Hiệu quả vành đai năng lượng "xanh"
Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc là 3 huyện phụ cận thành phố, ngoài sản xuất lương thực, rau, củ quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, các địa phương này hàng năm còn cung cấp một khối lượng lớn lúa gạo và rau củ quả cho thị trường Thành phố Vinh. Những năm gần đây, nhờ năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh tăng năng suất, tổng sản lượng lương thực và rau màu hàng hoá của 3 huyện này đều tăng mạnh.
(Baonghean) - Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc là 3 huyện phụ cận thành phố, ngoài sản xuất lương thực, rau, củ quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, các địa phương này hàng năm còn cung cấp một khối lượng lớn lúa gạo và rau củ quả cho thị trường Thành phố Vinh. Những năm gần đây, nhờ năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh tăng năng suất, tổng sản lượng lương thực và rau màu hàng hoá của 3 huyện này đều tăng mạnh.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, ngoài sản lượng lúa ra, chỉ tính riêng sản lượng rau, củ, quả (ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, đậu, rau các loại...) sản xuất hàng năm của các huyện: Nam Đàn khoảng 85.500 tấn; Nghi Lộc hơn 50.000 tấn và Hưng Nguyên khoảng 16.500 tấn. Mỗi địa phương có những sản phẩm riêng, làm phong phú cho thị trường rau, củ quả trong, ngoài tỉnh. Nam Đàn sản xuất nhiều mướp đắng, dưa chuột, cà, đậu, bí xanh, rau các loại... Hưng Nguyên phát triển các loại rau gia vị húng, quế, canh giới, rau cải, đậu, chanh... Nghi Lộc có lợi thế cung cấp cho thị trường nhiều lạc, ngô nếp, vừng, khoai lang, dưa hấu, hành tăm... Mỗi huyện có thế mạnh sản xuất những loại rau, củ, quả riêng vừa đa dạng nguồn lương thực, vừa hấp dẫn thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chính sự đa dạng hoá cây trồng ít trùng lặp này đã làm cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân các huyện phụ cận Thành phố Vinh hiếm khi bị ứ đọng, hoặc khó khăn về đầu ra. Có thị trường tiêu thụ tốt, có "đồng vào, đồng ra" hàng ngày đã khuyến khích người nông dân say sưa sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Đặc biệt đối với những vùng đất màu ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, cây trái bốn mùa xanh tốt, hết thu hoạch ngô, lạc, bà con lại trồng các loại đậu, dưa, bí xanh, cà, rồi bắp cải, xu hào, xà lách, xúp lơ, các loại rau xanh... Thậm chí nhiều diện tích đất tốt, bà con còn trồng xen dắm các loại rau màu khác nhau, thu hoạch lứa này xong, lứa sau đã chuẩn bị cho thu hoạch, cung cấp ra thị trường. Nền kinh tế ngày càng phát triển, giá trị hàng hoá các sản phẩm nông nghiệp tăng lên, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông nghiệp, người nông dân đã có thể ổn định bằng chính đồng ruộng của mình.
Tại chợ Vinh - chợ đầu mối chuyên cung cấp hàng rau củ quả cho thị trường thành phố và thị trường trong, ngoài tỉnh. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Chợ Vinh cho biết thì nguồn rau củ quả bán sỉ tại chợ chủ yếu được cung cấp từ các huyện phụ cận thành phố như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... Không chỉ phục vụ cho thị trường TP.Vinh, sản phẩm rau củ quả hàng hoá ở đây còn bán cho tư thương Đà NΩng, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá đến mua sỉ. Từ 11- 12 giờ đêm đã có những chiếc xe trọng tải lớn của các tỉnh tập trung ở chợ Vinh để thu mua hàng. Các tư thương tỉnh xa thường liên lạc với đầu mối ở chợ Vinh đặt hàng cụ thể, sẽ được đầu mối gom hàng chờ sΩn. Chợ rau đêm hoạt động sôi động từ 1- 6 giờ sáng hàng ngày, thu hút hàng ngàn người bán - mua, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 500 tấn rau củ quả các loại.
Chị Huệ - xã Xuân Hòa huyện Nam Đàn, chia sẻ: Tôi hôm nào cũng thức dậy từ lúc 1-2 giờ sáng, chở 2 tạ hàng gồm mướp đắng, dưa chuột, rau xanh, sả, riềng đem xuống chợ Vinh bán. Mùa nào thứ nấy, ngày nào tôi cũng có hàng đi chợ. Chúng tôi còn gom hàng của bà con trong xã rồi đem xuống Vinh bán. Công việc vất vả lắm, khi người ta đang ngủ say thì mình phải bươn chải trong đêm.
Bằng việc sản xuất các sản phẩm rau củ quả hàng ngày trên đồng ruộng, các huyện lân cận đã tạo thành "vành đai năng lượng xanh" không thể thiếu cho thị trường Thành phố Vinh và một số huyện trong, ngoài tỉnh. Điều này đã khẳng định việc đẩy mạnh cơ giới hoá, đưa giống cây trồng và biện pháp thâm canh mới áp dụng vào sản xuất, tích cực dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng thu nhập cao... thực sự đã dem lại hiệu quả lớn trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân tỉnh nhà.
Quỳnh Lan