Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn áp dụng VietGap

22/11/2011 17:45

(Baonghean.vn) Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Hưng Nguyên nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc phát triển ngành chăn nuôi đang gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường.

Hiện nay tại các gia đình hầu như chưa có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Nguồn nước thải này chứa nhiều hợp chất hữu cơ, virut, vi trùng, trứng giun sán, gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí. Các nguồn thải này có nguy cơ trở thành nguyên nhân trực tiếp phát sinh dịch bệnh cho đàn gia súc.

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGap là quá trình tổ chức, thực hiện chăn nuôi an toàn từ khâu chọn địa điểm, thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng và trị bệnh... nhằm đảm bảo lợn được nuôi dưỡng để đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.



Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGap tại hộ ông Võ Ngọc Minh, xóm 1, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên.

Năm 2011, được sự hỗ trợ kinh phí của Cục Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức thực hiện mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGap tại 2 xã Hưng Châu và Hưng Tân, huyện Hưng Nguyênquy mô 120 con, với 12 hộ tham gia (mỗi xã 6 hộ, mỗ hộ nuôi 10 con). Các hộ được lựa chọn để làm mô hình là có chuồng trại thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về điều kiện trang trại chăn nuôi an toàn sinh học như: cách xa đường giao thông, khu dân cư, khu công nghiệp, công sở, trường học, bệnh viện và khu chăn nuôi khác, ở cuối và cách xa nguồn nước sinh hoạt…; có kinh nghiệm chăn nuôi lợn; nhiệt tình và chịu khó. Ngày 08/8/2011 Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện đã cấp giống cho các hộ dân. Đây là giống lợn lai F1, được nhập từ trang trại của các công ty doanh nghiệp được Nhà nước cấp giấy chứng nhận sản xuất nguồn giống đảm bảo an toàn dịch bệnh để hạn chế nguy cơ mang bệnh và đã được tiêm phòng các bệnh như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn. Ngày 9/9/2011 cấp thức ăn cho các hộ dân. Trước đó, các hộ nông dân đã được tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, còn lại do người dân đóng góp.

Ông Võ Ngọc Minh, xóm 1, xã Hưng Tân, cho biết: Gia đình ông trong quá trình thực hiện mô hình đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nên đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt, mức tăng trọng bình quân đạt: 25 -30kg/con/tháng, tiêu tốn thức ăn: 175kg/con, sau 3 tháng nuôi trọng lượng bình quân đạt: 100 -105 kg/con, giá bán là 55.000 đồng/kg. Lãi thuần đạt 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/con. Trong 3 thánggia đình ông thu lãitừ đàn lợn là 12.000.000 – 15.000.000 đồng. Như vậy, bình quân mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi lợn.

Sau 3 tháng triển khai, đàn lợn mô hình của 2 xã đều tăng trọng tốt và không có dịch bệnh gì xảy ra. Tỷ lệ sống 100%. Trọng lượng bình quân đạt 100kg/con, sau khi trừ chi phí về giống, thức ăn, thuốc thú y, khấu hao tài sản thì lãi cho cả mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGap là: 178.800.000 đồng.

Sản phẩm của mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGap là sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, cần nhân ra diện rộng để cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.


Nguyễn Thị Duyên

Mới nhất

x
Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn áp dụng VietGap
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO