Hiệu quả từ tín dụng ưu đãi hộ cận nghèo

24/05/2014 16:47

(Baonghean) - Sau khi Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo có hiệu lực, tính đến ngày 30/4/2014, trên địa bàn huyện Diễn Châu đã có 831 hộ cận nghèo được vay với tổng số tiền 76 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng, tiếp sức cho hộ cận nghèo có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...

Hai năm trước, hộ anh Hoàng Văn Phúc ở xã Diễn Kỷ còn thuộc diện hộ nghèo của xã. Theo bình xét, gia đình được vay từ vốn từ ngân hàng chính sách 7 triệu đồng. Tuy nhiên, do mức cho vay hộ nghèo thấp nên có thời điểm gia đình anh vừa thoát khỏi diện nghèo, trả hết số tiền vay thì lại thiếu vốn để tiếp tục đầu tư, khiến gia đình có nguy cơ tái nghèo. Đúng vào thời điểm tháng 6/2013, khi chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo có hiệu lực, anh Phúc tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng. Từ đồng vốn này đã giúp anh đầu tư phát triển kinh doanh. Hiện nay, dịch vụ cho thuê phông bạt, bàn ghế bát đĩa của gia đình đang hoạt động ổn định, mang lại nguồn thu nhập đều đặn khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Anh Phúc chia sẻ: "Nguồn vốn kịp thời của chương trình cho vay hộ cận nghèo giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất, kinh doanh. Với mức thu nhập như 1 năm qua, gia đình tôi đủ khả năng trả gốc, lãi đúng thời hạn và chắc chắn thoát nghèo bền vững".

Giải ngân vốn vay cho các hộ cận nghèo tại xã Diễn Bích (Diễn Châu).
Giải ngân vốn vay cho các hộ cận nghèo tại xã Diễn Bích (Diễn Châu).

Còn gia đình chị Chu Thị Lan ở xóm 8 - xã Diễn Thành được giới thiệu vay 8 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi heo nái và nuôi gà. Số tiền đầu tư không lớn, nhưng được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các hội đoàn thể địa phương, cùng sự chăm chỉ chịu khó, gia đình chị đã dần có nguồn thu nhập ổn định và thoát nghèo năm 2012. Ra khỏi danh sách hộ nghèo đã khó, làm sao duy trì được để không bị tái nghèo lại càng khó hơn. Ranh giới nghèo - cận nghèo mong manh, nhiều khi chỉ là chênh nhau vạt chuối, luống rau, vài con gà, con lợn. Làm nông nghiệp rủi ro nhiều, từ thời tiết, thị trường, dịch bệnh…, nguy cơ tái nghèo luôn rình rập khiến cho gia đình chị Lan rất lo lắng.

Đầu tư để thoát nghèo chắc chắn hơn thì phải có tiền, nhưng giờ chị không còn là hộ nghèo nữa, tài sản lại chưa có gì nên đang không biết xoay sở thế nào. Vì thế, khi tín dụng cho hộ cận nghèo được thực hiện đã thực sự đem lại nguồn hy vọng mới cho gia đình chị. "Giờ tiếp tục được vay 30 triệu đồng không cần thế chấp tài sản từ nguồn vốn hộ cận nghèo chúng tôi hết thấy "bơ vơ", vì thoát nghèo mà vẫn còn được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm ưu đãi. Có thêm đồng vốn vay này, gia đình tôi sẽ mua thêm 1 con bò, còn lại ít vốn tính để xoay vòng chạy chợ buôn bán lặt vặt kiếm bữa hàng ngày cho 3 cháu đang tuổi ăn tuổi học" - Chị Lan chia sẻ.

Theo ông Phan Đình Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Thành: Khi chính sách tín dụng cho vay hộ cận nghèo có hiệu lực, chúng tôi đã rà soát, khảo sát, bình xét một cách công khai, nghiêm túc. Toàn xã có 266 hộ cận nghèo, năm 2014 Diễn Thành được giải ngân 2 tỷ, trong đó Hội Nông dân có 23 hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay với tổng số tiền 580 triệu đồng; hộ ít nhất là 10 triệu đồng, hộ nhiều nhất 30 triệu đồng trong khoảng thời gian 36 tháng. Thực tế cho thấy hộ cận nghèo là đối tượng cần được vay vốn nhiều nhất, vì nếu không có vốn để duy trì sản xuất, nguy cơ tái nghèo rất cao. Do vậy, Chính phủ quyết định cho hộ cận nghèo vay vốn là vô cùng ý nghĩa. Nhưng qua phản ánh của nhiều hội viên, lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo hiện là 0,78% tháng (9,36%/năm), bằng 120% so với hộ nghèo; trong điều kiện mặt bằng lãi suất chung đang giảm là chưa phù hợp, vẫn còn hơi cao. Nhà nước nên điều chỉnh lãi suất cho vay hộ cận nghèo tương ứng với lãi suất cho vay hộ nghèo là 0,65%/tháng...

Toàn huyện Diễn Châu hiện có 72.321 hộ dân sinh sống, trong đó có 8.438 hộ nghèo (chiếm 11,67%) và 18.776 hộ cận nghèo (chiếm 25,9%). Địa bàn huyện gồm 39 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã bãi ngang vùng khó khăn, do vậy người dân rất cần vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Diễn Châu tập trung ưu tiên nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho người dân với 8.398 hộ nghèo đã được vay vốn, dư nợ 140 tỷ đồng. Vốn hộ nghèo đã giúp bà con có vốn làm ăn, phát triển kinh tế hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn. Nay có thêm nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo đã tạo nguồn lực mới cho nhiều đối tượng hộ cận nghèo có vốn phục vụ sản xuất...

Để thực hiện tốt chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, thời gian qua Ngân hàng CSXH Diễn Châu đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể và tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường giám sát việc bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của từng trường hợp khách hàng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo giữ vững chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; tư vấn kịp thời để các hộ cận nghèo có kế hoạch cụ thể, hợp lý trước khi có quyết định vay vốn, tránh tình trạng cố vay theo tiêu chuẩn mà không xác định được phương hướng sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ.

Ông Cao Đức Huấn - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Diễn Châu cho biết: "Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo trên thực tế thường rất mong manh. Hộ cận nghèo sẽ tiến lên phía trước hay rớt lại phía sau nếu không có thêm nguồn lực? Từ băn khoăn này, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã được triển khai như một giải pháp mở hướng thoát nghèo bền vững cho những người dân ở dưới ngưỡng thu nhập trung bình. Sau khi tín dụng cho vay hộ cận nghèo có hiệu lực, toàn huyện có 841 hộ cận nghèo vay với số vốn 76 tỷ đồng. Dự kiến nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo trên địa bàn toàn huyện Diễn Châu là khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người vay, do đó việc bình xét hộ vay bình đẳng, công khai, đảm bảo đúng đối tượng. Nguồn vốn này bước đầu đã giúp hộ cận nghèo trên địa bàn có vốn sản xuất, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình ".

Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về tín dụng đối với hộ cận nghèo" có hiệu lực từ ngày 16/4/2013 đã trở thành động lực mới trong hành trình thoát nghèo bền vững của người dân, đảm bảo hiệu quả công tác an sinh xã hội. Chính sách này đã mở ra cơ hội cho hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Song để đồng vốn đó phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho hộ vay rất quan trọng, bởi nhiều hộ có vốn nhưng chưa biết đầu tư ngành nghề gì hoặc đầu tư tràn lan theo kiểu phong trào. Do đó sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành địa phương trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với từng địa phương là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất

x
Hiệu quả từ tín dụng ưu đãi hộ cận nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO