Hiệu quả từ dự án chăn nuôi bò sinh sản

10/04/2012 15:56

(Baonghean) - Với hình thức cho các hộ nghèo "mượn" bò mẹ sinh sản do Dự án OXPAM tài trợ, những hộ nghèo ở một số xã của huyện Tương Dương đã có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên xoá đói, giảm nghèo, đồng thời có trách nhiệm với tài sản của dự án.

Ông Lô Hoài Thơm -Chủ tịch UBND xã Yên Na (Tương Dương) phấn khởi cho biết: Dự án chăn nuôi bò cái sinh sản do Dự án OXPAM thông qua Hội Phụ nữ huyện, xã được triển khai từ năm 2006 tại 4 bản gồm: Bản Na Khốm, Huồi Cụt, Huồi Xén, Xốp Pu. Nhờ dự án chăn nuôi bò này mà nhiều hộ nghèo ở Yên Na đã đổi đời. Dự án hỗ trợ ban đầu là 26 con bò cái chia đều cho 4 bản trên theo hình thức bò mẹ sau khi sinh con thì lại chuyển cho các hộ nghèo khác.



Đàn bò do Dự án OXPAM hỗ trợ ở Yên Na - Tương Dương.

Ông Ốc Văn Nghệ 60 tuổi, ở Huồi Xén vừa đi cắt cỏ về nói: Năm 2006 gia đình được sở hữu 1 con bò cái sinh sản, sau khi sinh bò con xong phải giao bò mẹ của dự án cho hộ nghèo khác thì gia đình đã "cọc" được một con bò mẹ khác. Đến thời điểm này gia đình tôi đã có 5 con bò, vừa bán đi 2 con được trên 30 triệu đồng. Nhờ nuôi bò mà chúng tôi có tiền sửa nhà, mua xe máy... Ông Nghệ cho biết thêm: Dự án đã cử cán bộ kỹ thuật khuyến nông, cán bộ Hội Phụ nữ hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật cách nuôi bò, sử dụng thức ăn hợp lý nên chăn nuôi hiệu quả.


Ông Lô Khăm Nguyên- Bí thư bản Huồi Xén cho hay: Huồi Xén có 18 hộ dân được cấp bò sinh sản, hầu hết đều phát huy hiệu quả tốt. Gia đình tôi đến thời điểm này có 7 con bò, đã bán 2 con được 27 triệu đồng, đặc biệt là gia đình cũng "cọc" được thêm 1 con bò mẹ đã sinh được 1 lứa. Cái hay của dự án này là làm thay đổi nhận thức về chăn nuôi của bà con.

Trước đây bà con chủ yếu nuôi thả rông, dịch bệnh, chết rét trong rừng, nay được cán bộ hướng dẫn, bản Huồi Xén đã quy hoạch được vùng nuôi bò với 18 chuồng trại tập trung ở khe Lung Lạch, trồng được trên 6 ha cỏ voi. Nhờ nuôi đúng với quy trình kỹ thuật mà đàn bò sinh trưởng và phát triển rất tốt, trong 18 hộ dân được cấp bò sinh sản thì đến này tổng đàn đã phát triển được trên 70 con bò (chưa tính đã bán trên 20 con bò). Ở Yên Na có khá nhiều hộ dân không thuộc diện dự án hỗ trợ, nhưng đã tự phát huy hiệu quả như hộ anh Ốc Đình Thắng nuôi 9 con bò, hộ anh Lô Đức có 6 con bò.

Được biết tổng đàn bò của Yên Na có 1.837 con bò, hầu hết các hộ dân đều tận dụng được nguồn phân bò để chăm sóc cho gần 40 ha lúa nước, nhờ vậy mà năng suất lúa của Yên Na đạt bình quân trên 200 kg/sào/vụ. Ông Lô Hoài Thơm cho biết thêm: Yên Na có 1.012 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm 81%, tuy cách trung tâm huyện trên 40 km nhưng hiện nay đường giao thông đã được nhựa hoá đi lại thuận lợi, trong khi xã rất có tiềm năng để phát triển chăn nuôi bò.Xã đang rất mong tiếp tục được Nhà nước và các chương trình dự án hỗ trợ, đầu tư để chăn nuôi bò, làm chuồng trại.


Vào xã vùng sâu Yên Hoà -Chị Lương Thị Dậu - Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Yên Hoàkể: Năm 2006, Dự án OXPAMhỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho bản Xốp Kỉn 18 con, ban đầu Hội Phụ nữ kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia dự án. Nhiều bà con muốn tham gia nuôi bò sinh sản nhưng lại muốn theo thói quen thả rông vào rừng. Qua thời gian tuyên truyền và cán bộ cùng "xắn tay chỉ việc" đã vận động được bà con làm chuồng trại trong rừng hoặc gần nhà riêng để tiện cho việc chăm sóc và tiêm phòng. Như hộ anh Lim Văn Việt có bò đẻ được hơn 7 tháng, được tập huấn nên trong đợt giá rétvừa qua anh đã biết cách chăm sóc, sưởi ấm bê con.

Hiện nay tổng đàn bò của dự án chăn nuôi bò sinh sản ở Yên Hoà có trên 60 con. Nhiều hộ đã thoát nghèo như hộ anh Xeo Văn Quỳnh, Lữ Văn Đoàn... Phát huy được hiệu qủa từ dự án chăn nuôi bò sinh sản, năm 2009, Dự án của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư cho bản Xốp Kha 10 con bò cái sinh sản, đến thời điểm này đã nâng tổng đàn lên gần 20 con bò. Được biết phong trào chăn nuôi ở Yên Hoà cũng phát triển khá mạnh, toàn xã hiện có trên 3.400 con trâu bò, trong đó có gần 2.500 con trâu. Các hộ ngoài dự án phát triển tốt như ông Mộng Văn Sính ở Xiềng Líp có trên 15 con bò, Lương Văn Quang ở Cành Khỉn có 12 con bò... Hiện Yên Hoà đã trồng được trên 20 ha cỏ voi ở bản Cành Khỉn, bản Hào, bản Cọc... Tuy nhiên tỷ lệ thả rông ở Yên Hoà đang khá nhiều, riêng trong năm 2010 ở Yên Hoà có trên 100 con trâu bò, bị chết trong rừng do rét và dịch bệnh.


Dự án chăn nuôi bò sinh sản được dự án OXPAM tài trợ bao gồm các xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hoà, Nga My, Xiêng My khoảng trên 150 con bò mẹ, trong đó các xã được hỗ trợ nhiều là Nga My 47 con, Xiêng My 45 con, Yên Na 26 con... Dự án thông qua Hội Phụ nữ huyện, xã để đưa vào phát triển tại các hộ nghèo. Có sự giám sát theo dõi của các ngành liên quan như Hội phụ nữ, cán bộ phòng Nông nghiệp, Khuyến nông huyện... nên các hộ chăn nuôi bò sinh sản đều phát huy hiệu quả. Đặc biệt là nhờ thực hiện nuôi nhốt tập trung nên cơ bản đã tiêm chủng phòng trừ được các loại dịch bệnh.


Đến thời điểm này Tương Dương có trên 32.000 con bò, huyện đã xây dựng được gần 70 trang trại kết hợp chăn nuôi bò, tuy nhiên, theo đánh giá đàn bò ở Tương Dương số lượng tăng nhưng chất lượng chưa tăng. Huyện đang thực hiện triển khai đề án "Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011-2015". Mục tiêu là chuyển đổi hình thức từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi quy mô thâm canh, cải tạo nâng cao chất lượng giống bò, chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Vận động bà con xây dựng chuồng trại, chấp hành tốt pháp lệnh thú y ... Vì vậy, Tương Dương đang rất cần được Nhà nước, các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư vay vốn để phát triển chăn nuôi, góp phần xoá đói giảm nghèo.


Văn Trường

Hiệu quả từ dự án chăn nuôi bò sinh sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO