Hiệu quả từ dồn điền, đổi thửa
(Baonghean) - Dồn điền đổi thửa đã tạo ra những mảnh ruộng rộng và vuông vắn hơn trên mỗi cánh đồng; hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng được quy hoạch và nâng cấp, hoàn thiện. Từ đó, Nghệ An đã có điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm tải sức lao động, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích.
![]() |
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Hưng Nguyên. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Là địa phương hoàn thành dồn điền đổi thửa sớm nhất trong cả tỉnh, đến nay, 38/38 xã, thị trấn của Yên Thành đều đã dồn điền đổi thửa xong. Ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện) cho biết: Sau dồn điền đổi thửa, hiện Yên Thành đã có gần 20 máy gặt đập liên hợp, đủ phục vụ cho gần 70% diện tích lúa toàn huyện, thời gian thu hoạch được rút từ 7 - 10 ngày xuống còn 2 - 3 ngày. Ngoài ra, việc làm đất hầu hết đều bằng máy, tiết kiệm thời gian và điều quan trọng hơn là giúp bà con sản xuất kịp thời vụ, nhất là trong sản xuất hè thu. Cũng từ đó, Yên Thành đã liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Huyện Nghi Lộc có trên 11 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, Nghi Lộc có những khó khăn khá đặc thù so với các địa phương khác. Ngoài các xã thuộc quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam, ở những xã còn lại, huyện xác định đến năm 2015 sẽ hoàn thành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất ở 12 - 14 xã. Là vùng phụ cận TP. Vinh cùng các dự án, đền bù GPMB nhiều đã làm cho giá đất nông nghiệp ở đây cao. Cộng thêm đó là địa hình đất đai không đồng đều, với đủ các loại đất cao, thấp, bán sơn địa, đất cát ven biển... Trước những khó khăn đó, cùng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Nghi Lộc tập trung xây dựng mô hình điểm ở xã Nghi Lâm, làm cơ sở để tham quan, học tập cho các xã còn lại. Từ thành công ban đầu, hiện Nghi Lộc đang tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa ở một số xã như Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hoa, Nghi Trung...
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì hiệu quả rõ nhất khi thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, đó là đã tạo điều kiện tổ chức tốt lại hệ thống mạng lưới giao thông nội đồng, đảm bảo thuận canh thuận cư, tưới tiêu thuận lợi. Cũng từ đó, đã quy tụ được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bố trí lại các loại đất công ích, đất giao thông thủy lợi giúp công tác quản lý đất đai thuận lợi và chặt chẽ hơn. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, việc đưa cơ giới hóa vào là cực kỳ cần thiết, các biện pháp canh tác thực hiện bằng máy móc sẽ giúp giảm bớt áp lực thiếu lao động, nhất là với địa phương vùng ven đô như Nghi Lộc. Việc dồn điền đổi thửa đã giúp những địa phương đã hoàn thành có điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, bố trí các loại cây trồng ở từng vùng đất cũng thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nghệ An có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 196.000 ha, bình quân 670 m2/người. Trước dồn điền đổi thửa, đất sản xuất được chia phân tán, manh mún, bên cạnh đó hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng còn nhiều bất cập, khó khăn cho đi lại, vận chuyển và tưới tiêu. Sau những biện pháp quyết liệt, ngoài những địa phương làm rất tốt như Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu..., các huyện còn lại cũng đã có những chuyển động mạnh mẽ. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Hồ Ngọc Sỹ, thì việc dồn điền đổi thửa đã tạo ra những thay đổi rất căn bản trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta. Trước đây, khi diện tích đất còn được chia nhỏ lẻ, phân tán, cộng thêm ý thức tổ chức sản xuất của nông dân còn kém, ruộng nhà nào nhà đó chủ động làm nên từ khâu chọn giống, gieo cấy cho đến chăm sóc vẫn còn tùy tiện, tồn tại tình trạng trên một cánh đồng có nhiều thời vụ, nhiều giống, thu hoạch nhiều thời kỳ, nhà được nhà mất.
Sau dồn điền đổi thửa, người nông dân đã có khái niệm cánh đồng mẫu lớn, về sản xuất hàng hóa tập trung, có ý thức về tiếp cận KHKT trong sản xuất nông nghiệp, ngày càng nhân rộng được các cánh đồng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ vụ xuân năm 2012, các địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở đất đai được tập trung. Hiện nay toàn tỉnh có 28 CĐML với các loại cây trồng chính là lúa, ngô và lạc, cho năng suất, sản lượng và hiệu quả cao hơn sản xuất đại trà ít nhất 10 - 15%. Đã triển khai 157 mô hình sản xuất có hiệu quả...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc dồn điền đổi thửa vẫn còn một số hạn chế. Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Mục tiêu của dồn điền đổi thửa là để bố trí, sắp xếp lại cơ cấu cây trồng tập trung thành các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn hơn, tăng hiệu quả thu nhập trên từng cánh đồng, nhưng ở không ít địa phương, việc đổi mới cơ cấu cây trồng vẫn chưa thực sự hiệu quả, giá trị gia tăng sau dồn điền đổi thửa chưa nhiều. Việc sắp xếp, tổ chức chỉ đạo, bố trí lại sản xuất trên từng cánh đồng cụ thể vẫn chưa rõ, đang theo cơ cấu cây trồng cũ. Bên cạnh đó, một số địa phương đã liên kết được với một số doanh nghiệp xây dựng các CĐML sau dồn điền đổi thửa nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhiều mâu thuẫn đã phát sinh do chưa thực sự gặp nhau về lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.
Để giải quyết những vấn đề này, cùng với sự chỉ đạo của tỉnh và các ngành chuyên môn, từng địa phương phải căn cứ trên tình hình cụ thể của mình để có phương án chuyển đổi phù hợp, phát huy cao nhất hiệu quả của dồn điền đổi thửa. Trong thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân, hai bên phải có sự thống nhất cao, nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký, nhưng điều quan trọng là Nhà nước, chính quyền phải đứng ra giám sát và bảo vệ lợi ích chính đáng của cả hai bên, khi cần thiết phải đóng vai trò trung gian, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc. Sau dồn điền đổi thửa phải tổ chức sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, có các cơ chế chính sách phù hợp kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nông sản. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp mới có đầu ra ổn định, lâu dài, phát huy tốt hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa.
Phú Hương