Hiệu quả nuôi cá chiên trong lồng bè

15/09/2014 15:35

(Baonghean) - á Chiên được biết đến là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao, thường thấy nhiều trong các sông, suối ở các tỉnh phía Bắc, nhất là ở vùng trung và thượng lưu, nơi có dòng nước chảy xiết. Hiện nay, cá Chiên có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên, nên được xem là đối tượng thủy đặc sản quý hiếm.

Tham quan mô hình nuôi cá chiên trên lòng hồ Khe Đá.
Tham quan mô hình nuôi cá chiên trên lòng hồ Khe Đá.

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người dân về loại cá có giá trị kinh tế cao này, anh Ngô Sỹ Hiệp - Chủ nhiệm Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng bè trên thủy vực lớn tại Nghệ An” đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá chiên thương phẩm tại hồ Khe Đá, Nghĩa Đàn. Khảo sát điều kiện tự nhiên ở đây rất hợp với nuôi thả cá chiên lồng. Hồ có tổng diện tích mặt thoáng là 500 ha, với dung tích nước trên 13 triệu m3, các yếu tố tự nhiên đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài cá nước ngọt nói chung và cá chiên nói riêng. Đặc biệt, hồ có trữ lượng cá tạp khá lớn 35 - 40 tấn/năm, được khai thác quanh năm. Đây là nguồn thức ăn tươi sống rất tốt cho cá chiên, đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của cá, hạn chế dịch bệnh.

Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khoa học, anh đã đầu tư quy mô 10 lồng nuôi có thể tích 100m3, con giống được nhập từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, với số lượng cá thả 3.000 con. Sau gần 20 tháng triển khai mô hình, anh Hiệp cho biết: "Nuôi cá chiên không quá khó, vì chỉ cần thả nuôi ở những nơi nước chảy thường xuyên, không ô nhiễm, hệ thống lồng bè được thiết kế phù hợp; đảm bảo trong quá trình nuôi, cá được chăm sóc, phòng và trị bệnh kịp thời. Thức ăn của cá nên cho vào sàng, tránh hiện tượng cá chưa kịp ăn đã rơi ra ngoài mặt bên của lồng; thường xuyên vệ sinh rác, phù sa bám vào lồng nuôi. Nguồn thức ăn chủ yếu là nguồn cá tạp được khai thác trực tiếp từ hồ Khe Đá nên khá thuận lợi”

Anh Hiệp cũng cho biết, cá chiên có thịt màu hơi vàng, nhiều nạc, dai, giòn, có hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao, nên đầu ra khá dễ dàng. Giá cá thương phẩm phụ thuộc vào thời điểm, kích cỡ và phương thức thu hoạch, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Cá sống có khối lượng nhỏ hơn 1kg/con có giá 150.000 đồng/kg, loại trên 1kg/con giá 230.000 đồng/kg. Khi có số lượng cá lớn, thương lái sẽ trực tiếp đến thu mua, vận chuyển cá sống đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ với mỗi chuyến bắt từ 150 – 200 kg. Lợi nhuận ròng thu được là 96.710.000 đồng, bình quân thu lợi trên 4.800.000 đồng/tháng. So với đầu tư nuôi các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, rô phi... rõ ràng nuôi cá chiên thương phẩm trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mặc dù mô hình nuôi cá lồng trên hồ Khe Đá, Nghĩa Đàn đã mang lại hiệu quả thiết thực và được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, nhưng vẫn còn nỗi băn khoăn, đó là nguồn cá giống còn phải phụ thuộc. Vì vậy, để giúp người dân có điều kiện chủ động và mở rộng quy mô nuôi cá chiên lồng, ngành Thủy sản cần nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để cho cá chiên sinh sản nhân tạo, từ đó, chủ động được nguồn giống tại chỗ. Có thể nói, nuôi cá chiên không chỉ là gìn giữ được giống thủy sản quý hiếm, mà còn là cơ hội để duy trì, nhân rộng, phát triển mô hình nuôi thủy sản mới, cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hy vọng, khi đã chủ động về nguồn giống, dự án sẽ triển khai nhân rộng mô hình để nhiều hộ dân của trên địa bàn tỉnh có điều kiện nuôi và mở rộng diện tích trên các lòng hồ, sông suối.

Bài, ảnh: Thanh Hoa

Mới nhất

x
Hiệu quả nuôi cá chiên trong lồng bè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO