Hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi

21/11/2013 17:21

Quyết định hợp lòng dân

Năm 2008, khi ra thăm vùng biển đảo Trường Sa - DK1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã từng mong ước làm sao có cả ngàn tàu cá hiện diện trên vùng biển này. Đến nay, mong ước đó đã trở thành hiện thực. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản từ số liệu của Hải quân: Năm 2010 có 5.623 lượt tàu, năm 2011 có 8.867 lượt, đến năm 2012 đã tăng lên 17.782 lượt và 6 tháng đầu năm 2013 đã có 12.918 lượt tàu cá hoạt động trên vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa và DK1. Số tàu quan sát được trên vùng biển này ngày càng tăng mạnh, thể hiện sự đúng đắn của chính sách và các biện pháp tổ chức thực hiện sâu sát, khoa học, vì dân và hợp lòng dân; các chính sách hỗ trợ đã đến được đúng đối tượng, hạn chế tối đa các tiêu cực có thể xảy ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính đến tháng 7/2013, cả nước đã hỗ trợ ngư dân hơn 760 tỷ đồng, trong đó 673 tỷ đồng tiền nhiên liệu, 10 tỷ đồng tiền bảo hiểm; hỗ trợ 2.203 máy thông tin liên lạc VX-1700 trị giá hơn 67,7 tỷ đồng; đã có 15.298 thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn… Đặc biệt, cả nước đã xây dựng được 17 Trạm bờ VX-1700, góp phần tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước, không những phục vụ cho việc xác định tàu cá trên các vùng biển xa mà còn phát huy tích cực trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, nắm bắt số lượng và vị trí tàu cá đang hoạt động trên biển để có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết. Đúng như đánh giá của Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám: Bây giờ chúng ta đã có thể biết được "Tàu cá của ta đi đâu, về đâu".

Hỗ trợ ngư dân nhiều hơn nữa

Chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 đã đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy khai thác hải sản xa bờ phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, Chính phủ đã có các Quyết định 39/2011 và 38/2013 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 48/2010 nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi xa.

Để hỗ trợ ngư dân nhiều hơn nữa, trong thời gian, tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng, nâng cấp khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại quần đảo Trường Sa; đồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả thu được của dự án thông tin quản lý nghề cá giai đoạn 1 và Hệ thống thông tin liên lạc tầm xa sóng HF tích hợp định vị vệ tinh VX-1700 đã hình thành theo Quyết định 48 để hỗ trợ ngư dân, nâng cao sản lượng đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 375/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai xây dựng dự án thông tin quản lý nghề cá giai đoạn 2 gắn liền với việc tiếp tục khai thác tốt các hệ thống thông tin liên lạc hiện có phục vụ cho việc hỗ trợ ngư dân.

Thực tế vừa qua cho thấy: việc sử dụng Hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa VX-1700 tích hợp định vị vệ tinh GPS trên tàu cá và trạm bờ là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với điều kiện nghề cá Việt Nam hiện nay, đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và xã hội đã đề ra. Với việc tiếp tục cập nhật các giải pháp kỹ thuật để nâng cấp các trạm bờ, hệ thống thông tin liên lạc này sẽ có khả năng kết nối và sử dụng hiệu quả hơn các thiết bị của hệ thống trạm bờ đã và đang được lắp đặt của các địa phương; Mặt khác, một Trạm bờ trung tâm tại Tổng cục Thủy sản cũng sẽ được đề xuất thiết lập để tổng hợp kết quả thu được từ tất cả các trạm bờ địa phương bằng một giải pháp mới vừa tiết kiệm kinh phí đầu tư, dễ sử dụng, vừa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng tăng về số lượng của tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thủy sản Việt Nam

Hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO