Hiệu quả từ mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI
(Baonghean) - Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái. Mô hình này triển khai tại 4 xã thuộc 2 huyện Hưng Nguyên và Diễn Châu do Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An hỗ trợ cho thấy, năng suất và sản lượng tăng, chi phí đầu giảm, hiệu quả nâng lên rõ rệt. Hiện hệ thống canh tác lúa SRI đang được áp dụng nhiều nơi trong tỉnh...
Nghệ An là tỉnh có diện tích trồng lúa hàng năm lớn (trên 180.000 ha). Những năm qua tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương biện pháp kỹ thuật, nhất là đưa tập đoàn giống lúa lai cao sản vào thâm canh nên năng suất sản lượng tăng khá. Hiện năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 51,04tạ/ha và sản lượng 934,216 tấn. Mặc dù so với trước đã có bước tăng trưởng nhanh cả năng suất và sản lượng, nhưng so với tiềm năng vẫn còn thấp. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân đạt thấp chủ yếu do việc áp dụng các biện pháp canh tác thiếu đồng bộ. Một số nơi gieo cấy lúa lai mật độ quá cao, vừa tốn giống, tốn công chăm sóc vừa bị sâu bệnh do ruộng lúa rậm rạp, thiếu ánh sáng. Nước được tưới ngập thường xuyên nên đất luôn trong tình trạng yếm khí, sản sinh nhiều chất độc (khí Mê tan, H2S,…) làm cho bộ rễ phát triểm kém hơn. Bón phân thiếu cân đối giữa đạm, lân và kaly, bón quá nhiều đạm, ít kali làm cho lá lúa mền, mỏng, vươn dài, tỷ lệ bông hữu hiệu thấp, tỷ lệ lép cao, không khai thác được hiệu quả của ưu thế lai một cách có hiệu quả.
Xuất phát từ đó, vụ xuân 2011, được hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, dự án cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An đã xây dựng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI với quy mô 20 ha tại 4 xã: Hưng Long, Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) và Diễn Tân, Diễn Quảng (Diễn Châu).
Mặc dù trong quá trình thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn như: Giá vật tư trên thị trường biến động theo chiều hướng tăng mạnh; rét đậm kéo dài, chi phí hỗ trợ cho người dân học tập còn quá thấp, tập quán canh tác đa dạng và trình độ nhận thức người lao động không đồng đều. Nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn mô hình được triển khai khá hiệu quả.
Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI cho năng suất cao. |
Ngay sau khi được phê duyệt kế hoạch đơn vị tư vấn đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh theo phương pháp cải tiến từ khâu làm đất, gieo bắc mạ, cấy, bón phân, chăm sóc, tưới nước, phòng trừ dịch bệnh. Theo đó trên phần diện tích xây dựng mô hình bà con đã thực hiện các kỷ thuật: Bắc mạ trên nền ruộng thay vì trên nền đất cứng. Ruộng được cày bừa kỹ nhuyễn 2 lần, đồng thời san phẳng mặt ruộng trước khi cấy. Sau khi cấy đưa nước vào ruộng, giữ mức nước trong ruộng khoảng 2 – 3 cm.
Mật độ cấy tuỳ thuộc vào đặc tính của giống và chân đất. Mật độ cấy các giống lúa lai hàng cách hàng = 25 cm, khóm cách khóm = 22cm, mỗi khóm 1-2 cây mạ. Lượng phân theo yêu cầu quy trình kỹ thuật đối với giống lúa lai Khải Phong1 (tính theo một sào Trung bộ 500m2) bón: 3,5-500 kg phân chuồng, 10-10,5 kg phân đạm ure, 8 kg phân lân supe, 24 - 25 kg vôi bột. Cách bón: Bón lót 100% vôi bột, phân chuồng , lân supe + 20 % đạm ure; Bón thúc lần 1 khi cây lúa bén rễ hồi xanh (khoảng 12 – 20 ngày sau cấy tuỳ theo điều kiện tời tiết) 50% đạm và 50% kalyclorua; Bón đón đòng 50 % lượng kaliclorua còn lại và 30% lượng đạm còn lại có sự giám sát của chuyên gia tư vấn (bón đạm theo thang so màu lá lúa).
Sau khi bón thúc lần 1 (sau cấy 15 ngày), để cạn dần nước trong ruộng, sau đó cho nước vào ruộng với mức nước 3 – 4 cm. Cứ như vậy, trong giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng sẽ rút nước làm khô ruộng khoảng 2 lần. Rút nước cạn sau thúc 2 khoảng 4-5 ngày trong thời gian 1 tuần, để cạn khô mặt ruộng.Giai đoạn cây lúa phân hoá đòng (50 - 55 ngày sau cấy) cho nước vào ruộng, giữ mức 4 – 5 cm đến trước khi gặt 15 – 20 ngày rút cạn nước.
Thực hiện làm cỏ bằng tay, cào cỏ thủ công hoặc cải tiến không dùng thuốc trừ cỏ. Việc phòng trừ sâu hại bệnh được thực hiện như các trà ruộng khá.
Qua theo dõi thấy, do cấy mạ non, tuổi mạ 3 – 3,5 lá nên cây mạ bén rễ hồi xanh nhanh. Cấy theo các lỗ ô mắt sàng được định vị trước bằng dụng cụ kéo tay, mật độ thưa thoáng (khoảng 20 khóm/m2) không có sự cạnh tranh dinh dưỡng, lúa đẻ khá tập trung, dảnh mập. Lúa đẻ khoẻ, khá tập trung, thời gian đẻ kết thúc nhanh hơn lúa sản xuất đại trà. Số dảnh trên khóm đạt từ 18 – 26 dảnh. Số dảnh đẻ tối đa của giống Khải Phong I cao hơn so với Nhị Ưu 986. Tại 2 xã Diễn Tân và Diễn Quảng lúa đẻ khỏe hơn 2 xã Hưng Long và Hưng Lĩnh. Thời gian kết thúc đẻ của mô hình SRI sớm nên lúa trỗ sớm và thoát nhanh hơn so với sản xuất đại trà.
Do mật độ cấy hàng cách hàng = 25 cm và cây cách cây 22 cm, số khóm/m2 là 20 khóm nên tổng số bông/m2 ở mô hình thấp hơn so với ngoài sản xuất. Tuy nhiên tỷ lệ đẻ nhánh hữu hiệu (% số bông/dảnh đẻ tối đa) ở hầu hết các điểm xây dựng mô hình SRI đều cao hơn so với sản xuất đại trà. Tỷ lệ bông hình thành cao, số dảnh vô hiệu ít, dinh dưỡng được tập trung cho các dảnh hữu hiệu nên bông to, nhiều hạt mẩy.
Giai đọan sau cấy, lúa được điều tiết nước nông thường xuyên, mặt ruộng tiếp xúc ánh sáng tốt đã tạo điều kiện cho lúa trong các mô hình đẻ tập trung. Thời gian kết thúc đẻ nhánh ngắn hơn so với sản xuất đại trà khoảng 5 – 7 ngày.
Tại các điểm xây dựng mô hình, số dảnh đẻ tối đa tuy đạt cao trên 1 khóm nhưng số khóm/m2 thấp hơn đại trà nên tổng số dảnh tối đa/m2 thấp, tỷ lệ thành bông cao. Cây lúa cứng cáp, thân mập, dáng gọn lá dầy và khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Mặc dù số bông/m2 thấp nhưng số hạt chắc trên bông của mô hình SRI đạt cao hơn hẳn, hạt mẩy, khối lượng 1.000 hạt cao, dẫn đến năng suất lúa cao hơn hẳn so với đại trà ở cả 4 mô hình.
Kết quả năng suất mô hình SRI tại xã Hưng Long (Hưng Nguyên) đạt 7,6 tấn/ha, tăng so với ruộng đối chứng sản xuất đại trà 12,5%; Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) đạt 7,3 tấn/ha, tăng so với đối chứng sản xuất đại trà 7,4 %; Diễn Tân, Diễn Quảng (Diễn Châu) đạt 8,0 tấn/ha, tăng so với đối chứng sản xuất đại trà 8,1% .
Áp dụng hệ thống canh tác SRI tại 4 xã chi phí đầu vào cho mô hình phần lớn đều giảm. Cụ thể, lượng giống giảm 36,4 - 44%, công gieo cấy và dặm tỉa ít hơn, chi phí bơm tưới giảm 50%, chi phí thuốc sâu và công phun giảm 1 – 2 đợt. Riêng chi phí phân bón do điều chỉnh cho phù hợp với quy trình canh tác lúa lai nên có một số chủng loại phân bón tăng như lượng phân hữu cơ vi sinh (HCVS) thay thế cho lượng phân chuồng thiếu hụt, lượng kali nhu cầu tăng nhưng giảm lượng đạm đầu vào.
Qua hạch toán cân đối giữa các khoản thu và chi cơ bản, trong điều kiện vụ xuân 2011, mô hình ứng dụng hệ thống canh tác cải tiến SRI tại 4 HTX lãi thuần đạt 23.841 nghìn đồng, tăng hơn sản xuất đại trà 10.713 nghìn đồng (30,42%). Qua tổng kết các mô hình canh tác lúa cải tiến SRI được cán bộ và nông dân đánh giá cao. Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế (năng suất, sản lương, giá trị tăng) còn trang bị thêm kiến thức thâm canh lúa tổng hợp theo hệ thống SRI cho người dân, giảm thiểu độc hại ô nhiễm môi trường. Vì vậy ngay sau khi mô hình thí điểm kết thúc việc áp dụng hệ thống canh tác SRI được bà con áp dụng rộng rãi ở các vụ sản xuất lúa tiếp theo, góp phần đưa năng suất nhiều huyện trong tỉnh đạt trên 70tấn/ha/vụ xuân.
Bài, ảnh: Hải Yến