Hiệu quả mô hình “liên kết tàu thuyền” khai thác hải sản ở Cửa Lò

01/08/2012 17:11

(Baonghean) Thời gian gần đây, mô hình tàu cá liên kết thành các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn… đã được các ngư dân ở Thị xã Cửa Lò tích cực triển khai. Bên cạnh những khó khăn, mô hình đã mang lại hiệu quả không nhỏ cho ngư dân.

Tới thăm gia đình ngư dân Võ Văn Phúc (sinh năm 1963) khối 7 – chủ nhân của 2 đôi tàu có công suất 320 – 400CV hiện đang được đánh giá là nhóm “liên kết tàu thuyền” khai thác có hiệu quả nhất của phường Nghi Thủy, được biết, nghề đi biển là nghề cha truyền con nối của gia đình anh. Trước đây, không có vốn nên chỉ dám sắm thuyền nhỏ, khai thác gần bờ nên thu nhập khá eo hẹp.

Nhận thấy chỉ có tàu to, thuyền lớn, vươn khơi mới có thể thay đổi cuộc sống. Năm 2000, hai vợ chồng quyết định rủ anh em góp vốn đầu tư mua đôi tàu trị giá 1,2 tỷ đồng. Năm 2007, anh Phúc đã tách riêng làm chủ 1 đôi tàu và hiện nay là chủ của 2 đôi tàu với sản lượng khai thác khoảng 120 tấn/tháng. Tổng thu nhập hàng năm khoảng 1 tỷ đồng. Chị Hoàng Thị Sáu – vợ anh Phúc phấn khởi cho biết: Nhờ mô hình “liên kết tàu thuyền” mà thu nhập của người lao động ổn định hơn, ngư dân yên tâm bám ngư trường, bám biển. Ngoài khai thác hải sản, gia đình còn mở cửa hàng kinh doanh hậu cần nghề cá phục vụ cho các tàu thuyền trước khi vươn khơi.

Hiện trên địa bàn phường Nghi Thủy có 19 đôi tàu/166 tàu, thuyền hoạt động theo mô hình liên kết ra khơi bám biển. Ngay sau khi có chủ trương “liên kết tàu thuyền” của Hội nông dân Thị xã Cửa Lò, Hội Nông dân phường Nghi Thủy đã tuyên truyền vận động bà con ngư dân thành lập các tổ nhóm để hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản. Theo đó, cứ 3 tàu thành lập 1 tổ (gồm 2 tàu khai thác và 1 tàu chuyên tải phục vụ hậu cần). Mỗi chuyến đi biển vụ cá nam kéo dài trong 1 - 3 ngày, vụ cá đông từ 5 – 7 ngày, vì thế việc vận chuyển hải sản vào bờ kịp thời.

Trước đây, khi chưa thành lập mô hình liên kết tàu thuyền, hải sản đánh bắt được thường phải ướp đá, muối, vừa không đảm bảo chất lượng, vừa khó tiêu thụ sản phẩm. Từ ngày các chủ tàu liên kết với nhau, ngư dân yên tâm khai thác mà không phải lo khâu vận chuyển sản phẩm vào bờ. Ông Trương Ngọc Hài – Phó Chủ tịch Hội ND phường Nghi Thủy cho biết: Hiệu quả rõ nhất của mô hình này là vừa giảm chi phí vận chuyển cho các tàu, vừa tăng sản lượng khai thác, thu nhập của người lao động ổn định hơn. Đặc biệt, mô hình này đã giải quyết cùng lúc nhiều lao động tham gia (bình quân một tàu khai thác hải sản cần 16 lao động chính). Khi một thuyền phát hiện được luồng cá di chuyển sẽ thông báo cho nhau để cùng khai thác. Tính riêng trong năm 2011, thu nhập bình quân của ngư dân giao động từ 30 đến 90 triệu đồng/người/năm. Sản lượng 7 tháng đầu năm 2012 toàn phường ước đạt 3.500 tấn.

Nguyễn Huy Nam – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Hải cũng cho biết: Thời gian qua, phường đã xây dựng mô hình “liên kết tàu thuyền”, cứ 3 – 5 thuyền thành 1 tổ có nhiệm vụ thông tin liên lạc cho nhau về ngư trường để khai thác, khi có bão hay có việc quan trọng trên biển, vừa giảm được chi phí xăng dầu vừa tạo thuận lợi trong việc đánh bắt hải sản. Theo tính toán, nếu tham gia vào “tổ thuyền liên kết” cộng với nâng công suất tàu, thuyền, ngư dân có thể tiết kiệm chi phí khoảng 30% cho mỗi chuyến ra khơi. Điều này không những tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ “bão giá” mà còn giúp bà con ngư dân Nghi Hải khai thác hải sản đạt sản lượng cao hơn.

Với cách làm này, hiện nay toàn Thị xã Cửa Lò đã thành lập được hơn 37 tổ, đội ở bốn phường có ngư nghiệp là Nghi Hải, Nghi Tân, Nghi Thủy và Thu Thủy. Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn (110 - 420 CV), chuyển đánh bắt gần bờ, nhỏ lẻ sang đánh bắt xa bờ vừa tăng sản lượng vừa tạo việc làm cho người lao động. Mặt khác giảm đáng kể số thuyền khai thác hải sản ven bờ và dùng chất nổ, chất kích điện.

Hiệu quả thì đã rõ, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là về vốn. Một số tổ đội không có vốn đầu tư nên không có điều kiện sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, đầu tư nghề mới, mua sắm trang thiết bị cũng như mạnh dạn ra khơi tìm kiếm ngư trường mới... ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết những vấn đề này, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tham gia mô hình liên kết tàu thuyền để hỗ trợ nhau trên biển; các tổ đoàn kết thực hiện theo quy ước của tổ và có xác nhận của địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành quy định hướng dẫn thành lập tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển và các chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia vào tổ đội, nhất là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Hiệu quả mô hình “liên kết tàu thuyền” khai thác hải sản ở Cửa Lò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO