Xây dựng Đảng

Hiệu quả từ mô hình tự quản trong khu dân cư ở thị xã Thái Hòa

Ngân Hạnh 10/12/2024 16:10

Trên địa bàn thị xã Thái Hòa xây dựng nhiều mô hình tự quản phát triển sản xuất, đoàn kết xây dựng khu dân cư văn minh, qua đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, gắn kết cộng đồng.

ok.jpg

Ngân Hạnh • 10/12/2024

Nhờ tham gia các tổ hợp tác, kinh tế của các hộ thành viên được tăng lên rõ rệt. Ảnh: Ngân Hạnh

Thị xã Thái Hòa xây dựng nhiều mô hình tự quản phát triển sản xuất, đoàn kết xây dựng khu dân cư văn minh. Những mô hình đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, gắn kết cộng đồng.

Phân loại rác thải, tạo quỹ hỗ trợ hội viên

Hơn 200 kg giấy loại, 49 kg rác thải nhựa, cùng nhiều phế liệu khác là số lượng phế liệu mà Chi hội Phụ nữ khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu, TX. Thái Hòa thu gom được trong tháng 11 vừa qua.

Cứ vào Chủ nhật cuối tháng, các hộ gia đình khối Tân Tiến lại thu gom phế liệu để “biến rác thải thành quỹ”. Đúng hẹn, các chị em hội viên tập trung đông đủ, với những túi phân loại rác. Qua hoạt động này, những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm cũng được nối dài.

Chi hội Phụ nữ khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu, TX. Thái Hòa thu gom phế liệu hàng tháng. Ảnh: Ngân Hạnh
Chi hội Phụ nữ khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu, TX. Thái Hòa thu gom phế liệu hàng tháng. Ảnh: Ngân Hạnh


Chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Chi hội trưởng Phụ nữ phường Tân Tiến cho biết: “Hoạt động này đã được chị em duy trì 7 năm nay, nên mỗi gia đình trong khối đều có thói quen phân loại rác tại nguồn, tập trung thu gom, hạn chế rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Mỗi tháng trung bình chi hội thu được hơn 1 triệu đồng từ hoạt động này. Số tiền tuy không nhiều, nhưng chị em cố gắng tích cóp thành một quỹ chung, hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật,...”.

Grey Refined Scrapbook Family YouTube Video Outro (1)
Từ quỹ chung, các chị em Chi hội Phụ nữ phường Tân Tiến hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Ảnh: CSCC

Cũng từ nguồn quỹ này, các chị em khối Tân Tiến đã vun trồng những chậu hoa, biến nơi tập kết rác trước đây thành những góc phố sạch, đẹp. Nhờ đó, tình trạng tập kết rác bừa bãi không còn xảy ra.

Chị Nguyễn Vân Anh – Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa cho biết: Thực hiện phong trào do Trung ương Hội phát động về xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", gắn với xây dựng đô thị văn minh, thời gian qua, Hội Phụ nữ phường đã lựa chọn đẩy mạnh phong trào bằng nhiều việc làm thiết thực, để vừa đảm bảo sạch bếp, sạch nhà, vừa góp phần bảo vệ môi trường... Phong trào được thực hiện đầu tiên tại Chi hội Phụ nữ khối Tân Tiến, đến nay đã nhân rộng ra các khối khác trên địa bàn.

img_6615.jpg
Chị Nguyễn Vân Anh – Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hiếu (phải) và chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ phường Tân Tiến (trái) tại mô hình biến nơi tập kết rác thành vườn hoa. Ảnh: Ngân Hạnh

Sau 7 năm phát động, phong trào thu về trên 400 triệu đồng, kịp thời giúp đỡ các hội viên khó khăn và trẻ em nghèo vươn lên trong học tập bằng nhiều hình thức, như mua con giống, cây giống, mua thẻ BHYT, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương; tặng học bổng, hỗ trợ học sinh mồ côi trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu",…

Tổ dân cư hợp tác phát triển kinh tế

Tại xóm 7, xã Nghĩa Thuận, năm 2022 tổ hợp tác nuôi trâu sinh sản được hình thành với 7 thành viên. Nhận thấy hiệu quả thiết thực, đến năm 2023, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn chính thức đi vào hoạt động với 12 thành viên. Kể từ khi thành lập, các thành viên trong tổ hợp tác đã cùng nhau học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, tích cực tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức. Với tinh thần người có kinh nghiệm chia sẻ cho người chưa có kinh nghiệm, sau một thời gian đi vào hoạt động, thu nhập của các hộ thành viên đã tăng lên đáng kể.

anh 1
Tổ hợp tác nuôi trâu sinh sản trao đổi, học tập kinh nghiệm tại nhà ông Võ Sỹ Liễu. Ảnh: Ngân Hạnh

Bà Trương Thị Xuân - thành viên tổ hợp tác trồng rau an toàn cho biết: “Các hộ gia đình chúng tôi trồng xen kẽ nhiều loại rau như súp lơ, dưa chuột, ngô, su hào, cải bắp… Không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật qua các buổi tập huấn của xã, trong sản xuất thường ngày nếu có vấn đề phát sinh chúng tôi có thể trực tiếp hỏi nhau, hoặc nhờ các thành viên khác trong tổ hỗ trợ sản xuất, thu hoạch, nhờ vậy mà sản lượng tăng lên, chất lượng rau màu cũng đảm bảo hơn trước”.

anh 2
Tổ hợp tác trồng rau an toàn thường xuyên tham gia tập huấn, trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Ngân Hạnh

Ông Võ Sỹ Liễu - Xóm trưởng xóm 7, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, đồng thời cũng là tổ trưởng các tổ hợp tác nuôi trâu sinh sản và sản xuất rau an toàn chia sẻ: “Vì tôi vừa là xóm trưởng, vừa là tổ trưởng các tổ hợp tác, nên có thể chủ động nắm bắt thông tin, chia sẻ cho bà con về dự báo tình hình thời tiết và sâu bệnh, thị trường. Ngoài ra, sau những cuộc tập huấn do xã tổ chức, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau để nâng cao kiến thức, hỗ trợ nhau vào những lúc cao điểm hoặc khi đau ốm, khó khăn”.

Bên cạnh hiệu quả về phát triển kinh tế, các tổ hợp tác đi vào hoạt động đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

anh 5
Nhờ tham gia các tổ hợp tác, kinh tế của các hộ thành viên được tăng lên rõ rệt. Ảnh: Ngân Hạnh

Theo ông Lê Kế Vinh – Chủ tịch MTTQ xã Nghĩa Thuận, 80% người dân xóm 7 tham gia sản xuất nông nghiệp. Đời sống người dân đến nay đã được cải thiện nhiều nhờ tích cực tham gia trồng trọt, chăn nuôi. Trước đây, bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng từ khi thành lập các tổ hợp tác, thu nhập của bà con đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Đến nay, trên địa bàn xóm 7 chỉ còn 2 hộ nghèo. Vì vậy, thời gian tới, theo hướng phát triển của địa phương, MTTQ xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân thành lập các tổ, hội hợp tác phát triển kinh tế, tin tưởng rằng, đời sống của bà con sẽ ngày càng khấm khá.

img_6544(1).jpg
Sau khi thành lập các tổ hợp tác, thu nhập của bà con đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Ảnh: Ngân Hạnh

Trước đó, mô hình tổ hợp tác đã được xây dựng thành công tại xóm 6, xã Nghĩa Thuận. Từ 6 hộ gia đình ban đầu, đến nay, tổ hợp tác nuôi dê đã có 17 hộ thành viên, tổng đàn luôn duy trì từ 450 - 550 con, qua đó, giải quyết việc làm cho 17 lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Đến nay, tổ hợp tác đã liên kết với các thương lái của các tỉnh phía Bắc, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình tổ hợp tác phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, thời gian tới, MTTQ thị xã Thái Hòa và các tổ chức, đoàn thể tiếp tục vận động, tập hợp, quy tụ các tầng lớp nhân dân nhân rộng ở cơ sở. Năm tới, MTTQ thị xã sẽ tập trung xây dựng “Khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” tại 9/9 xã, phường, tiếp tục thực hiện tốt việc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Phạm Anh Đức – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Thái Hòa

Hiệu quả từ mô hình tự quản trong khu dân cư ở thị xã Thái Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO