Hiểu biết về phô mai

29/10/2013 09:30

Phô mai từ trước đến nay được công nhận không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là “vua dinh dưỡng” bởi rất giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của trẻ, đồng thời lại là món ăn dễ dàng kết hợp với các loại thực phẩm khác kích thích trẻ thèm ăn, thêm phần ngon miệng và dễ tiêu hóa.

Tuy nhiên nếu cho con ăn quá nhiều loại “vua dinh dưỡng” cũng không tốt cho sự tiêu hóa của trẻ.

1. Phô mai thì có "chất" gì?

* Ưu

Chất đạm: Lượng đạm trong phô mai rất cao, chiếm gần 25% tổng giá trị dinh dưỡng nên phô mai là nguồn cung cấp đạm dồi dào cho khẩu phần ăn, tương đương với thịt, cá, trứng,…

Giàu canxi: Theo nghiên cứu của các chuyên gia lượng canxi có trong phô mai nhiều gấp 100 lần có trong các loại thịt. Do đó phô mai cũng đóng vai trò bổ sung canxi rất tốt cho trẻ

Chất béo và năng lượng: So với các loại thực phẩm cùng nhóm, phô mai có lượng chất béo nhiều gấp 3 lần vì vậy năng lượng cung cấp cũng nhiều hơn gấp đôi. Một miếng phô mai tam giác nặng trung bình 15gr có giá trị dinh dưỡng tương đương với 100ml sữa tươi đấy nhé.

* Nhược

Nhiều cholesterol và rất ít chất sắt: “Vua dinh dưỡng” cũng có nhược điểm các mẹ nhé. Giàu cholesterol không có lợi cho sức khỏe. Nghèo chất sắt cũng vậy. Vì vậy cho trẻ ăn liên tục, ép trẻ ăn phô mai hàng ngày cũng là điều không tốt chút nào.

Mẹ không nên lạm dụng cho trẻ ăn phô mai (ảnh minh họa)
Mẹ không nên lạm dụng cho trẻ ăn phô mai (ảnh minh họa)

2. Lưu ý khi cho bé ăn Phô mai

Chính vì rất giàu dinh dưỡng như vậy nên mẹ cần lưu ý những điểm sau khi cho trẻ ăn phô mai:

- Mấy tháng thì bé ăn được phô mai

Do phô mai, bơ và các thực phẩm cùng loại được sản xuất từ sữa bò, có khá nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm nên cho bé làm quen với phô mai. Các chuyên gia dinh dưỡng ở Anh thì cho rằng, khoảng 6 tháng tuổi là bé có thể ăn được phô mai. Nhưng một số chuyên gia ở Mỹ lại gợi ý, cha mẹ chỉ nên cho bé làm quen với món ăn này khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Ngoài ra, một số ít cho rằng, do phô mai thuộc nhóm sản phẩm từ sữa bò nên chỉ an toàn cho bé 1 tuổi trở lên (vì khả năng gây dị ứng cho nhóm bé có cơ địa mẫn cảm với sữa bò).

- Phô mai không thể thay thế thịt, cá để nấu bột, cháo cho bé

Mặc dù phô mai được mệnh danh là “vua dinh dưỡng” rất nhiều chất đạm, chất béo và canxi nhưng lại không hàm chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Vì thế mẹ chỉ nên cho con ăn phô mai như một bữa ăn phụ chứ không thể thay thế hoàn toàn sữa, thịt, cá,… để nấu bột, nấu cháo cho bé.

Vì thế, mẹ nên cho con ăn Phô mai như một bữa phụ, hoặc kết hợp với các sản phẩm khác như: phết vào bánh mì, trộn vào bột, cháo… để vừa bổ sung thêm năng lượng, vừa có các vitamin, chất khoáng từ nguồn thực phẩm khác trong bát cháo.

- Không thể kết hợp phô mai bừa bãi

Mẹ đặc biệt lưu ý đừng kết hợp phô mai với các thực phẩm khác như cua, lươn, rau mồng tơi hay rau dền vì sẽ khiến bé dễ bị đau bụng. Nhóm thực phẩm có thể kết hợp với phô mai kích thích sự ngon miệng cho bé là khoai tây, cà rốt, thịt bò, thịt gà,…

- Không nên cho bé ăn phô mai trước bữa ăn

Vì phô mai giàu chất dinh dưỡng nên nếu mẹ cho bé ăn ngay trước bữa ăn bé sẽ no và bỏ bữa ăn chính. Ăn phô mai trước khi đi ngủ cũng thường khiến bé đầy bụng và khó ngủ hơn.

- Bảo quản phô mai như thế nào?

Phômai có thể được dự trữ trong ngăn mát của tủ lạnh. Không nên dùng túi nilon để bọc những viên phômai đang ăn dở vì chất béo trong phômai có thể dính vào những hóa chất độc hại có trong túi nilon.

Theo Khám phá

Mới nhất
x
Hiểu biết về phô mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO