Hiệu quả từ câu lạc bộ doanh nghiệp nữ

12/11/2014 10:47

(Baonghean) - Với phương châm “làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội”, những năm qua, Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ ở các địa phương đã có những đóng góp tích cực trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm cho các lao động nữ...

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 17 câu lạc bộ nữ doanh nghiệp ở 12 huyện, thành, thị thu hút 736 thành viên tham gia, mỗi câu lạc bộ thu hút từ 30 - 40 hội viên. CLB Nữ doanh nghiệp Diễn Châu được thành lập từ năm 2004, sau 10 năm đi vào hoạt động, ngoài mục tiêu tăng thu nhập, phát triển sản xuất, kinh doanh, đã đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong vấn đề tạo việc làm cho phụ nữ nghèo và tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo.

Đến nay, 40 thành viên câu lạc bộ đã tạo việc làm cho trên 3.000 lao động nữ với mức thu nhập bình quân từ 2 – 5 triệu đồng/tháng, giúp địa phương xóa được khoảng 20 hộ nghèo mỗi năm, đồng thời ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo. Tiêu biểu chị Trần Thị Châu ở xóm Đông Lộc – xã Diễn Ngọc, là chủ một cơ sở chế biến hải sản lớn, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, chị vẫn luôn dành thời gian tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp. Chị tâm sự: Nhờ tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ, chị em ngày càng đoàn kết, được đi nhiều nơi giao lưu gặp gỡ khách hàng… Những hoạt động đó giúp tôi trưởng thành hơn trong kinh doanh, làm ăn ngày càng thuận lợi.

Hay như chủ cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá sản xuất đá lạnh, kho cấp đông, thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng - chị Trần Thị Luyến – xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích, có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì phải kể tới sự tác động rất lớn của CLB nữ doanh nghiệp xã mà chị là thành viên. Vào câu lạc bộ từ ngày mới thành lập nên chị Luyến sớm được Ban Chủ nhiệm CLB tạo điều kiện vay vốn, tham gia các lớp tập huấn phát triển sản xuất, kinh doanh, chị đã mạnh dạn đầu tư 5 tỷ đồng làm dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo việc làm cho trên 100 lao động nữ ở địa phương.

Cơ sở chế biến tôm nõn của chị Hoàng Thị Nghi (khối 4, Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò).
Cơ sở chế biến tôm nõn của chị Hoàng Thị Nghi (khối 4, Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò).

Tại Cửa Lò, Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp của thị xã được thành lập năm 2007 và hiện có 20 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, hải sản đông lạnh, vật liệu xây dựng và chăn nuôi. Mỗi doanh nghiệp tạo việc làm cho từ 20 - 40 lao động với mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các thành viên Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp Cửa Lò còn tích cực hỗ trợ người nghèo xây nhà ở và phát triển kinh tế. Chị Hoàng Thị Hậu (khối 4, Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò) – chủ cơ sở chế biến thủy, hải sản cho biết, chị theo nghề nướng cá thu từ nhỏ, sau khi lập gia đình, chị cùng chồng quyết tâm bám nghề và mở hướng phát triển có quy mô hơn. Năm 2009, khi đã có được số vốn khá, cộng với sự động viên, khuyến khích của CLB nữ doanh nghiệp thị xã, chị quyết định thuê 500m2 đất xây dựng cơ sở mới tại chợ cá phường Nghi Thủy mỗi tháng tiêu thụ 21 tấn cá các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nữ với mức lương 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng, tổng thu nhập mỗi năm của chị đạt 1 tỷ đồng. Mục tiêu của chị là phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho chị em trong vùng.

Tại cơ sở chế biến tôm nõn do 3 chị Nguyễn Thị Hòe, Nguyễn Thị Nghi và Võ Thị Năm làm chủ, giải quyết việc làm cho trên 30 phụ nữ không chỉ trong phường Nghi Thủy mà còn cả các phường khác. Trao đổi với chị Võ Thị Năm, được biết: Trước đây phụ nữ vùng biển chỉ biết ngồi chờ chồng đi đánh cá, sau đó đem cá ra chợ bán, rất thụ động trong cuộc sống. Nhận thấy nếu như bản thân mình không tự vươn lên, chắc chắn cuộc sống sẽ vất vả, ảnh hưởng không nhỏ tới cả cách sống của các con. Năm 2008, chị Năm đã bàn bạc và cùng với chị Nghi, chị Hòe mở cơ sở chế biến tôm nõn do chính các chị làm chủ. Ban đầu gặp nhiều khó khăn do vốn ít, chồng không ủng hộ. Nhưng bằng sự quyết tâm của mình, các chị đã vay vốn dành cho phụ nữ nghèo, cộng với sự ủng hộ của Hội Phụ nữ phường, của CLB doanh nghiệp thị xã, thuyết phục chồng đồng ý, cuối cùng, các chị cũng đã hình thành cơ sở chế biến thủy, hải sản do mình làm chủ.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, trong đó công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia làm kinh tế, khởi sự và phát triển doanh nghiệp được quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực cho hội viên về phát triển kinh tế, chuyển giao KHKT; tổ chức được 3.460 lớp tập huấn cho 380.928 lượt chị tham gia, trong đó có 3.636 lượt phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể với các nội dung: khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, marketing “giới thiệu và kinh doanh”, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành doanh nghiệp... Ngoài ra, Ban còn phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức các diễn đàn để tạo điều kiện cho nữ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những khó khăn, vướng mắc... tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh để quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tạo điều kiện cho chị em vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 78,8%. Nhờ đó, nhiều cơ sở nhỏ đã phát triển thành những doanh nghiệp có quy mô sản xuất khá, đời sống tinh thần của chị em cũng được nâng lên.

Tuy vậy, hiện nay đời sống của phụ nữ nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng cao nhiều nơi còn khó khăn, nhiều gia đình do phụ nữ làm chủ có mức thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ nữ lao động phổ thông còn lớn. Cơ hội phụ nữ được tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế còn thấp so với nam giới.

Vừa qua, tại Hội thảo “Nâng cao tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp” diễn ra cuối tháng 10/2014 tại TP. Vinh, các thành viên tham gia hội thảo khẳng định: Phát triển doanh nghiệp nữ là vấn đề hết sức cần thiết trong quá trình tạo việc làm cho lao động nữ. Thời gian tới cần tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ưu tiên đối với các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tín dụng hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Kết hợp chính sách vay vốn với công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, khuyến nông, khuyến ngư để tăng hiệu quả vốn vay. Khuyến khích đầu tư, phát triển, thành lập doanh nghiệp nữ làm chủ, doanh nghiệp khu vực nông thôn thu hút nhiều lao động nữ làm việc, góp phần xây dựng và phát triển các phong trào phụ nữ làm kinh tế tại địa phương.

Thanh Thủy - Mai Giang

Mới nhất
x
Hiệu quả từ câu lạc bộ doanh nghiệp nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO