Hiệu quả phân bón công nghệ Nano
(Baonghean) - Mô hình trồng bí xanh sử dụng chế phẩm phân bón lá Grow-more và Bio-Plant (sản xuất theo công nghệ Nano) tại huyện Anh Sơn đang góp phần tạo nên hiệu quả cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả, thay đổi tư duy người nông dân sang hướng đầu tư thâm canh, tăng năng suất và thu nhập.
Đầu vụ hè thu năm 2014 này, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Anh Sơn triển khai mô hình sử dụng chế phẩm phân bón lá vào thâm canh cây bí đao. Đến nay, người nông dân đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Chị Võ Thị Tân, thôn Kẻ May, xã Cẩm Sơn có 4 sào bí được trồng theo mô hình cho biết: So với nhiều năm trước thì trồng bí theo mô hình quả to đều, nặng từ 2-2,5 kg/quả, số lượng quả trên cây sai hơn. Vụ này, năng suất bí đạt khoảng 1,5 tấn /sào, với giá bán 3 ngàn đồng/kg như hiện nay, gia đình chị thu nhập lãi ròng gần 9 triệu đồng/3 sào bí, cao hơn 25-30% so với trước.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: Xã đưa vào ứng dụng mô hình trồng bí thâm canh từ vụ hè thu năm nay, quy mô trồng gồm 32 ha, tập trung tại 3 bản Kẻ May 7,5 ha, Hội Lâm 16,5 ha, Nhân Tài 8 ha. Về đầu tư, bình quân trên 1 ha bí, nếu sử dụng 4 kg phân bón lá Grow-more vào chăm sóc thì giảm tối đa gần 30% chi phí các loại phân bón cần thiết như đạm urê, lân, kaly, thuốc sâu, vôi bột. Năm nay, với giá bán 2,5 - 3 ngàn đồng/kg, mô hình bí thâm canh của xã có thể thu về 85 - 90 triệu đồng/ha, tăng thu nhập lên 25% so với quy trình cũ, bà con nông dân xã thu về hàng tỷ đồng từ mô hình.
Nông dân thu hoạch bí từ mô hình sử dụng phân bón lá thâm canh ở thôn Ke May, xã Cẩm Sơn, Anh Sơn. |
Vụ xuân 2014, xã Tam Sơn (Anh Sơn) được chọn làm mô hình điểm để triển khai trồng 2 ha mô hình giống bí HN 999 trên đất lúa chuyển đổi tại thôn 4, thôn 5. Mô hình ứng dụng chế phẩm Bio-Plant để xử lý hạt giống, chế phẩm Grow- more để phun sương vào các giai đoạn phân cành, tạo quả, tổng kinh phí 50 triệu đồng. Theo báo cáo từ Ban Nông nghiệp xã Tam Sơn, sau khi thực hiện chăm sóc, đối chứng mô hình trồng bí với trồng lúa trước đó, cho thấy: Chi phí làm ra sản phẩm trên cùng một diện tích (2 ha), chi phí đầu vào của thâm canh cây bí có đầu tư 1 triệu đồng chế phẩm phân bón Grow - more, tổng chi cần 103 triệu đồng/2 ha, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, trọng lượng mỗi quả đạt từ 2-3,5 kg, năng suất đạt trên 65 tấn/ha, tính theo giá ở mức thấp khoảng 2,5 ngàn đồng/kg, mô hình trồng bí có thể, lãi ròng gần 220 triệu đồng/2 ha. Trong khi đó, làm lúa chỉ cần đầu tư chi phí trên 43 triệu đồng/2 ha, bằng 42,1% so với làm bí, năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, với giá bán lúa bình quân 6 ngàn đồng/kg sẽ cho thu nhập đạt 76 triệu đồng, lãi 32 triệu/2 ha, bằng 22,1% so với trồng bí.
Chế phẩm phân bón lá Grow-More và Bio-Plant phun sương là các chế phẩm được sản xuất theo công nghệ Nano, nhập khẩu từ Mỹ, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá khả quan, cho phép nhập khẩu để sử dụng trên địa bàn toàn quốc. Hiện nay, các chế phẩm trên được Sở NN &PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông triển khai khảo nghiệm mô hình, ứng dụng sản xuất cho tất cả các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Xuân Quý - Trạm phó Trạm Khuyến nông Anh Sơn cho biết: Mô hình trồng bí thâm canh sử dụng chế phẩm phân bón lá theo công nghệ Nano được thực hiện từ đầu vụ xuân năm nay tại xã Tam Sơn. Sau đó, Trạm phối hợp nhân rộng, triển khai 3 mô hình với quy mô gần 100 ha, bao gồm 32 ha bí vụ hè thu tại Cẩm Sơn, 30 ha ở Tào Sơn và 32 ha bí vụ đông ở Lĩnh Sơn. Cơ chế hỗ trợ cho các mô hình bao gồm 100% giống bí sặt HN999, 48% phân NPK, 45% phân bón qua lá. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới về đầu tư thâm canh cây bí xanh, từ đó nhân rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập. Mô hình ứng dụng chế phẩm phân bón lá áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ hạn chế được dịch bệnh, không gây độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Từ hiệu quả và tính thích nghi của mô hình thâm canh bí có sử dụng chế phẩm phân bón lá tại Anh Sơn, huyện đang có kế hoạch nhân rộng mô hình trên đất chuyển đổi từ các loại cây trồng lâu nay kém hiệu quả tại Long Sơn, Khai Sơn, Đỉnh Sơn.. Toàn huyện phấn đấu đạt 150 ha bí xanh thâm canh vào vụ xuân năm 2015 sắp tới. Về lâu dài, mô hình có thể triển khai đối với tất cả các địa phương khó khăn trong việc bố trí cơ cấu cây trồng có hạt trên đất chuyển đổi, nhằm tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Lương Mai
Chế phẩm cần được sử dụng theo đúng quy trình khoảng 4kg/1 ha bí trồng, lúc xử lý hạt giống phun đầy đủ phân bón lá Bio-Plant, lúc bí đạt 3-4 lá, dùng Grow-more để phun sương, kết hợp bón thúc theo 3 giai đoạn trước lúc phân cành (1,5 kg), trước lúc ra hoa (1,5 kg) và lúc tạo quả non (1 kg). Quá trình sử dụng các chế phẩm phân bón này muốn đạt hiệu quả tốt, phải gắn với đầu tư thâm canh cây trồng. Đất gieo trồng bí cần có tầng canh tác dày, tơi xốp, đất trung tính, tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, chủ động nước, làm đất rắc đều vôi bột lên mặt ruộng, cày bừa kỹ, sau đó tiến hành lên luống rộng 1m, cao 25 - 30 cm và có rãnh thoát nước. Xử lý hạt giống tranh thủ nắng nhẹ, ngâm hạt từ 3 - 4 giờ, rửa sạch, để ráo, ủ hạt ở nhiệt độ 28- 300C, khi hạt nứt nanh thì gieo hạt vào bầu hoặc gieo thẳng ra luống ươm cây con. Luống ươm cây con cần bố trí ở nơi cao ráo, dùng rơm, rạ phủ lên trên để giữ ẩm. Khi cây con có 1 - 2 lá thì trồng ra ngoài ruộng. Vụ hè thu có thể tra hạt trực tiếp trên ruộng. Mật độ gieo trồng 1.500- 1.600 gốc/sào, hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 40- 45cm. |