Hiệu quả sau một năm thực hiện Đề án Tiếp dân của Hội đồng nhân dân tỉnh
Ngày 16/9/2011, Thường trực HĐND tỉnh đã có Quyết định số 95/QĐ.HĐND thông qua Đề án Tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Theo đó, ngày 10 hàng tháng là ngày tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, bắt đầu từ tháng 10/2011.
(Baonghean) - Ngày 16/9/2011, Thường trực HĐND tỉnh đã có Quyết định số 95/QĐ.HĐND thông qua Đề án Tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Theo đó, ngày 10 hàng tháng là ngày tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, bắt đầu từ tháng 10/2011.
Sau 1 năm thực hiện Đề án, công tác dân nguyện của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã được thực hiện thường xuyên và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân định kỳ có ý nghĩa thiết thực, tác động đến hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền, góp phần làm cho việc giải quyết được nhanh chóng, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Từ tháng 10/2011 đến hết tháng 9/2012, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiếp 293 lượt công dân vào ngày 10 hàng tháng. Căn cứ vào quy định của pháp luật và đề nghị của công dân, Đại biểu tiếp công dân quyết định tiếp nhận đơn hay giải thích, hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 127 đơn, lãnh đạo Đoàn ĐBQH chuyển 116 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để đảm bảo hiệu lực hiệu quả việc chuyển đơn lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND theo dõi kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng trong thời gian trên, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 105 văn bản, lãnh đạo Đoàn ĐBQH nhận được 96 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết về các đơn đã chuyển và 61 văn bản báo cáo về quá trình giải quyết các đơn, thư khác của công dân mà các cấp, các ngành đang tiến hành. Các văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền gửi đến lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh được vào bảng dữ liệu, sắp xếp văn bản theo tên công dân để tiện theo dõi. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND cũng đã ban hành 70 văn bản đôn đốc cơ quan có thẩm quyền khi vụ việc không được giải quyết đúng thời hạn của pháp luật.
Từ hiệu quả của công tác tiếp dân, lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát về tình hình khiếu nại tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát theo chuyên đề như: Tình hình thực hiện Luật Đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; chất lượng giáo dục, khám, chữa bệnh, vấn đề về ô nhiễm môi trường... Qua khảo sát, việc kiểm nghiệm, đánh giá quá trình thực hiện chức năng của Quốc hội và HĐND được thực tế hơn, trách nhiệm của cá nhân hoặc tổ chức đối với việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được xem xét đầy đủ hơn.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác tiếp dân. Một số công dân khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo chưa hiểu đầy đủ, chính xác về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH và HĐND trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. Một số khác không chấp hành việc khiếu nại, tố cáo theo quy định, vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhưng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn, thư do các vị ĐBQH chuyển đến chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình theo luật định. Việc xử lý đơn thư qua hệ thống phần mềm và đưa thông tin lên trên trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh còn gặp khó khăn.
Để khắc phục các tồn tại trong công tác tiếp dân, ngoài tăng cường cơ cở vật chất và bộ phận tham mưu, phục vụ, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu và sửa đổi Luật Giám sát của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm về việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH; quy định cụ thể về trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri và trách nhiệm và hiệu quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND, ban hành Luật Giám sát của HĐND cho phù hợp với thực tiễn nhằm bảo đảm hiệu lực và hiệu quả hoạt động HĐND các cấp.
Lê Thị Xuân (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)