Hiệu quả “4 tại chỗ” trong ứng phó bão lụt ở Hưng Lam
Trận lũ ngày 16/10/2010 làm sạt mái đê gần 150m (tại km 78+100) trên tuyến đê tả Lam, đoạn qua địa bàn xã Hưng Lam, nhờ làm tốt công tác 4 tại chỗ, chỉ trong 2 ngày sự cố đã được khắc phục. Kinh nghiệm về phương án 4 tại chỗ của Hưng Lam đang được huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đúc rút để báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão toàn quốc.
(Baonghean) - Trận lũ ngày 16/10/2010 làm sạt mái đê gần 150m (tại km 78+100) trên tuyến đê tả Lam, đoạn qua địa bàn xã Hưng Lam, nhờ làm tốt công tác 4 tại chỗ, chỉ trong 2 ngày sự cố đã được khắc phục. Kinh nghiệm về phương án 4 tại chỗ của Hưng Lam đang được huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đúc rút để báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão toàn quốc.
Hưng Lam có 10 xóm, một nửa nằm ở ngoài đê phải sơ tán, trận lụt tháng 10 năm 2010, trong lúc đang tập trung lực lượng sơ tán dân ngoài đê (vì mực nước lũ ở trên mức báo động 3) thì ngày 15/10, sau 2 ngày nước lũ tràn về, đê tả Lam đoạn km 78+ 100 xẩy ra sự cố sạt mái đê gần 150m. Nhận được tin báo, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của huyện, xét tình hình cụ thể, BCH phòng chống lụt bão của xã triển khai phương án ứng phó. Với vai trò “tổng chỉ huy”, chủ tịch xã Nguyễn Văn Hào phân công các thành phần trong ban chỉ đạo trực tiếp các điểm nóng: Công tác di dời dân do chủ tịch mặt trận đảm trách, công tác cứu hộ cứu nạn giao cho chữ thập đỏ tổ chức… còn mình bám hiện trường chỉ huy trực tiếp. Mọi mệnh lệnh ban bằng truyền miệng. Sau khi thống nhất với ban quản lý đê điều, phương án tối ưu được thông qua là đóng cừ tre để chống sạt, sau đó phủ bạt chống thấm, đắp đất. Hơn 1.000 cây tre được huy động chỉ trong 1 buổi, mỗi xóm góp 500 bao cùng với 2.000 bao tải dự trữ của xã được huy động, cùng với 2 thuyền trọng tải 30 tấn (xã đã hợp đồng từ trước) được huy động. Do lực lượng ở ngoài đê đang tổ chức sơ tán dân, lực lượng ứng cứu điều động từ các xóm trong đê. Theo kế hoạch đã xây dựng, các đoàn thể chịu trách nhiệm đứng ra huy động lực lượng trong đối tượng của mình. Xóm 3 là xóm ở gần nơi sạt đê nên lực lượng được huy động nhiều nhất. Có nhà 3 - 4 người thay nhau ra đắp đê. Suốt 2 ngày đêm, với hơn 2.000 lượt người tham gia đã đào đắp hàng ngàn m3 đất, đóng 1000 cây tre làm cừ. Cuối cùng đê được bảo vệ an toàn.
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện kiểm tra việc khôi phục đoạn đê bị sạt tại Hưng Lam.
Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch xã Nguyễn Văn Hào cho biết: Sau sự cố mới thấy hết vai trò của "4 tại chỗ" trong phòng chống lụt bão, trước hết là chỉ huy tại chỗ để giải quyết kịp thời những nẩy sinh tại hiện trường. Rồi, ông lấy thí dụ: Trong phương án xử lý ngày 15/10 vừa qua, đoạn sạt trượt phải lót bạt chống thấm rồi mới đắp đất đá, trong lúc bạt dự phòng của xã không có, với vai trò của người chỉ huy cao nhất, ông đã điều động từ hạt quản lý đê điều. Phương án phòng chống lụt bão của xã hợp đồng với hộ dân chỉ có 100 cây tre. Số tre cần để khắc phục sự cố là hơn 1000 cây. Người chỉ huy cao nhất phải quyết định phương án tối ưu: số tre mét còn thiếu, giao chỉ tiêu cho các xóm, giao thời hạn cụ thể. Với cách làm đó, chỉ trong một thời gian ngắn vật tư được tập kết đầy đủ nên việc khắc phục sự cố được nhanh chóng.
Kinh nghiệm của Hưng Lam sẽ là bài học bổ ích cho các địa phương vùng lũ trong mùa mưa bão sắp tới.
Anh Tuấn