Hiệu may đặc biệt

21/04/2014 17:34

(Baonghean) - Ở ngõ cuối cùng của xóm 17, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành có một hiệu may âu phục nam, nữ do những người câm điếc đảm nhiệm. Chủ hiệu là chị Nguyễn Thị Duyên. Những người thợ may giao tiếp với nhau bằng ký hiệu, đặc biệt qua ánh mắt...

Trong cái nắng oi bức đầu hè, chúng tôi cùng cán bộ Mặt trận xã Sơn Thành tìm đến hiệu may đặc biệt của một gia đình kém may mắn. Đặc biệt bởi lẽ, chủ hiệu may và những người thợ ở đây phần lớn là câm điếc. Họ giao tiếp với nhau bằng ký hiệu nên chúng tôi không hiểu chuyện, phải nhờ đến “phiên dịch viên” là bà Vũ Thị Bốn mẹ của chị Duyên.

Chị Nguyễn Thị Duyên cắt may quần áo cho khách.
Chị Nguyễn Thị Duyên cắt may quần áo cho khách.

Bà Bốn cho biết: Ông Nguyễn Quang Vinh, chồng bà, đi bộ đội năm 1966, tham gia chiến trường phía Nam. Năm 1974, ông về quê với thương binh hạng 3/4, lập gia đình. Từ năm 1975 đến 1987, vợ chồng sinh được 4 người con, 1 trai, 3 gái. Nhưng oái oăm thay, cả 3 người con đều bị câm, điếc bẩm sinh. Chỉ có đứa con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Nguyên nói đớt. Thấy sức khỏe của mình có nhiều biểu hiện bất thường, mãi đến cuối năm 1990, ông Vinh mới đi khám và biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau ấy đã để lại di chứng cho những đứa con vô tội của vợ chồng ông. Vì câm điếc, nên 3 đứa con không thể theo học văn hóa ở trường làng, mặc dù đứa nào cũng ham học. Do vậy, lần lượt khi con lên 10 tuổi, ông bà gửi vào Trường dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh.

Ra trường, Duyên nhận làm thuê cho hiệu may Huyền Phong ở Cửa Lò, rồi về quê làm cho hiệu may Hồng Thủy ở Vĩnh Thành (Yên Thành). Duyên luôn ấp ủ khát khao cháy bỏng là trở thành thợ may giỏi để làm chủ một hiệu may. Quá trình làm thuê cho các hiệu may, Duyên tích lũy được nhiều kinh nghiệm và trở thành một thợ cắt may giỏi. Trở về quê, nhờ bố mẹ vay vốn, Duyên mở hiệu may riêng tại nhà. Em gái Duyên là Nguyễn Thị Trà, sau khi học nghề may, Trà ra Hà Nội làm cho một công ty may mặc xuất khẩu. Khi chị Duyên mở hiệu may, Trà về quê làm với chị. Về cùng với Trà là một người thanh niên ít hơn mình 2 tuổi, cùng chung hoàn cảnh câm điếc. Anh là Nguyễn Văn Vinh, quê ở huyện Văn Giang (Thái Bình), hai người quen biết rồi yêu nhau trong thời gian 3 năm làm công nhân ở Hà Nội. Nay họ đã nên duyên vợ chồng, đang chờ đón tiếng khóc chào đời của đứa con đầu lòng.

Nhiệt tình, đam mê với nghề, sản phẩm luôn hợp thời trang, đẹp, và trả đồ đúng hẹn cho khách nên hiệu may của Duyên được khách hàng lựa chọn. Khách đến với hiệu may “đặc biệt” này luôn hài lòng với chất lượng vải và kỹ thuật cắt may của họ. Hôm chúng tôi đến, còn khá nhiều quần áo của khách đang treo thành dãy dài sát vách tường, cạnh đó là vô số vải vóc được trưng bày, khách vào dễ dàng lựa chọn.

Những người thợ may ở đây đều hưởng lương hàng ngày theo sản phẩm mình làm ra. Trung bình mỗi người thợ có tiền công 110 nghìn đồng/ngày.

Ngoài nhận cắt may quần áo cho khách, chị Duyên còn nhận đào tạo nghề may cho nhiều người trong xã để đi XKLĐ. Những người con gái vốn sinh ra từ nhà nông, chưa bao giờ tiếp cận với máy may công nghiệp, hiểu được nguyện vọng của họ, chị Duyên tận tình hướng dẫn, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã biết may thành thạo, đủ điều kiện về tay nghề vào làm công nhân nhà máy may công nghiệp. 3 năm qua, mỗi năm chị Duyên đào tạo nghề may cho 5 – 6 người là con em trong xã và các xã lân cận.

Hiệu may của Duyên, những người thợ giao tiếp với khách bằng ánh mắt và cử chỉ, họ lặng lẽ với công việc. Niềm đam mê “vượt lên chính mình” của họ làm nên nét đẹp bình dị giữa đời thường.

Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Hiệu may đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO