Nhưng anh không thể quên cách đây 26-27 năm, khi cùng cha đi thuyền qua một bến sông giáp ranh giữa Nam Đàn và Thanh Chương chợt có 2 chiếc thuyền khách va vào nhau rồi chìm dần giữa dòng nước xiết. Nghe tiếng kêu cứu, hai cha con anh lập tức chèo thuyền đến tận hiện trường và lần lượt đưa được 44 người vào bờ an toàn, chỉ có 2 người không được cứu sống do bị nước cuốn trôi quá xa. Cũng như bao lần khác, khi đưa mọi người vào bờ, tính mạng không còn nguy hiểm, hai cha con lại tiếp tục xuôi ngược dòng sông để buông lưới, quăng chài.

Công việc hàng ngày của Nguyễn Văn Sáng là quăng chài, buông lưới
Công việc hàng ngày của Nguyễn Văn Sáng là quăng chài, buông lưới

“Thương người như thể thương thân”

Có cảm giác như Nguyễn Văn Sáng sinh ra để làm nghề chài lưới và cứu người bị nạn trên sông. Bởi, chỉ tính từ khi lập gia đình và sinh sống trên đất Anh Sơn, anh đã cứu được 16 người khỏi bị chết đuối, hầu hết là người ở xã Thạch Sơn (10 người). Một đêm vào năm 2006, trời đang lặng gió bỗng dưng mây kéo về đen kịt, gió nổi ầm ầm báo hiệu một cơn lốc đang tràn về. Nhớ đến chiếc thuyền dưới bến sông, anh vội chạy xuống để neo chặt, đề phòng bị gió lốc cuốn phăng.

Vừa xuống đến chỗ neo thuyền, anh Sáng nghe tiếng một chiếc thuyền máy đang chạy ngược sông rồi bỗng dưng tiếng máy ngừng bặt, tiếp đến là tiếng kêu cứu thất thanh vọng từ giữa dòng. Lúc này, gió đã thổi mạnh, nước sông cuộn lên nhanh, Nguyễn Văn Sáng gọi thêm một người bạn và quyết định lái thuyền ra cứu. Màn đêm đen kịt, bằng cảm quan của mình, anh lần theo tiếng kêu thất thanh và kéo lên được 2 người. Tiếng kêu cứu lại vẳng ra giữa dòng nước chảy xiết, anh tiếp tục tiến lại và kéo thêm được 2 người nữa lên thuyền và chạy thẳng vào bờ. Hô hấp nhân tạo xong, anh Sáng lại chạy đến nhà một y sỹ trong xóm đến để sơ cứu cho người gặp nạn và lo cơm cháo để giúp họ lấy lại sức lực, tinh thần.

Năm 2008, vào lúc anh đang chài cá trên sông, Nguyễn Văn Sáng nhìn thấy một chiếc thuyền thúng từ bờ bên kia bắt đầu tiến sang, trên thuyền chở 4 người và mấy bó cỏ. Ra giữa dòng, chiếc thuyền thúng chìm dần, những bó cỏ dạt trên sông, 4 người bỗng dưng không còn thấy tăm dạng. Biết đã xẩy ra việc chẳng lành, anh liền lái thuyền đến chỗ chiếc thuyền thúng bị nạn, không còn người nào nổi trên mặt sông. Bằng kinh nghiệm của mấy mươi năm làm nghề chài lưới và từng được người cha truyền cho, anh lần theo bóng tăm nổi trên mặt nước rồi lặn xuống tìm người bị nạn. Cuối cùng, anh đã kéo lên được một lúc 4 người đang níu lấy nhau giữa sông và đưa họ lên thuyền chở vào bờ. Công việc tiếp theo là hô hấp nhân tạo và gọi bác sỹ đến cứu chữa. Những người bị nạn đều là hàng xóm của anh Sáng, giờ họ đã lập gia đình riêng và sinh con đẻ cái, không một ai quên ơn cứu mạng của người đàn ông làm nghề chài lưới trên sông.

Vào một chiều mùa Đông năm 2011, đang đánh mẻ lưới cuối cùng trên sông anh Sáng chợt nhìn thấy phía dưới một đoạn có một chiếc thuyền đang chòng chành và phía mũi đang chìm dần. Quăng tấm lưới, anh liền phóng thẳng tới vị trí chiếc thuyền gặp nạn và kéo lên một lúc được 5 người đang chìm dần xuống lòng sông. Mặc cho gió buốt và nước sông lạnh cóng, anh Sáng vẫn quyết định nhảy xuống để kéo người còn lại lên thuyền của mình. Cả 5 người đều được đưa vào bờ trong tình trạng ngất xỉu, một phần vì uống nước quá nhiều, một phần vì nước sông quá lạnh buốt. Họ đều là những người hàng xóm của anh Sáng, trong đó gia đình bà Hồ Thị Lý có tới 3 người gặp nạn. Ông Thái Bá Thục- chồng bà Lý nhớ lại: “Chiều hôm ấy trời rét lắm, tôi ở nhà để lát nền, 3 mẹ con sang bên kia sông lấy lá mía về làm thức ăn cho trâu. Chiều muộn không thấy về, tôi nóng ruột chạy ra sông xem thế nào, được nửa đường thì hay tin đã gặp nạn và được anh Sáng cứu. Gia đình tôi không bao giờ quên được ơn nghĩa này”.

Nguyễn Văn Sáng và bà Phan Thị Mai (người từng được anh cứu sống)
Nguyễn Văn Sáng và bà Phan Thị Mai (người từng được anh cứu sống)

Cũng đi trên chiếc thuyền gặp nạn ấy, bà Phạm Thị Mai giờ đây vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng: “Cái lần chết hụt ấy mãi ám ảnh trong tôi. Ngỡ rằng tôi đã gần với cái chết lắm, ấy vậy mà... Được cứu sống, trở về với gia đình là điều vô cùng may mắn, tôi luôn biết ơn anh Sáng và coi như anh đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Có một điều đặc biệt, khi được cứu sống, nhiều người đem quà tới để tạ ơn nhưng Nguyễn Văn Sáng nhất định chối từ, cho dù cuộc sống chưa thể nói là đã hết những khó khăn, vất vả. Vì thế, anh càng được đón nhận nhiều hơn sự kính trọng và yêu thương của những người xung quanh. Anh Sáng tâm sự: “Thông thường, người dân vạn chài thấy người gặp nạn trên sông không mấy ai dám cứu, vì từ rất lâu cư dân chài lưới có quan niệm mạng đổi mạng, cứu người khác thủy thần sẽ bắt mình.

Nhưng tôi luôn hành động theo lương tâm của mình và theo lời dạy bảo của Chúa trời: Thương người như thương chính mình. Thấy người gặp nạn, tôi không thể làm ngơ...”. Và tấm lòng nhân ái, vị tha, sẵn sàng xả thân cứu người gặp nạn của anh Sáng đã được truyền lại cho con trai đầu là Nguyễn Văn Khánh (SN 1996). Cách đây khoảng 2 tuần, một cô bé hàng xóm mải chơi dưới bến sông và không may sẩy chân, rồi chìm nghỉm. Nghe tiếng kêu cứu, Khánh vội chạy từ nhà xuống và lặn xuống sông để tìm. Một lúc sau, cô bé hàng xóm được Khánh đưa lên bờ trong tình trạng ngất xỉu. Nhưng rất may, nhờ cấp cứu kịp thời nên em đã được cứu sống...

Tạm biệt anh Nguyễn Văn Sáng chúng tôi dõi theo chiếc thuyền chài đơn sơ đang neo đậu. Anh tất tả chuẩn bị cho chuyến giăng câu, quăng chài đêm nay, để mong sáng sớm hôm sau trở về có vài cân cá nhỏ cho vợ đi chợ, kiếm về vài trăm ngàn đồng để trang trải cuộc sống gia đình. Trang trọng nhất trong căn nhà đơn sơ của anh, ấy là những tấm Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và cả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ở đó, còn có Giấy chứng nhận “Hiệp sỹ giao thông” do chương trình Total trao tặng cho Nguyễn Văn Sáng.

Công Kiên

Mới nhất
x
x
"Hiệp sỹ" trên sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO