Hiểu đúng hơn món ăn “Hò mọc" của người Thái ở Nghệ An

23/03/2008 18:30

Ngày 20/2/2008 Nghệ An điện tử có đăng bài “Họ mọc trong mâm cơm ngày tết của đồng bào Thái Nghệ An”. Trong bài viếtcó một số chi tiết chúng tôi muốn nói lại để bạn đọc hiểu đúng hơn.


Tác giả viết: “Những ngày tết nguyên đán, trong bữa cơm tiếp khách hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An từ mường trên bản dưới, ngoài những món ăn với xôi nếp nương ém chặt trong típ như Pá pình (cá nướng) thịt lợn nướng lá bưởi, cá chua… cùng những loại bánh gói bằng nếp dành làm quà mừng tuổi cho con trẻ như bánh sừng trâu, bánh họ cà tôm (loại bánh gói bằng nếp hình vuông không nhân, chỉ nhỏ như chiếc nem chua xứ Thanh) nhất khoát không thể thiếu Họ mọc - một loại đồ ăn đặc trưng chỉ có ở người Thái, rất bổ dưỡng và cũng rất dân giã”.


-Chi tiết thứ nhất: cá chua là món nhắm rượu chứ không ăn với xôi, nếu không được chưng lên.


-Chi tiết thứ hai: tác giả đã nhầm lẫn khái niệm của từ.


Người Thái phát âm là “Hò cà tôm” hoặc “Hò moọc”chứ không phải “Họ cà tôm” và “Họ mọc”. “Hò cà tôm” là khái niệm chỉ loại bánh chưng nói chung, chứ không phải tên riêng một loại bánh; còn bánh sừng trâu, sừng bò, tôm pê, cọn tụ lại là tên các loại bánh. Bánh chưng của người Thái có nhiều loại như đã nói, gồm: Cà tôm háu ngua (Bánh chưng sừng bò), cà tôm háu quai (Bánh chưng sừng trâu), cà tôm cọn tụ (Bánh chưng hình gậy), cà tôm pê (Bánh chưng để trẻ bế sau lưng)…


- Còn bánh chưng hình vuông chỉ nhỏ bằng cái nem chua xứ Thanh thì tác giả nói quá lên thôi, vì chưa ai gói loại bánh chưng nhỏ như thế cả !


- Còn “ moọc” chứ không phải “Họ mọc”.


Hò mọc được bà con người Thái cho là món ăn độc đáo của dân tộc mình, sau này các dân tộc khác như Mông, Khơ Mú, Thổ…cùng chung cộng đồng cũng theo cách này mà chế biến món ăn và cũng thấy hợp khẩu vị. Hò moọc không chỉ gói bằng lá dong (nhưng ít khi người ta gói bằng lá dong vì dễ bị nứt, khi hò moọc chín sẽ phèo ra), bà con thường gói bằng lá chuối – “Hò moọc” nghĩa là “Gói moọc” chứ không phải tên của loại thức ăn như tác giả hiểu. Trước khi gói moọc, lá chuối được hơ lửa cho mềm để tránh nứt, chồng nhau vài ba lớp, sau đó cho các thứ đã trộn sẵn như bột gạo tẻ, có pha chút hạt nếp cho dẻo, thịt cá, gia vị và các loại nấm (Đặc biệt nhất là nấm Hết bi) rồi dùng lạt buộc túm thành cái chóp mới cho vào nồi nấu cách thuỷ hoặc chõ để hông. Chế biến món ăn này phải gói để hông chín mới là hò moọc.


-Tác giả viết: "...gạo tẻ được giã nhỏ trong chiếc loỏng...". Loỏng là vật dụng có hình máng, chỉ có tác dụng giã lúa thành thóc chứ không thể giã gạo thành bột được. Gạo được cho vào cối (Tức Bùa chộc) mới giã được…

Dẫu sao chúng tôi vẫn rất hoan nghênh tác giả đã khen ngợi một món ăn độc đáo của bà con người Thái, tuy còn một vài sự nhầm lẫn trong khái niệm hoặc do nghe phát âm không chuẩn như đã nói trên, nhưng người viết đã có sự đam mê tìm hiểu, có cái tâm giới thiệu về nét văn hoá ẩm thực của đồng bào vùng Tây bắc Nghệ An. mà vấn đề này còn ít người sưu tầm và giới thiệu để cộng đồng các dân tộc cùng hiểu nhau hơn.


Bạn đọc mong sẽ tiếp tục được biết nhiều hơn trong kho tàng văn hóa các dân tộc nói chung, nhất là văn hóa ẩm thực ở Miền Tây Xứ Nghệ.


Châu Tử Lang - Đài PTTH Nghệ An

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Hiểu đúng hơn món ăn “Hò mọc" của người Thái ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO