Hiệu quả mô hình máy sấy nông sản ở Tân Long - Tân Kỳ
(Baonghean.vn) Anh Cao Tiến Dũng ở xóm Tân Hồ - xã Tân Long đã đầu tư mua máy sấy nông sản đầu tiên trên đất Tân Kỳ, giúp bà con nông dân 4 xã: Giai Xuân, Tân Long, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái trong việc sấy khô sản phẩm nông sản.
Chúng tôi về Tân Long những ngày mưa kéo dài, gặp anh Cao Tiến Dũng sinh năm 1977 đang bảo dưỡng máy sấy, tâm sự: Bà con quanh vùng này cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp là trồng sắn, ngô, nhưng làm ra sản phẩm thường bị tư thương ép giá vì thu hoạch xong là phải bán ngay nếu không để lâu sẽ bị hỏng. Năm 2010 được Chi Nhánh Ngân hàng chính sách huyện Tân Kỳ cho vay 100 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp, tôi ra Hà Nội mua máy sấy nông sản trị giá trên 380 triệu đồng để phục vụ bà con. Loại máy này chủ yếu dây chuyền công nghệ của Việt Nam, đạt công suất sấy 5 tấn/mẻ/ trong vòng 5 - 6 tiếng đồng hồ.
Ông Ngô Xuân Bình xóm trưởng xóm Tân Hồ, cho biết: Hiện cả xóm Tân Hồ có trên 20 ha sắn cao sản, riêng gia đình tôi có 3 ha sắn cao sản, đạt năng suất khoảng 15 tấn/ha trồng xen với cây cao su.
Sản phẩm làm ra đều đưa đến xưởng của anh Dũng để sấy khô nên chủ động giá cả thị trường, không còn lo tư thương ép giá. Tiền công cho mỗi tấn sắn sấy khô là 200.000 đồng, giá cả như thế là hợp lý. Anh Dũng nói: Cơ sở sấy nông sản chỉ hoạt động hơn 3 tháng/năm, chủ yếu phục vụ mùa thu hoạch sắn cao sản và ngô. Cơ sở sấy nông sản của anh Dũng tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động thời vụ... Hiện nay đã thu hút được số lượng nông sản của hầu hết 4 xã: Giai Xuân, Tân Long, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái, có khoảng trên 600 ha sắn, ngô được đưa về cơ sở để sấy khô.
Để thuận tiện cho công việc, anh Dũng đã thành lập Công ty có tên gọi: Công ty TNHH Dũng Phương, ngoài việc sơ chế, sấy các loại nông sản giúp bà con nông dân, anh còn đứng ra tổ chức tìm đầu mối thu mua cả sản phẩm cho bà con với giá cả hợp lý.
Ông Phan Thanh Tú - Giám đốc Chi Nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Tân Kỳ, cho hay: Mô hình máy sấy nông sản của Công ty TNHH -Dũng Phương đã góp phần thúc đẩy cho bà con 4 xã trên thâm canh, tăng diện tích sản xuất các loại cây trồng như sắn, lạc, ngô. Khai thác được tiềm năng đất hoang hoá ở đồi vệ và ven sông Con. Chi nhánh đang tiếp tục khảo sát các xã có diện tích trồng lạc, ngô, sắn nhiều để đầu tư mô hình máy sấy nông sản để giúp bà con sấy khô sản phẩm chủ động trong khâu tiêu thụ.
Văn Trường