Hiệu quả từ đào tạo nghề khuyến nông
(Baonghean) - Thực hiện Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3864/QĐ-UBND, trong những năm qua công tác dạy nghề cho nông dân đang được đẩy mạnh. Mỗi năm có hàng chục lớp được tổ chức tại các địa phương, qua các kênh khuyến nông, hội nông dân, trung tâm dạy nghề, với hàng trăm lượt nông dân tham gia. Qua các lớp dạy nghề này, kỹ năng về chăn nuôi, trồng trọt đang được nâng lên. Từ kiến thức học được bà con đã áp dụng vào sản xuất, đưa năng suất, hiệu quả của cây trồng vật nuôi lên một bước góp phần cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Ông Hồ Nghĩa Ninh ở xóm 2, Quỳnh Minh có 4 sào trồng rau, mỗi năm trồng 5 lứa. Trước khi đi học nhà ông vẫn trồng rau, nhưng khi được học cách trồng rau an toàn do lớp dạy nghề trồng trọt của khuyến nông huyện tổ chức, ông về áp dụng thành công trên ruộng rau nhà mình. Kết quả năng suất tăng, chi phí sản xuất giảm, đặc biệt là cách tổ chức quản lý sản xuất rau an toàn. Ông và hàng xóm tổ chức lại thành tổ nhóm sản xuất, đề ra những quy định để giám sát, quản lý lẫn nhau trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gieo cấy theo lịch, tuân thủ sự chỉ đạo của nhóm trưởng. Việc gieo trồng theo lịch để tạo “điểm rơi” cho rau khi thị trường khan hiếm rau đã đem lại hiệu quả đáng kể. Mỗi vụ rau đem lại lợi nhuận cho gia đình và tổ hợp tác sản xuất rau của ông Ninh tăng khoảng 15-20% so với cách làm cũ.
Anh Lê Đình Thương ở xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành bắt đầu nuôi gà thả vườn từ năm 2011, nhưng hiệu quả không cao. Từ năm 2013 được tham gia một lớp học nuôi gà do Tung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, sau khi học nắm vững được khoa học kỹ thuật anh mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi của mình. Kết quả trong năm xuất bán hơn 3.000 con gà thịt thu lãi hàng trăm triệu đồng. Anh tự tin cho biết: đến nay tỷ lệ nuôi sống đạt trên 95%. Mọi dịch bệnh cho gà đều xử lý được. Anh đang chuyển hướng vừa nuôi gà giống kết hợp với gà thịt, nuôi gà đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình anh.
Còn gia đình bà Đặng Thị Tân ở Thị trấn Yên Thành học nghề trồng nấm từ năm 2012, với 100 m2 lán trại mỗi vụ thu nhập từ 6-7 triệu đồng từ nấm mỡ, nấm sò… Theo bà Tân trồng nấm là nghề mới đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật, lúc đầu mới làm thì bỡ ngỡ, bây giờ đã quen. Đây là nghề đỡ vất vả hơn làm ruộng nhưng cho thu nhập cao hơn. Được biết hiện tại Yên Thành có hơn 100 hộ tham gia trồng nấm. Năm 2014 toàn huyện đang phấn đấu đạt 500 tấn sản phẩm.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đình Lân ở xóm 2, Diễn An – Diễn Châu. Ông Lân cho biết: Năm 2010 tham gia lớp học nghề chăn nuôi, nắm vững kỹ thuật ông phát triển lấy chăn nuôi làm nghề chính cho gia đình. Mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 2 tấn, lãi từ 40-50 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của việc học nghề ông đã động viên vợ con tham gia các khóa học, đến nay gia đình nhà ông đã có 3 người tham gia học nghề chăn nuôi. Từ một học viên lớp học do nắm vững kỹ thuật, thực hành nhiều đến nay ông đã trở thành thú y viên của xóm. Bệnh tật thông thường của lợn ông đều tự chữa, chỉ những bệnh nan y ông mới mời thú y xã. Do biết tính toán, chọn giống lợn tốt nên lợn của nhà ông luôn có giá cao hơn thị trường. Hiện nay giá thị trường từ 38 - 40 ngàn đồng/kg, lợn của ông vẫn giữ giá 42 ngàn đồng/kg. Theo ông có được kết quả đó là nhờ áp dụng kiến thức đã học được từ lớp học chăn nuôi lợn trước đây.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2013 trung tâm đã tổ chức được 30 lớp đào tạo nghề cho nông dân trong toàn tỉnh với tổng số hơn 900 lượt người tham gia. Với 6 nghề: sản xuất rau an toàn, trồng chè, trồng nấm, nuôi lợn, nuôi gà và nuôi cá truyền thống. Các nghề đào tạo cho nông dân đều xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ nhu cầu của bà con nên đã được đón nhận một cách tích cực. Tổ chức học theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, thực hành ngay tại ruộng, tại nhà nên bà con đã nhanh chóng tiếp thu và thực hành được ngay tại nhà mình sau khi học xong. Theo đánh giá chung, có 85% học viên áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất. 70% tạo ra hiệu quả cao hơn trước khi học, 50% số học viên đã tạo ra thu nhập cao bằng nghề đã học. Đó là những tín hiệu vui cho công tác đào tạo nghề cho nông dân.
Theo ông Cao Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ kết quả của các năm trước đây, hiện nay nhu cầu dạy nghề của các địa phương là rất lớn. Nhưng nguồn kinh phí có hạn nên năm nay trung tâm chỉ mở được 10 lớp tương ứng với kinh phí 500 triệu đồng (năm 2013 với 1 tỷ đồng, trung tâm đã mở được 20 lớp) và ông cũng mong muốn tăng nguồn ngân sách để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Mặt khác, cần mở rộng ngành nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển của nông thôn hiện nay, đáp ứng cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Anh Tuấn