Hiệu quả từ Nghị quyết phát triển làng nghề

15/08/2014 18:18

(Baonghean) - Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ xã Nghi Phong (Nghi Lộc) tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân theo hướng vừa thúc đẩy nông, lâm nghiệp vừa đẩy mạnh phát triển các làng nghề và ngành nghề phụ. Hướng đi đúng này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản xuất mây tre đan tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc
Sản xuất mây tre đan tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc

Theo hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Duy Hải - cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nghi Phong, chúng tôi về xóm Phong Phú, một trong những đơn vị có thành tích trong việc động viên nhân dân phát triển ngành nghề phụ, nâng cao đời sống. Xóm Phong Phú có 114 hộ với 528 nhân khẩu, nghề chính là nông nghiệp. Nếu chỉ trông chờ vào nông nghiệp thì đời sống và thu nhập người dân rất khó cải thiện.

Vì vậy, từ năm 2008, trên cơ sở nghề truyền thống là sản xuất giấy dó, chi bộ xóm đưa ra nghị quyết chuyên đề về phát triển làng nghề. Sau 5 năm triển khai, xóm đã phục hồi làng nghề và được UBND tỉnh công nhận vào năm 2012. Từ đó đến nay, làng nghề đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động và mang lại thu nhập tương đối khá cho người dân. Đơn cử gia đình bà Vương Thị Hiệp, mỗi ngày bà làm được khoảng 5 mẻ giấy dó, mỗi mẻ 20 đôi, giá bình quân từ 3.500 - 4.500 đồng/tờ, mỗi ngày thu nhập khoảng 200 - 250 ngàn đồng. Hiện nay, đầu ra sản phẩm có phần khó hơn trước nhưng mỗi ngày bà sản xuất từ 3 - 4 mẻ, mỗi mẻ 10 đôi (tương đương 20 tờ giấy dó), với giá khoảng 2.500 đến 3.000 đồng/tờ, thu nhập mỗi ngày cũng đạt từ 100 - 150 ngàn đồng. “Khoản thu nhập hàng ngày từ nghề phụ trên tuy ít nhưng cũng giải quyết được việc làm trong lúc nông nhàn, trang trải một phần cho chi tiêu của gia đình”, bà Hiệp chia sẻ. Bên cạnh nghề truyền thống, xóm còn động viên nhân dân phát triển các nghề khác như thợ xây; đầu tư chăn nuôi... Nhờ đó, đời sống của người dân khá dần lên, cả xóm chỉ còn 8 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 21,3 triệu đồng/năm. Thu nhập nâng cao, đời sống của nhân dân được cải thiện là nền tảng để xóm kêu gọi, phát huy được sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. “Trong tổng số 4 km, ngoài 1,4 km đường nhựa làm từ trước, xóm đã vận động nhân dân hiến 600 m2 đất vườn và gần 1.300 m2 đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng đổ đá làm đường; với tinh thần dân chủ, đoàn kết và tự lực, xóm phấn đấu mỗi năm làm được 500 - 700 m đường bê tông... Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết về huy động sức dân để làm đường nội thôn của chi bộ xóm”, đồng chí Phạm Ngọc Chương - Bí thư chi bộ xóm cho biết.

Trong khi đó, tại xóm Phong Yên, tận dụng lợi thế có tỉnh lộ Vinh - Cửa Hội đi qua, trên cơ sở gợi ý của Đảng ủy xã, xóm lấy nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự làm trọng tâm; đồng thời vận động đảng viên, quần chúng thi đua phát triển kinh tế. Nhờ chủ trương và sự động viên, khuyến khích kịp thời này, CCB Nguyễn Văn Tường đã mở gara sửa chữa ô tô. Gara không chỉ mở ra hướng làm ăn và thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xóm, thu nhập bình quân 4 triệu đồng mỗi tháng. Còn đảng viên trẻ Hoàng Văn Hiền, trước đây là hộ cận nghèo đã phát triển chăn nuôi. Chỉ sau 2 năm, gia đình anh Hiền đã thoát nghèo bền vững, trong chuồng khi nào cũng có 30 con lợn, mỗi năm xuất được 2 lứa lợn với gần 5 tấn lợn hơi. Bí thư chi bộ xóm Hoàng Trung Vợi cho biết: Nhờ những điển hình chịu khó làm ăn đã tạo ra phong trào phát triển kinh tế trong xóm, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo (chỉ còn 3 hộ), thu nhập bình quân đầu người xóm cao nhất xã với 25 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, trong năm 2014, xóm đã huy động sức dân làm được 200m đường bê tông trị giá 100 triệu đồng.

Cách đây 6 năm, khi tỉnh có Nghị quyết về phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, xã đã ban hành đề án riêng nhằm khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhờ vậy, đến nay 4 làng nghề đăng ký xây dựng đã được UBND tỉnh công nhận, quan trọng hơn là đã khôi phục và phát triển được một số nghề truyền thống, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, trong vòng 2 năm lại đây, xã xây dựng 6 mô hình dân vận khéo, trong đó có những mô hình đáng chú ý như: phát triển kinh tế hộ tại chi bộ Phong Thịnh; mô hình vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại Phong Hưng; mô hình hiến đất làm giao thông, giải phóng mặt bằng ở xóm Phong Phú... nhằm tạo hạt nhân, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực một cách bền vững. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã từ năm 2010 đến nay luôn đạt trên 10%. Năm 2013, giá trị sản xuất đạt trên 80 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với 21% nông - lâm nghiệp; 31% công nghiệp - xây dựng và 38% thương mại - dịch vụ; bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 20,03 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,9%. Nhờ đời sống người dân được nâng lên nên trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, xã đã huy động được hơn 2 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, do đó hệ thống đường sá, trường học và trạm xá tương đối khang trang, 22/22 xóm đều có các nhà văn hóa; bà con lương - giáo đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Ngọc Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Phong trăn trở: “Hiện nay, do đầu ra sản phẩm khó khăn, trong khi chi phí lao động cũng như nguyên vật liệu đầu vào tăng mà giá cả các sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp không tăng nên thu nhập lao động giảm. Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế vì thế chưa thật sự bền vững”. Trước tình hình trên, xã đã kiến nghị với Trung tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ địa phương và bà con trong việc chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng trong thời gian tới, đầu ra cho sản phẩm mây tre đan và giấy dó sẽ tiếp tục được cải thiện để không chỉ người dân có thu nhập đảm bảo đời sống và giữ được nghề, mà còn giúp xã hoàn thành mục tiêu “ly nông bất ly hương” như đã đề ra.

Nguyễn Hải

Hiệu quả từ Nghị quyết phát triển làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO