Hiệu quả cây mía đường trên đất hoang hóa

05/12/2013 18:51

(Baonghean) - Năm 2012, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 14,5 ha diện tích mía đường tại một số vùng đất hoang hóa, khó canh tác của thôn Tân Xuân. Mô hình này đã đem lại những kết quả đáng mừng, góp phần cải tạo đất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân. hiện nay, xã Quỳnh Thuận đang có những chính sách nhằm khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng mía đường...

Gia đình ông Tô Duy Đại ở xóm Tân Xuân, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng mía đường trên đất hoang hóa. Năm 2012, được sự hỗ trợ của UBND huyện Quỳnh Lưu và Nhà máy mía đường Sông Con (Tân Kỳ), ông cùng với 120 hộ dân của thôn Tân Xuân đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cây mía đường với tổng diện tích 14,5 ha. Sau vụ đầu tiên thu hoạch mía với niềm vui được mùa, được giá, hiện nay, ông và bà con trong thôn rất phấn khởi. Ông Tô Duy Đại – Thôn trưởng thôn Tân Xuân, cho biết: “Cả xã Quỳnh Thuận có 3 thôn nông nghiệp, đến nay thôn Tân Xuân đã xóa được ruộng hoang. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng xóa hết diện tích hoang hóa và mở rộng thêm diện tích trồng mía.”

Nhà máy đường Sông Con thu mua mía của bà con nông dân. Ảnh: C.s
Nhà máy đường Sông Con thu mua mía của bà con nông dân. Ảnh: C.S

Cùng chung niềm vui đó, hiện nay gia đình chị Nguyễn Thị Lượng đang tích cực ra đồng chăm sóc cho diện tích mía của mình. Trước đây, với diện tích này, chị thường trồng lạc, trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Có những vụ chị đành bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Thực hiện chủ trương của xã về trồng thử nghiệm cây mía đường, chị đã chuyển 7 sào đất của gia đình sang trồng mía. Sau vụ đầu thu hoạch thắng lợi, gia đình chị thu nhập trên 15 triệu đồng, gấp 3 – 4 lần so với trồng lạc. Hiện nay, chị động viên các hộ khác cùng thực hiện mô hình này.

Mô hình trồng mía đường tại xã Quỳnh Thuận thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và được huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng. Nhà máy mía đường Sông Con cử kỹ thuật về tận nơi hướng dẫn, tập huấn cho bà con. Ngoài ra, nhà máy còn hỗ trợ 100% kinh phí cày đất với số tiền 300 nghìn đồng/sào. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, nhà máy đã cho xe về tận ruộng thu mua cho bà con. Trừ mọi chi phí phân bón, giống, nhân công, mỗi sào trồng mía bà con cũng thu lãi gần 3 triệu đồng.

Cùng với đó, nhà máy sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên người dân không cần phải lo lắng đầu ra. Trên cơ sở thành công bước đầu, tới đây xã Quỳnh Thuận sẽ mở rộng diện tích trồng mía lên 25 ha ở các thôn khác. Ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận, cho biết: “So với một số cây trồng khác ở trên đồng đất địa phương thì mía có thu nhập cao hơn, công chăm bón ít hơn. Kế hoạch của địa phương là tiếp tục nhân rộng ra 2 thôn khác với diện tích 25 ha nhằm xóa dần diện tích đất hoang hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con”.

Cây mía đường trên đất Quỳnh Thuận không chỉ góp phần cải tạo đất hoang hóa, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp mà còn mở ra một hướng đi mới giúp bà con địa phương thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích chuyên canh cây mía đường bền vững thì thiết nghĩ cần quan tâm đến vấn đề hỗ trợ vốn tín dụng hợp lý cho nông dân.

Lê Nhung

(Đài Quỳnh Lưu)

Mới nhất

x
Hiệu quả cây mía đường trên đất hoang hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO