Pháp luật

Từ ngày 1/7, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại

PL 01/07/2025 07:59

Từ ngày 01/7/2025, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại đúng không? Trình tự, thủ tục thế nào? Vấn đề quan tâm của ông Lê Văn Tân (Thái Hòa, Nghệ An).

Trả lời: Căn cứ theo Điều 27, Nghị định 121/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như sau:

Bổ nhiệm Thừa phát lại

1. Việc bổ nhiệm Thừa phát lại được quy định tại Điều 10 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại thực hiện theo quy định tại mục I, Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, việc bổ nhiệm Thừa phát lại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trình tự, thủ tục bổ nhiệm thừa phát lại từ ngày 01/7/2025 được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo Mục I Phụ lục VI Nghị định 121/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như sau:

(1) Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6, Nghị định 08/2020/NĐ-CP lập 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

- Bản sao hoặc bản sao điện tử giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật bao gồm: Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc thu hồi thẻ đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định 08/2020/NĐ-CP; giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp thuộc khoản 3, Điều 11, Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại.

(2) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm; trường hợp từ chối đề nghị phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

(3) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành xác minh hoặc có yêu cầu Sở Tư pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh tiêu chuẩn bổ nhiệm, thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trước khi xem xét, quyết định việc bổ nhiệm. Thời gian xác minh không quá 45 ngày kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản xác minh; thời gian xác minh không tính vào thời hạn xem xét bổ nhiệm Thừa phát lại nêu tại khoản này.

Khi giải quyết hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại, Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đối với người xin bổ nhiệm Thừa phát lại.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Thời gian phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp không tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Từ ngày 1/7, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO