Hiệu quả từ việc quản lý hệ thống nước tự chảy ở huyện miền núi Nghệ An
(Baonghean.vn) - Với địa hình chủ yếu là đồi, núi, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, tuy nhiên, huyện Tương Dương đã có các giải pháp đưa nước sạch đến nhiều bản, làng vùng sâu, vùng xa. Có nước sạch sử dụng, người dân không phải đi hàng chục km để lấy nước sông suối về dùng như trước đây.
Gia đình anh Vi Văn Hải ở bản Cây Me xã Thạch Giám huyện Tương Dương trước đây rất khó khăn trong việc tìm nguồn nước để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Do địa hình cheo leo, nhà ở bên sườn núi nên để có nước dùng hàng ngày gia đình anh phải cắt cử nhau xuống sông Lam, cách nhà khá xa để gùi nước.
Cùng chung hoàn cảnh với các hộ của bản Cây Me còn có bản Mon, bản Thạch Dương, bản Chắn, xã Thạch Giám. Nước sinh hoạt hàng ngày của bà con đã khó, chưa nói đến phục vụ nhu cầu sản xuất, chăn nuôi.
Người dân tự chủ động sửa chữa đầu nguồn dẫn nước về gia đình mình mỗi khi hư hỏng. Ảnh: Vi Mẫn |
Năm 2015, khi huyện đầu tư hệ thống nước tự chảy giao cho xã quản lý, gia đình anh Hải cũng như 106 hộ của bản Cây Me và các bản của xã Thạch Giám rất phấn khởi vì nước sạch đã về tận các hộ, lại không hề mất chi phí nào.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, không được tu bổ nên hệ thống đã xuống cấp, trong khi nhân dân lại chưa có ý thức trong việc quản lý nguồn nước, vẫn còn tình trạng nước thả tự do, làm cho hệ thống van vòi bị rơ, lỏng; trong khi nguồn quỹ của bản lại ít, nên hạn chế việc sửa chữa... Bên cạnh đó, một số hộ ở trên cao thiếu nước sinh hoạt.
Mỗi bản được đầu tư 1 bể lọc và 1 bể chứa nước. Ảnh: May Huyền |
Trước thực trạng đó, xã đã nhiều lần đề xuất với huyện về cách thức quản lý nguồn nước sao cho hiệu quả, nhằm đảm bảo 100% hộ được dùng nước sạch. Đến cuối năm 2017, huyện quyết định giao cho Doanh nghiệp quản lý và có thu phí nước sạch đối với tất cả các hộ dùng nước.
Theo đó, bản Cây Me, bản Phòng giao cho Công ty CP cấp nước Nghệ An, chi nhánh Tương Dương trực tiếp đầu tư và quản lý, thu phí; Bản Mon giao cho Công ty TNHH Trường Vinh đầu tư và quản lý.
Sau khi nhận thầu, các công ty đã tập trung đầu tư, mỗi bản xây dựng 1 bể lọc và 1 bể chứa, đường ống dẫn nước từ đầu nguồn đập khe thuộc địa phận quản lý. Các hộ mua dây dẫn về nhà và phải trả mức phí 2.500 đồng/1m3. Đồng thời huyện đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của việc dùng nước sạch và sự thuận tiện của việc chủ động được nguồn nước.
Anh Vi Văn Hải ở bản Cây Me, xã Thạch Giám (Tương Dương) phấn khởi khi chủ động được nguồn nước sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: Vi Mẫn |
Anh Lương Văn Hùng - Trưởng bản Cây Me, xã Thạch Giám cho biết, từ khi chủ động nguồn nước, các hộ dân trong bản đã ý thức bảo quản, không để nước tự chảy ở các bể như trước; van, vòi được chú trọng mua hàng có chất lượng về dùng. Đặc biệt có nước người dân chăn nuôi, trồng trọt, thuận lợi hơn nhiều.
Nhưng một vấn đề người dân ở các địa phương đang sử dụng nguồn nước tự chảy mong muốn là cần có sự điều chỉnh về giá nước. Mức giá 2.500 đồng/m3 đối với một số địa phương có đến 85% hộ dân phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, nguồn thu nhập không ổn định thì hiện vẫn cao...
Khi có nước, người dân chủ động được trong sản xuất rau màu và chăn nuôi. Ảnh: May Huyền |
Huyện Tương Dương phấn đấu, trong thời gian sớm nhất, 100% hộ dân đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để đạt được điều đó, bên cạnh các giải pháp huyện đưa ra thì rất cần người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước hiện có.